Tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’ lại đúng: Tấm bằng là thứ mất giá hơn cả tiền bạc, bà bán phở mua được cả dãy phố nhưng giám đốc làm thuê bao năm không mua nổi căn nhà

26/04/2024 08:34 AM | Kinh doanh

Tấm bằng ngày nay còn mất giá nhanh hơn cả tiền bạc hay xe cộ khi cử nhân ra trường thất nghiệp đi lái xe, giao hàng nhiều đến mức chính phủ phải hạn chế. Tốn tiền tỷ học hành thi cử để rồi ra đời kiếm từng đồng lẻ, còn chẳng bằng bà bán xôi.

Tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’ đã đúng khi tấm bằng là thứ mất giá hơn cả tiền bạc: Bà bán phở mua được cả dãy phố nhưng giám đốc làm thuê bao năm không mua nổi căn nhà - Ảnh 1.

"Thực chất, hệ thống giáo dục dạy con người để ‘nghèo’", tác giả Robert Kyiosaki của "Cha giàu, cha nghèo" cho biết.

Vào thập niên 1960-1970, một anh công nhân tốt nghiệp cấp 3 ở Trung Quốc cũng có thể làm đốc công. Những người tốt nghiệp cử nhân bác sĩ, giáo viên đều được coi trọng. Thậm chí những du học sinh nước ngoài vẫn còn được các doanh nghiệp chào đón cho đến tận thập niên 2000.

Thế nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi, "sản lượng" cử nhân quá nhiều đang khiến thị trường thừa lao động có bằng cấp. Hậu quả là vô số sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp phải đi lái xe, giao hàng.

Các gia đình ngày nay bị ám ảnh với quan điểm "sống trong đời phải có một tấm bằng" đã đổ tiền cho con học đại học hay thậm chí du học. Tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp hiện đã không còn chào đón lao động có bằng cấp nữa mà coi trọng thực lực nhiều hơn.

Tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’ đã đúng khi tấm bằng là thứ mất giá hơn cả tiền bạc: Bà bán phở mua được cả dãy phố nhưng giám đốc làm thuê bao năm không mua nổi căn nhà - Ảnh 3.

Tác giả Robert Kiyosaki

Như một hệ quả tất yếu, những cử nhân hay thậm chí giám đốc có bằng cấp ngày nay thậm chí đi làm thuê nhiều năm cũng chưa mua nổi một căn nhà đắt đỏ trên thành phố, trong khi những người bán hàng rong, kinh doanh đồ ăn tự phát lại tích cóp mua được cả một gia tài.

Đúng như những gì tác giả Robert Kiyosaki đã từng nói: "Thực chất, hệ thống giáo dục dạy con người để ‘nghèo’ bởi nó được thiết kế để dạy chúng ta trở thành một người làm công ăn lương chứ không bao giờ dạy chúng ta về tiền bạc. Có một sự thật mà tôi phải nói là nếu muốn nghèo, bạn hãy đi học còn nếu muốn giàu có và hạnh phúc thì đừng làm như vậy."

"Khi tôi trả tiền cho bạn và bạn nhìn nhận mình là một người làm thuê, bạn đã sập ‘bẫy’ của cái nghèo. Khoảnh khắc bạn nhận lương, bộ não của bạn coi như đã chết", ông Kiyosaki chia sẻ thêm.

Không nuôi nổi chính mình

Một cuộc khảo sát năm 2019 của hãng giao đồ nhanh Meituan cho thấy 1% nhân viên giao hàng của công ty có trình độ cử nhân trở lên. Tuy nhiên tỷ lệ này đã bị cư dân mạng phóng đại khi áp dụng lên 7 triệu người giao hàng trên toàn Trung Quốc, tạo nên con số 70.000 người giao hàng có trình độ cử nhân trở lên.

Với mức lương bèo bọt, nhiều cử nhân ngậm ngùi hối tiếc những năm tháng đèn sách để rồi giờ đây làm những công việc thu nhập thấp, còn chẳng nuôi nổi bản thân.

Tờ New York Times (NYT) mới đây cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ từ 16-24 tuổi tại Trung Quốc đã lên mức cao kỷ lục 20,4%, tức cứ 5 người trẻ thì 1 người thất nghiệp. Điều đáng nói là rất nhiều người thất nghiệp có bằng đại học và không xin nổi việc làm, phải sống lay lắt bằng công việc bán thời gian.

Năm 2023, Trung Quốc có thêm khoảng 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng, mức kỷ lục chưa từng thấy.

Trong năm 2022, chỉ khoảng 733,5 triệu công việc ở Trung Quốc được tuyển dụng thành công, giảm tới hơn 41 triệu người so với năm 2019.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), sự suy giảm việc làm này gần tương đương với toàn bộ lực lượng lao động tại Đức, khoảng 44 triệu người.

