Đây là câu hỏi được ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đặt ra trước thềm Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử (VOBF) 2018.

"Hoạt động của Uber và Grab tại Việt Nam hiện được đem ra mổ xẻ rất nhiều. Họ nói rằng, đây là kinh tế chia sẻ. Nhưng kinh tế chia sẻ có thực sự "chia sẻ"?", ông Hưng băn khoăn.

Chủ tịch VECOM cho biết, thời gian thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng - mới đây đã được chính thức kéo dài theo chỉ đạo mới đây của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Như vậy, hoạt động của các hãng taxi công nghệ như Grab và Uber tiếp tục tuân theo các quy định tại văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1012/VPCP-CN ngày 26/1/2018, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2018.

Ảnh hưởng to lớn từ hoạt động của các hãng Uber và Grab khiến cho khái niệm kinh tế chia sẻ được nhắc tới nhiều tại Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam: Kinh tế chia sẻ kiểu Uber và Grab tại nước ta có thực sự là chia sẻ? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)

Về cơ bản, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) ủng hộ quan điểm coi kinh tế chia sẻ là việc tiến hành giao dịch với sự hỗ trợ của các nền tảng số (digital platform) trên cơ sở lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận giữa các cá nhân hay tổ chức sẵn có hoặc dư thừa các nguồn lực như tài sản, hàng hóa hay dịch vụ với bên có nhu cầu tiêu dùng những nguồn lực đó.

Theo cách hiểu hẹp, ông Hưng lý giải, kinh tế chia sẻ giới hạn ở giao dịch phi lợi nhuận giữa cá nhân với cá nhân. Trước đó, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới Klaus Schwab coi kinh tế chia sẻ là một trong những nền tảng (deep shift) của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hưng đánh giá, thực tiễn cho thấy hoạt động của Grab hay Uber ở Việt Nam trong vài năm qua xa rời mô hình kinh tế chia sẻ, đặc biệt là theo nghĩa hẹp của khái niệm này.

Nhiều lái xe là những lái xe chuyên nghiệp, hoạt động kinh doanh toàn thời gian. Có những người đầu tư phương tiện để kinh doanh. Rất ít người kết hợp chuyến đi của mình với hành khách có cùng hành trình để tối ưu chi phí và tăng hiệu quả xã hội.

Với thực tiễn hoạt động như vậy, Chủ tịch VECOM nhìn nhận, có thể coi Grab hay Uber là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ taxi công nghệ (khác biệt với các hãng taxi truyền thống ứng dụng công nghệ ở mức thấp và kém hiệu quả).

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam: Kinh tế chia sẻ kiểu Uber và Grab tại nước ta có thực sự là chia sẻ? - Ảnh 2.

"Mặc dù đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của người dân về tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, cũng như xu hướng sử dụng thiết bị di động thông minh, nhưng sau 2 năm thí điểm, tôi vẫn chưa thấy có bằng chứng rõ ràng về việc các doanh nghiệp như Uber, Grab đạt được mục tiêu xã hội là góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông đô thị thông qua việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng xe ô tô", ông Hưng nêu quan điểm.

Theo đó, Chủ tịch VECOM hiến kế, các cơ quan quản lý nhà nước về vận tải, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, lao động, thương mại điện tử và thuế cần sớm xác định rõ ràng mô hình hoạt động của các doanh nghiệp như Grab và Uber có thực sự tuân theo mô hình kinh tế chia sẻ hay không, từ đó có các chính sách vĩ mô phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế chia sẻ ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

Bởi trong khi sự chú ý đối với kinh tế chia sẻ dồn nhiều vào lĩnh vực vận tải hành khách thì mô hình kinh tế này trong lĩnh vực kinh tế khác, bao gồm du lịch, chưa nhận được sự quan tâm cao của các cơ quan quản lý nhà nước lẫn truyền thông.

Chẳng hạn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch, trong cuộc họp ngày 26/12/2017 đã gợi mở phát động phong trào sinh viên, hoặc người lớn tuổi làm hướng dẫn viên du lịch tình nguyện. Đây là ý tưởng hay để triển khai những lợi thế của kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch.

Kinh tế chia sẻ là chủ đề sẽ thu hút sự quan tâm cao tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử (VOBF) do VECOM tổ chức tại Hà Nội ngày 14 tháng 3 và Tp. Hồ Chí Minh ngày 16 tháng 3 năm 2018. Ngoài chủ đề này, Diễn đàn sẽ thảo luận nhiều chủ đề được cộng đồng kinh doanh trực tuyến quan tâm như: quản lý thuế đối với thương mại điện tử, công nghệ blockchain và tiền số, trí tuệ nhân tạo…

Chu Lang