Ông Nguyễn Xuân Dương: "Việt Nam đang thừa nông sản bẩn, thiếu nông sản sạch"

09/08/2016 15:36 PM | Kinh tế vĩ mô

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN và PTNT) thẳng thắn nhìn nhận thực trạng ngành chăn nuôi Việt Nam khi trao đổi về ngành chăn nuôi trong nước tại buổi họp báo giới thiệu Hội chợ triển lãm Vietstock năm 2016.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, những năm qua, ngành chăn nuôi đã có những bước phát triển vượt bậc.

Tốc độ tăng trưởng chăn nuôi bình quân đạt 4,5 – 5%; tổng sản lượng thịt của Việt Nam năm 2015 là 4,8 triệu tấn; tổng sản lượng sữa tươi đạt 723,2 nghìn tấn; sản lượng trứng các loại đạt 8,87 tỷ quả,…

Ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi phát triển mạnh, với sản lượng 19 triệu tấn năm 2015, đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu trong các nước ASEAN về lĩnh vực này.

Về vấn đề quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi bước đầu đạt được kết quả quan trọng trong công tác kiểm soát chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, qua kiểm tra năm 2015, phát hiện có 2,5% mẫu thức ăn trong các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và 3,5% mẫu thức ăn chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi có chất cấm. Đến nay, qua kiểm tra không còn phát hiện mẫu thức ăn chăn nuôi nào có chứa chất cấm.

Đối với mẫu nước tiểu lợn tại các trang trại chăn nuôi và lò mổ: năm 2015 phát hiện 16,7% mẫu có dương tính với chất cấm; đến tháng 5/2016 còn 2,2% mẫu dương tính với chất cấm. đến tháng 6 và tháng 7/2016 không còn phát hiện mẫu nước tiểu dương tính với chất cấm.

Sau 5-6 tháng về cơ bản đã kiểm soát được vấn đề chất cấm trong chăn nuôi. Đây là kết quả bước đầu. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn còn rất nhiều bởi vàng ô, salbutamol là chất dùng trong công nghiệp nên chỉ cần cơ quan chức năng không quyết liệt là dân lại tái sử dụng.

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi ngày càng tăng cao, nhiều công ty, tập đoàn lớn đã đầu tư mạnh mẽ như Hoàng Anh Gia Lai, TH, Bình Hà, DABACO,… Tổ chức sản xuất chăn nuôi được triển khai có nhiều tín hiệu tích cực; hình thành nhiều chuỗi liên kết từ sản xuất đến thị trường, trong đó doanh nghiệp làm trung tâm,…

Tuy vậy, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn còn một số tồn tại như: dịch bệnh diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại; năng suất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng; việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với chất cấm, tồn dư kháng sinh gặp nhiều khó khăn.

"Nguy cơ của ngành chăn nuôi vẫn còn rất lớn, chính là vấn đề an toàn thực phẩm. Hiện nay, chúng ta vẫn thừa nông sản mất vệ sinh, thiếu nông sản sạch nói chung và đặc biệt là các sản phẩm chăn nuôi", ông Dương khẳng định.

“Nếu chúng ta không có sản phẩm chăn nuôi sạch và an toàn thì nguy cơ sẽ mất đi thị trường trong nước. Còn với thị trường hội nhập, nếu sản phẩm vẫn còn chất cấm, kháng sinh thì chúng ta rất khó cạnh tranh”.

Dư Hoài

Cùng chuyên mục
XEM