ABBANK: Nắm chắc “dây cương” bán lẻ trong cuộc đua 2021

23/03/2021 16:30 PM | Tài chính

Tối ưu hóa dịch vụ ngân hàng số và triển khai nhiều biện pháp củng cố tiềm lực tài chính nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ là định hướng phát triển trọng tâm của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) trong năm 2021.

Ông Lê Hải – Tổng Giám đốc ABBANK
Ông Lê Hải – Tổng Giám đốc ABBANK

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Lê Hải – Tổng Giám đốc ABBANK để chia sẻ về chủ đề này.

Vài năm trở lại đây, ngân hàng bán lẻ là một thuật ngữ được nhắc đến rất nhiều. Xin ông cho biết, tại sao nó lại trở thành định hướng phát triển chủ chốt của ABBANK và việc theo đuổi mục tiêu này đã đem lại hiệu quả như thế nào cho Ngân hàng?

Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ là phù hợp với xu hướng tất yếu trong hoạt động ngân hàng trên thế giới nói chung và các ngân hàng Việt Nam nói riêng. Bởi việc phục vụ nhóm đối tượng là khách hàng cá nhân, hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ và vừa giúp ngân hàng đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ, đa dạng hoá danh mục khách hàng, phân tán rủi ro nhờ đó giúp ngân hàng tối ưu hiệu quả hoạt động.

Trở thành Ngân hàng bán lẻ là định hướng chiến lược đã được ABBANK xác định từ nhiều năm qua. Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, ABBANK đã tập trung thực hiện xây dựng mô hình kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm; phát triển mạng lưới bán hàng truyền thống và mạng lưới "mềm" để gia tăng sự thuận tiện và tiện ích cho khách hàng; phát triển hệ thống công nghệ hiện đại tạo nền tảng để đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ; tăng cường năng lực quản trị rủi ro; chuẩn hoá và đồng nhất quy trình.

Trong những năm qua, dịch vụ ngân hàng bán lẻ đã mang lại những đóng góp quan trọng, giúp ABBANK nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nguồn vốn trung và dài hạn chủ đạo cho ngân hàng, mở rộng thị trường, đem lại doanh thu bền vững.

Trong giai đoạn 2018 - 2020, thu nhập từ hoạt động ngân hàng bán lẻ của ABBANK so với tổng thu nhập của Bán lẻ và KHDN đã có sự cải thiện từ khoảng 58% lên 61%, thu từ dịch vụ (phí dịch vụ, bảo lãnh, ngoại hối) có sự tăng trưởng đáng kể, từ khoảng 61% lên khoảng 69%.

Mục tiêu chiến lược của ABBANK trong giai đoạn 5 năm tới là thúc đẩy hoạt động ngân hàng bán lẻ, đẩy mạnh tỷ trọng thu nhập từ lãi và ngoài lãi của phân khúc bán lẻ so với tổng thu nhập của bán lẻ và KHDN lên 70% vào năm 2025.

ABBANK: Nắm chắc “dây cương” bán lẻ trong cuộc đua 2021 - Ảnh 1.

ABBANK đã dùng những công cụ nào để thu hút khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng bán lẻ của mình? Hay nói cách khác, đâu là thế mạnh của ABBANK trong cuộc đua bán lẻ thưa ông?

Quy mô khách hàng của mảng bán lẻ tăng qua từng năm đã cho thấy sản phẩm dịch vụ của ABBANK ngày càng được khách hàng ưa chuộng, lựa chọn sử dụng. Để giữ chân và thu hút được khách hàng trước xu thế số hoá, ABBANK đã tập trung đầu tư công nghệ, nhanh chóng cập nhật và phát triển các sản phẩm dịch vụ số hóa tiện ích và thân thiện với nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Cụ thể, với người dùng cá nhân có thể được trải nghiệm hàng loạt công nghệ mới nhất dành cho dịch vụ tài chính số như: xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR code); thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment); thanh toán trên thiết bị di động. ABBANK đã ra mắt sản phẩm Thẻ thanh toán quốc tế điện tử (Thẻ AB Ditizen Visa Debit) giúp khách hàng thực hiện dễ dàng các giao dịch thanh toán online tại hơn 20.000 điểm, đồng thời cải tiến ứng dụng AB Ditizen với nhiều tính năng tài chính hiện đại như: gửi tiết kiệm online, chuyển tiền nhanh liên ngân hàng, chuyển tiền qua số điện thoại, chuyển tiền qua mã QR thanh toán hóa đơn, thanh toán bảo hiểm, Mua sắm trực tuyến…

Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng của ABBANK có thể tiếp cận sớm nhất các dịch vụ Nộp thuế điện tử 24/7 hoặc được cung cấp dịch vụ Online Banking với 3 lớp bảo mật giúp kiểm soát giao dịch cho nhóm khách hàng chuyên biệt, phù hợp với cơ cấu kiểm soát của khách hàng.

