30 năm chờ đợi đấu giá biển số: Từ “hàng trăm cuộc giải trình” đến 82,3 tỷ đồng cho sự khởi đầu

16/09/2023 08:41 AM | Xã hội

Năm 1993, biển số xe tự chọn lần đầu thí điểm ở một số địa phương, tuy nhiên do vướng mắc pháp lý nên phải mất 3 thập kỷ với hàng trăm cuộc giải trình, phiên đấu giá đầu tiên mới được tổ chức thành công.

Gần 339 người trả giá cho 11 biển số xe, tổng 82,3 tỷ đồng

Chiều 15/9, sau phiên đấu giá biển số xe đầu tiên kết thúc chưa đầy 30 phút vào lúc 17h, Cục CSGT phát đi thông báo: "Cục Cảnh sát giao thông xin được vui mừng thông báo cuộc đấu giá đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô xe từ 9h00 đến 17h00 ngày 15/9/2023 đã thành công tốt đẹp".

Danh sách 11 biển số trúng đấu giá trong phiên đấu giá đầu tiên.

Danh sách 11 biển số trúng đấu giá trong phiên đấu giá đầu tiên.

Đây là phiên đấu giá đầu tiên sau 30 năm Cục CSGT cùng Bộ Công an kiên trì theo đuổi và đề xuất. Phiên đấu giá đầu tiên với 11 biển số ''siêu đẹp'' ở 10 tỉnh, thành phố đã thu hút 480 người đăng ký tham gia đấu giá. Tổng số tiền trúng đấu giá: 82.325.000.000 đồng.

Số liệu thống kê từ Cục CSGT cho thấy, trong số 480 người đăng ký đấu giá 11 biển số, có 339 người trả giá, số còn lại không tham gia đấu giá, không trả giá. Biển số được người trả trá cao nhất là biển 51K-888.88 với 60 người đăng ký đấu giá, giá trúng đấu giá cao nhất: 32.340.000.000 đồng.

Biển số được nhiều người quan tâm đấu giá nhất với 67 người trả giá là biển  30K-555.55, trong chưa đầy 10 phút đầu tiên, biển số được trả giá tới 14 tỷ đồng, tuy nhiên kết thúc phiên đấu giá, biển ngũ quý 5 được trả 14,12 tỷ đồng.

Cũng theo số liệu của Cục CSGT, biển số trúng đấu giá thấp nhất trong phiên đầu tiên là: 650.000.000 đồng cho 98A-666.66 tại tỉnh Bắc Giang.

3 thập kỷ chờ đợi và hàng trăm cuộc giải trình 

Với kết quả của phiên đấu giá đầu tiên kết thúc, lãnh đạo Cục CSGT cho rằng, để có sự thành công này, "Bộ Công an đã đi qua một chặng đường dài, đầy gian nan, vất vả với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm và là chủ thể, động lực, nguồn lực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông".

Về ý tưởng đầu tiên về đấu giá biển số xe, theo đại diện Cục CSGT, từ năm 1993, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP Hải Phòng tổ chức cho đăng ký, thu lệ phí biển số tự chọn. Đến năm 2008, Công an một số địa phương: Bình Dương, Nghệ An, Khánh Hoà, Kiên Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Sơn La và Công an TP Hà Nội đã báo cáo Bộ Công an đề xuất đấu giá biển số xe ô tô. 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an trong một lần trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Ảnh: Quốc hội

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an - trong một lần trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Ảnh: QH

Sau đó, Bộ Công an đã phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đấu giá biển số xe ô tô. Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến tham gia của các Bộ ban ngành và địa phương, các cuộc họp, hội thảo, thẩm định do vướng mắc về cơ sở pháp lý và dư luận xã hội còn nhiều ý kiến khác nhau, nên ngày 30/9/2011, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tạm dừng việc đấu giá biển số xe ô tô.

Sau nhiều năm bị tạm dừng vì vướng cơ sở pháp lý, đến năm 2017, tại Thông báo số 127 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng "Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá". 

Nhưng sau 5 năm nỗ lực với nhiều lần trình Đề án, Chính phủ thấy rằng việc đấu giá biển số xe ô tô nếu thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ vướng mắc về pháp lý, khó khăn trong triển khai thực hiện, vì vậy cần có những quy định mang tính đặc thù so với các quy định của pháp luật hiện hành.

Tiếp sau những khó khăn vướng mắc về pháp lý, lãnh đạo Bộ Công an một lần nữa quyết tâm cùng với sự đồng hành ủng hộ của Bộ, ngành và các đơn vị liên quan, với hàng trăm cuộc giải trình và thẩm định, dự thảo Nghị quyết đã có lúc gặp rất nhiều khó khăn, gian nan, vất vả.

Tuy nhiên, với sự giải trình thuyết phục trước Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, vào 14h25 ngày 15/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4 khoá XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô với số phiếu ủng hộ đạt tỉ lệ 94,98%.

Theo lãnh đạo Cục CSGT, khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô với số phiếu ủng hộ đạt tỉ lệ rất cao, "Chúng tôi vỡ oà trong hạnh phúc, chặng đường 30 năm đã về đích, công tác đăng ký xe chuyển sang giai đoạn mới, lấy người dân làm trung tâm phục vụ và công khai minh bạch trong công tác đăng ký xe, đáp ứng nhu cầu của người dân, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước".

Biển số trúng đấu giá phiên đầu tiên được xử lý tiếp theo như thế nào?

Biển số đầu tiên ở Phú Thọ được trúng đấu giá 2,69 tỷ đồng.

Biển số đầu tiên ở Phú Thọ được trúng đấu giá 2,69 tỷ đồng.

Theo đại diện Cục CSGT, sau khi trúng đấu giá, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả đấu giá, biên bản đấu giá, danh sách người trúng đấu giá từ tổ chức đấu giá tài sản, Bộ Công an ban hành văn bản phê duyệt kết quả đấu giá.

Sau đó, Bộ Công an gửi thông báo kết quả trúng đấu giá biển số xe ô tô vào hòm thư điện tử và gửi tin nhắn thông báo tới số điện thoại đã đăng ký tại tài khoản truy cập cho người trúng đấu giá ngay sau khi phê duyệt kết quả đấu giá.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an.

Ngay sau khi nhận đủ số tiền trúng đấu giá, Bộ Công an cấp hoá đơn điện tử bán tài sản công và văn bản điện tử xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá gửi vào hòm thư điện tử cho người trúng đấu giá để làm thủ tục đăng ký xe.

Theo Thiên Sơn

Cùng chuyên mục
XEM