Tệ hơn, tờ Nikkei Asian Review cho biết việc nhiều cử nhân thất nghiệp phải đi làm lái taxi đã khiến ngành này quá tái, khiến chính phủ phải hạn chế số lượng cấp phép.

Tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’ đã đúng khi tấm bằng là thứ mất giá hơn cả tiền bạc: Bà bán phở mua được cả dãy phố nhưng giám đốc làm thuê bao năm không mua nổi căn nhà - Ảnh 5.

Ví dụ như thành phố Changsha của tỉnh Hunan đã phải ngừng ban hành giấy phép lái xe cho các tài xế ứng dụng chia sẻ kể từ tháng 5/2023 khi lượng xe taxi ở đây vượt quá lượng cầu.

Tương tự, thành phố Sanya của đảo Hải Nam cũng đã ngừng cấp phép lái xe taxi từ ngày 5/5/2023. Thậm chí các cơ quan chức năng còn tiến hành kiểm tra những công ty kinh doanh mảng chia sẻ dịch vụ thuê xe trước tình hình dư thừa quá nhiều nguồn cung.

"Nhu cầu vận tải tại đây đã vượt quá mức bão hòa", chính quyền thành phố Sanya cho biết.

Tấm bằng vô dụng?

"Bạn được cả xã hội và gia đình dạy rằng hãy đi học, kiếm tấm bằng và cuộc đời sẽ ổn. Thế nhưng thực tế thì tấm bằng đại học chả giúp ích gì nhiều", sinh viên Alexander Wolfe đã 29 tuổi, tốt nghiệp đại học Northern Kentucky University năm 2018 than thở.

Lời than thở của anh Wolfe được đưa ra trong bối cảnh Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết một cuộc nghiên cứu với 10 triệu lao động trong suốt 1 thập kỷ qua cho thấy một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học đang làm những công việc không cần bằng cấp.

Cụ thể, khoảng 52% số sinh viên mới ra trường trong 10 năm qua không dùng các kỹ năng học được trên trường đại học khi đi làm. Thay vào đó, chính những gì học được từ công việc đầu tiên mới là hành trang cho sự nghiệp sau này của các bạn trẻ.

Báo cáo nghiên cứu của Viện phân tích lao động Burning Glass Institute (BGI) và tổ chức phi lợi nhuận Strada Education Foundation cho thấy phần lớn những sinh viên làm việc không cần đến bằng cấp thường vẫn luẩn quẩn tìm việc suốt 10 năm sau đó, tính trong giai đoạn 2012-2021.

Tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’ đã đúng khi tấm bằng là thứ mất giá hơn cả tiền bạc: Bà bán phở mua được cả dãy phố nhưng giám đốc làm thuê bao năm không mua nổi căn nhà - Ảnh 6.

Theo BGI, việc lựa chọn chuyên ngành học đại học là rất quan trọng, tiếp đến là nơi thực tập bởi đây sẽ là địa điểm cung cấp hành trang nền tảng cho con đường sự nghiệp sau này của các bạn trẻ. Tuy nhiên ngay cả như vậy thì chẳng có gì sẽ đảm bảo tương lai sự nghiệp cho một sinh viên có bằng đại học.

Mặc dù số liệu của Cục điều tra dân số Mỹ năm 2022 cho thấy những sinh viên tốt nghiệp đại học ở tuổi ngoài 20 có thu nhập cao hơn 90% so với những người chỉ có bằng cao đẳng. Tuy nhiên theo Chủ tịch Matt Sigelman của BGI, tấm bằng đại học chỉ có giá trị với một số ít người mà không phải là tất cả.

Quay trở lại với trường hợp của anh Wolfe, một sinh viên tốt nghiệp bằng sư phạm và tâm lý học, đã trải qua hàng loạt vị trí trong các ngành bán lẻ, dịch vụ thực phẩm... Bản thân chàng sinh viên mới ra trường này vô cùng hối hận khi không được làm đúng chuyên ngành nhưng vấn đề là không thể xin được việc.

Tốn tiền học đại học để rồi chưa chắc đã theo đúng ngành là thế, nhiều sinh viên mới ra trường hiện nay còn phải đối mặt với nỗi lo từ trí thông minh nhân tạo (AI). Công nghệ mới này hiện đã thay thế được một số nhiệm vụ đơn giản vốn trước đây dùng để tuyển dụng sinh viên mới ra trường.

Hậu quả là cơ hội cho các bạn trẻ ngày một hẹp hơn.

Con cá biết leo cây

"Tất cả mọi người trên thế giới đều thông minh, nhưng nếu bạn đánh giá sự thông minh của 1 con cá qua khả năng leo cây của nó thì cả đời con cá đó sẽ nghĩ rằng mình là đồ ngốc"- Albert Einstein

Trước đây, trí thông minh, bằng cấp, chỉ số IQ thường bị đánh đồng với giá trị của một con người thay vì những thứ khác. Những người có bằng cấp, tự cho là thông minh hơn bắt đầu chế giễu những người kém thông minh hơn họ. Các công ty, nhà tuyển dụng cũng ưu tiên nhân viên có bằng cấp và được đánh giá là thông minh hơn.