Ngoài ra, để khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm nhiều hơn, ABBANK cũng áp dụng các chính sách ưu đãi hấp dẫn như: miễn phí chuyển khoản và phí duy trì tài khoản trên các nền tảng dịch vụ online và mobile; tặng số tài khoản trùng với số điện thoại của khách hàng để tạo nên một trải nghiệm hiện đại; áp dụng chính sách hoàn tiền hấp dẫn khi dùng thẻ thanh toán; miễn phí thường niên cho thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ quốc tế; các chương trình ưu đãi lãi suất ở mức hấp dẫn so với thị trường...

Hiện nay, "cuộc đua" CASA giữa các Ngân hàng bán lẻ đang diễn ra khá sôi nổi để tranh thủ nguồn vốn giá rẻ và củng cố nguồn lực tài chính.  Lượng CASA của ABBANK tăng trưởng như thế nào trong thời gian gần đây?

Tăng trưởng chỉ số CASA đang được xem là một giải pháp nhằm giảm chi phí vốn cho các ngân hàng từ việc huy động được một lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng. Thực tế cho thấy, ngân hàng nào càng có nhiều dịch vụ tiện ích và chính sách ưu đãi hấp dẫn thì sẽ có số dư CASA càng cao.

Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho các ngân hàng trong việc đưa ra mức lãi suất cho vay ưu đãi trên thị trường, đồng thời cải thiện biên lãi ròng (NIM), đẩy mạnh thu nhập lãi thuần. Ngoài ra, tỷ lệ CASA cao phản ánh giá trị nền tảng về hệ thống của ngân hàng, là tiền đề trong bán chéo các sản phẩm dịch vụ, nâng cao thu nhập ngoài lãi. Hiện nay, các ngân hàng chủ trương dùng nhiều biện pháp để tăng chỉ số này dẫn đến cuộc đua nóng bỏng về CASA trên thị trường mà bạn vừa đề cập.

Tại ABBANK, quy mô CASA ở phân khúc bán lẻ tính đến ngày 31/12/2020 đạt hơn 13.000 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2019. Tỷ trọng khách hàng có tài khoản CASA trên kênh internet banking của ABBANK chỉ chiếm 4,9% nhưng quy mô CASA của nhóm khách hàng này lại tương đương với 55,2% quy mô CASA toàn hệ thống ABBANK. Cùng với đó, số dư qua đêm trung bình trên một tài khoản internet banking của khách hàng cá nhân đạt hơn 15 triệu đồng, cao hơn gấp 3 lần so với 1 tài khoản Offline không sử dụng dịch vụ internet banking. Trên thực tế, con số này cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung của hệ thống ngân hàng.

ABBANK: Nắm chắc “dây cương” bán lẻ trong cuộc đua 2021 - Ảnh 2.

Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch hành động của ABBANK cho năm 2021?

ABBANK sẽ tiếp tục tăng trưởng CASA với chương trình chủ đạo miễn phí dịch vụ FREE ALL IN dành cho Công dân số sử dụng ứng dụng ngân hàng trên điện thoại AB Ditizen, và tiếp tục đẩy mạnh phát triển mảng bán lẻ theo hướng dịch chuyển số.

Cùng với đó, năm 2021 là năm đầu tiên ABBANK triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh trung hạn 2021-2025, theo đó, ABBANK sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp hành động nhằm khai thác sâu các nhóm khách hàng mục tiêu, nâng cao năng lực bán hàng của đội ngũ để gia tăng doanh thu. Đồng thời, ngân hàng sẽ tối ưu chi phí thông qua tập trung hóa hoạt động vận hành và thẩm định, phê duyệt tín dụng, tin học hóa 100% quy trình nghiệp vụ trọng yếu của ngân hàng, tăng cường trải nghiệm của khách hàng trên toàn bộ các kênh bán hàng với nền tảng kinh doanh số để thu hút và gắn kết khách hàng, xây dựng hệ sinh thái kết nối với các đối tác (Fintech, RegTech, EduTech), quản lý rủi ro chủ động với sự hỗ trợ từ các cổ đông nước ngoài.

Để hướng tới với mục tiêu nằm trong nhóm đầu các ngân hàng tư doanh về hiệu quả hoạt động, ABBANK sẽ liên tục phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ, trên một nền tảng công nghệ hiện đại và quản trị rủi ro vượt trội nhằm mang lại sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững về quy mô và hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Đồng thời, việc đưa cổ phiếu giao dịch tập trung trên sàn Upcom cuối 2020 vừa qua không chỉ đánh dấu sự tự tin của ABBANK về năng lực cạnh tranh, mà còn là cơ hội để ABBANK thu hút thêm nhiều nguồn lực từ cổ đông, các nhà đầu tư, giúp ABBANK thực thi các mục tiêu phát triển đã đặt ra, đồng thời góp phần nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu ABBANK trên thị trường.

Vâng xin cảm ơn ông.

Ánh Dương

Từ khóa:  tài chính
Cùng chuyên mục
XEM