img
Sau hôm nay, chúng ta phải đợi 9 năm nữa mới gặp lại ngày 30 Tết: Bạn sẽ là ai trong năm 2033?- Ảnh 1.

Bạn sẽ là ai của năm 2033?

Theo Lịch Vạn niên, năm 2024 có ngày 30 tháng Chạp, tức ngày 30/12 âm lịch. Tuy nhiên, phải tới năm 2033, tức là 9 năm nữa mới lại có ngày 30 tháng Chạp (30 Tết nguyên đán), còn từ năm 2025 đến 2032 tháng Chạp chỉ có 29 ngày

“Tiền đắng, hậu ngọt" - uống trà phải nhâm nhi mới thấy được dư vị của trà. Tôi hay “vận" cái triết lý đó để nhìn Tết. Tết của những ngày đầu tháng Chạp đến qua lễ ông Công ông Táo tưng bừng như một ngày hội, khiến người thong dong nhất cũng thấy chộn rộn, lo mà chạy ngược chạy xuôi sắm Tết. Nhưng khi những ngày vội vàng ấy cũng lui về phía sau, người ta thấy dư vị ngọt ngào của Tết - một ngày 30 bớt ồn ào, xô bồ.

30 Tết, mỗi người gửi vào trời đất bao la một nỗi niềm bâng khuâng, cảm khái trước nhịp bước của thời gian, bồi hồi nghĩ về những điều đã qua và bao điều sắp tới. Nồi bánh Tét trước cửa nhà ai đã kịp nguội để kịp bày biện bánh lên bàn thờ Tổ Tiên, chậu mai đầu ngõ nhà ông Tư nay thấy bóng loáng, quán phở Bắc đầu ngõ bình thường đông nghẹt nay cũng treo tấm biển “nghỉ bán".

Ấy là Tết cũng về thật rồi.

Buổi sáng 30 Tết, tôi cũng chạy xe quanh thành phố, nhìn ngắm những tất bật cuối cùng của một năm mới. Tôi đã chứng kiến nhiều ngày 30 yên bình ở thành phố này - 30 của năm nay cũng không khác 30 của mọi năm, nhưng đi qua những con phố tĩnh lặng mà hàng ngày vẫn huyên náo tiếng người, tôi thấy Sài Gòn giản dị hơn, bình tâm hơn.

Sau hôm nay, chúng ta phải đợi 9 năm nữa mới gặp lại ngày 30 Tết: Bạn sẽ là ai trong năm 2033?- Ảnh 2.

Tiệm cà phê quen vẫn mở cửa ngày cuối cùng trong năm, tôi ngồi làm một ly như ngày thường, ngắm nhìn thành phố nghiêng mình sang năm mới.

30 Tết năm nay là một ngày đặc biệt. 9 năm nữa, người ta mới hẹn nhau vào ngày 30 Tết. Người trẻ hay viết những lá thư gửi đến mình của 10 năm sau, tôi tự hỏi nếu có điều gì muốn gửi gắm vào ngày 30 Tết của 9 năm sau, người ta sẽ nói gì?

Mua một tờ vé số cuối cùng trong năm, tôi hỏi bà cụ bán vé số một câu bâng quơ, “9 năm nữa mới có ngày 30 đó cụ, cụ có ước gì cho ngày 30 Tết 9 năm sau không?”

“Còn sống được hay không mà ước?” cụ cười.

Tôi bất giác nghĩ về bà nội, bà ngoại và tất cả những người thân đã không còn nữa. Tiếng Việt có nhiều cặp từ “khác âm, đồng nghĩa", trong đó có “Tết" và “Gia đình". Tết sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu không có gia đình ở bên, và gia đình đôi khi vắng đi những dịp sum vầy nếu như ngày Tết không đến. Người ta chẳng cần những kỷ niệm gì lớn lao xa xôi để nhớ về ngày Tết. Những thứ giản đơn bình thường như một buổi sớm theo mẹ đi Tảo mộ, theo ba đi chợ cây, hay khi hồi còn nhỏ lẽo đẽo theo bà rửa tàu lá chuối gói đôi chiếc bánh tét cũng khiến người ta xúc động.

9 năm sau gặp lại nhau ngày 30 Tết, chỉ mong gia đình vẫn mãi đủ thành viên. Người ta mơ biển mơ sông, còn ngày Tết đến chỉ mong gia đình không thiếu một ai là mừng.

Sau hôm nay, chúng ta phải đợi 9 năm nữa mới gặp lại ngày 30 Tết: Bạn sẽ là ai trong năm 2033?- Ảnh 3.
Sau hôm nay, chúng ta phải đợi 9 năm nữa mới gặp lại ngày 30 Tết: Bạn sẽ là ai trong năm 2033?- Ảnh 4.

Sau hôm nay, chúng ta phải đợi 9 năm nữa mới gặp lại ngày 30 Tết: Bạn sẽ là ai trong năm 2033?- Ảnh 5.

Trên phố thấp thoáng những tà áo dài của đám trẻ tranh thủ ngày cuối năm thảnh thơi. Nắng vàng hanh hao khoác lên bao sức sống cho thành phố. Thấy tôi giơ máy ảnh lên trước Bưu điện thành phố, đám nhỏ rào rào, “Anh ơi chụp giúp bọn em một kiểu".

“Okay liền nè,” tôi đáp.

“9 năm nữa mới có ngày 30 đó, liệu còn chơi chung không?” Tôi đùa hỏi tụi nhỏ, chắc cỡ đâu cấp ba hay sinh viên năm nhất. “Chơi chứ,” tụi nhỏ cười.

“Rồi có gửi lời nhắn gì cho bản thân của 9 năm sau không?” tôi hỏi tiếp.

“9 năm sau, em ước cuộc đời em thật viên mãn.”

“9 năm sau là gần 30 rồi, chắc chắn em phải lấy chồng và có con. Tết dắt con đi chung với tụi này.”

“Chắc lúc đó giàu rồi quá, hoặc có thể không ở Việt Nam nữa.”

“Hẹn tụi bay ở năm 2033 phải thật thành công, không thành công không gặp"

Sau hôm nay, chúng ta phải đợi 9 năm nữa mới gặp lại ngày 30 Tết: Bạn sẽ là ai trong năm 2033?- Ảnh 6.

Sau hôm nay, chúng ta phải đợi 9 năm nữa mới gặp lại ngày 30 Tết: Bạn sẽ là ai trong năm 2033?- Ảnh 7.
Sau hôm nay, chúng ta phải đợi 9 năm nữa mới gặp lại ngày 30 Tết: Bạn sẽ là ai trong năm 2033?- Ảnh 8.

Sau hôm nay, chúng ta phải đợi 9 năm nữa mới gặp lại ngày 30 Tết: Bạn sẽ là ai trong năm 2033?- Ảnh 9.

Nhìn những người trẻ đón Tết thấy lòng phơi phới ngày xuân. Ngày 30 Tết của 1 năm sau hay 9 năm sau vẫn luôn ngập tràn những niềm hy vọng. “Mất” đi một ngày 30 Tết chưa chắc là một điều gì đó không hay khi người ta có thêm động lực, thêm những lời hứa hẹn cho bản thân, thêm một cột mốc để nhìn lại cuộc đời. “Mất” đi ngày 30 Tết để người ta biết trân trọng những điều tưởng chừng như ở bên ta mãi mãi. “Mất” đi ngày 30 Tết để ta biết rằng thời gian không chỉ là một vòng tuần hoàn mãi mãi mà cũng có lúc trôi đi nhanh và đưa ta đến những điều không ngờ tới.

Sau hôm nay, chúng ta phải đợi 9 năm nữa mới gặp lại ngày 30 Tết: Bạn sẽ là ai trong năm 2033?- Ảnh 10.

Đã 4 năm kể từ mùa xuân Covid-19 nhưng từ khóa “một năm khó khăn" dường như vẫn chưa dứt ra khỏi cuộc sống của người Việt Nam. Khó khăn theo chân người lao động đến cả những cuối cùng trong năm khi ngày 30 Tết, đường phố Sài Gòn vẫn thấp thoáng những bóng người chật vật mưu sinh, cố gắng gom nhặt một cái Tết cho gia đình.

Những chậu cúc vàng bên vệ đường vẫn đang chờ trao tay cho gia chủ đón Tết. Những chùm bóng bay phấp phới theo chiếc xe đạp rong ruổi khắp phố phường Sài Gòn, mong sao sớm bán hết hàng trước đêm Giao thừa để chú bán bóng bay còn về nhà với gia đình. Ngày 30 Tết, có những người thảnh thơi ngắm nhìn phố phường nhưng cũng có không ít người vẫn ngược xuôi lo toan cuộc sống.

Sau hôm nay, chúng ta phải đợi 9 năm nữa mới gặp lại ngày 30 Tết: Bạn sẽ là ai trong năm 2033?- Ảnh 11.
Sau hôm nay, chúng ta phải đợi 9 năm nữa mới gặp lại ngày 30 Tết: Bạn sẽ là ai trong năm 2033?- Ảnh 12.

Sau hôm nay, chúng ta phải đợi 9 năm nữa mới gặp lại ngày 30 Tết: Bạn sẽ là ai trong năm 2033?- Ảnh 13.

Họ mong đợi gì ở ngày 30 Tết của 9 năm sau? Đôi khi cuộc sống chẳng đủ thi vị để người ta nghĩ về những ước mơ xa xôi. Tôi đoán rằng ngày 30 Tết của 9 năm sau, chúng ta vẫn mong cuộc đời bớt cực khổ, năm mới sang trang sẽ mang đến nhiều vận may và bình an. Ai cũng mong một ngày 30 Tết không còn chậu hoa nào nằm vất vưởng chưa bán được khi buổi chợ đã vãn, mong ngày 30 Tết không phải lủi thủi một mình nơi thành phố, mong ngày 30 Tết không phải gọi điện về cho gia đình, “năm nay má bảo với tụi nhỏ là con không về được, có chút tiền con gửi về cho mọi người ăn Tết, con ở lại làm cố nốt.”

30 Tết của 9 năm sau hay của hiện tại, cũng chỉ mong cuộc sống bớt cực đi một chút, để nghỉ Tết thực sự là khoảng thời gian nghỉ ngơi, để nhìn lại năm cũ mà lòng thấy rộn ràng, hân hoan, tự nhủ năm sau cuộc đời sẽ khấm khá.

Sau hôm nay, chúng ta phải đợi 9 năm nữa mới gặp lại ngày 30 Tết: Bạn sẽ là ai trong năm 2033?- Ảnh 14.

Dù con người thay đổi, dù diện mạo thành phố cũng khác đi nhưng Tết của 9 năm sau vẫn sẽ như bao ngày Tết cũ. Vì Tết không chỉ hiện diện trong những vật chất đời thường. Người ta có thể thôi gói bánh chưng, không còn nhớ đến cây nêu ngày Tết hay giản lược đi những thói quen trong ngày Tết thì Tết vẫn ở đó, vỗ về đời sống tinh thần cho mỗi người Việt.

Người ta nương vào Tết để thấy cuộc đời còn hy vọng, để cảm khái những điều nhỏ bé trong đời mà đôi khi lỡ bỏ quên. Ngày 30 Tết của 9 năm sau, vẫn sẽ có người chạy xe trong buổi sáng sớm đi gom nhặt những câu chuyện ngày cuối năm, vẫn có những người trẻ của thế hệ tiếp theo đang tận hưởng ngày Tết theo một cách riêng, và vẫn có những niềm hy vọng gửi trao đến cuộc đời.

Sau hôm nay, chúng ta phải đợi 9 năm nữa mới gặp lại ngày 30 Tết: Bạn sẽ là ai trong năm 2033?- Ảnh 15.
Sau hôm nay, chúng ta phải đợi 9 năm nữa mới gặp lại ngày 30 Tết: Bạn sẽ là ai trong năm 2033?- Ảnh 16.


Minh Đức
Viết Thanh
Phú Tuấn
Tuấn Maxx, Thành Đạt

 

PNS