Bố mẹ, trường học và rất nhiều người đều dạy con cái rằng nếu chúng không học hành, chúng sẽ trở nên nghèo hèn, làm những công việc bình thường như quét rác hay công nhân. Trong khi đó, họ lại quên rằng công nhân, nông dân mới là lực lượng tạo ra nhiều của cải cho xã hội, là nền tảng cho những ngành tri thức khác.

Hậu quả của suy nghĩ này là vô số du học sinh Trung Quốc được gửi sang nước ngoài với kỳ vọng có một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại.

Tờ Nikkei Asian Review cho hay hơn 1,2 triệu du học sinh tốt nghiệp của Trung Quốc trở về quê nhà tìm việc trong năm 2023 đã phải cạnh tranh với mức kỷ lục 11,6 triệu cử nhân tốt nghiệp nội địa.

Vậy là từ những lao động sáng giá, của quý của các công ty thì những du học sinh này nay lại trở thành đồ bỏ đi trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, thất nghiệp gia tăng.

"Tôi thậm chí còn chẳng kiếm được một lời mời phỏng vấn tuyển dụng nào", du học sinh Gan Zipping tốt nghiệp trường Meiji University tại Nhật Bản đã quay về Trung Quốc tìm việc năm 2023 buồn bã nói khi hơn 1 năm vẫn chưa kiếm nổi buổi phỏng vấn nào.

Tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’ đã đúng khi tấm bằng là thứ mất giá hơn cả tiền bạc: Bà bán phở mua được cả dãy phố nhưng giám đốc làm thuê bao năm không mua nổi căn nhà - Ảnh 8.

Vào tháng 3/2023, truyền thông địa phương cho hay có khoảng 285.000 sinh viên tốt nghiệp ở Bắc Kinh trong năm nay. Đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử, số người tốt nghiệp thạc sỹ cao hơn cử nhân.

Về phía người tuyển dụng, các doanh nghiệp đã phải nâng cao tiêu chuẩn với du học sinh nước ngoài khi nguồn cung quá thừa.

Báo cáo của Tập đoàn công nghệ giáo dục Phương đông (NOETG) cho thấy hơn một nửa số nhà tuyển dụng hiện nay đòi hỏi các du học sinh phải có bằng thạc sỹ hoặc tiến sĩ mới chịu phỏng vấn.

Theo Nikkei, ngày càng nhiều nhà tuyển dụng lẫn du học sinh nhận ra bằng cấp nước ngoài đã mất đi tính cạnh tranh ở Trung Quốc. Ưu thế lớn nhất về mặt ngoại ngữ hiện nay đã bị suy yếu khi Internet làm xóa nhòa rào cản học tập trực tuyến.

Trong khi đó, các du học sinh thường thiếu kinh nghiệm thực tập trong nước, không phù hợp chuyên ngành, kinh nghiệm và môi trường địa phương hay thiếu các mối quan hệ đã khiến bằng cấp nước ngoài của họ chẳng khác gì tờ giấy vô giá trị.

Thậm chí nhiều nhà tuyển dụng Trung Quốc còn có thành kiến với du học sinh khi cho rằng việc đi nước ngoài là do không thi nổi đại học top đầu trong nước, bị gia đình "đuổi" đi du học vì quá hư hỏng hay tâm lý du học sinh là "cậu ấm cô chiêu" hay đua đòi.

Tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’ đã đúng khi tấm bằng là thứ mất giá hơn cả tiền bạc: Bà bán phở mua được cả dãy phố nhưng giám đốc làm thuê bao năm không mua nổi căn nhà - Ảnh 9.

Trả lời Nikkei, rất nhiều nhà tuyển dụng cho hay họ không hài lòng hoặc không muốn dính vào du học sinh bởi đối tượng này khó quản lý hơn, có nhiều ý tưởng kỳ lạ hơn và "chảnh" hơn những cử nhân trong nước.

Ngay cả ở mảng kỹ thuật, nhiều cử nhân tốt nghiệp trường đại học Trung Quốc có tay nghề và trình độ không hề thua kém quốc tế, thậm chí có phần trội hơn nhờ quen thuộc với phong cách và thị trường nội địa.

Rõ ràng, tấm bằng đại học giờ đây đang mất giá hơn bao giờ hết và sẽ còn tiếp tục mất giá trước "sản lượng" cử nhân khổng lồ mỗi năm.

Câu hỏi đặt ra là các bạn trẻ hiện nay nên lựa chọn con đường nào phù hợp cho mình? Khởi nghiệp với những quán ăn nhỏ? Đi học nghề hay trở về quê làm nông?

*Nguồn: Tổng hợp

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM