Bất động sản công nghiệp khu vực miền Nam thu hút đầu tư khó khăn do dịch bệnh

09/02/2022 11:49 AM | Kinh doanh

Khu vực miền Nam đang có khoảng 400 khu công nghiệp được đưa vào quy hoạch với tổng quy mô diện tích lên đến 109 nghìn ha đất. Do ảnh hưởng đại dịch, thị trường bất động sản công nghiệp miền Nam gặp khó khăn trong thu hút đầu tư.

Theo báo cáo mới đây của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, khu vực miền Nam đang có khoảng 400 khu công nghiệp được đưa vào quy hoạch với tổng quy mô diện tích lên đến 109 nghìn ha đất. Báo cáo này nhận định, miền Nam là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch.

Trong quý 3/2021, trên thị trường chỉ có duy nhất một nguồn cung nhà xưởng mới. Việc thu hút đầu tư trong khu vực cũng gặp khó khăn do các hoạt động sản xuất đều bị tạm dừng bởi dịch bệnh. Nhìn chung, đây là một năm khó khăn đối với thị trường bất động sản công nghiệp miền Nam.

Theo số liệu thị phần theo quy mô bất động sản công nghiệp, Bình Dương đang là khu vực tập trung nhiều diện tích bất động sản công nghiệp nhất trong khu vực với quy mô thị phần lên đến 13% tương đương với quy mô 14,5 nghìn ha. Trên thực tế, đây cũng là tỉnh đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, là khu vực có mật độ khu công nghiệp lớn và có tỉ lệ lấp đầy cao nhất cả nước đạt mức 99%.

Năm tỉnh thành có mức độ tập trung cao nhất bao gồm Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Đồng Nai và Long An, chiếm hơn 50% tổng thị phần trên thị trường. Như vậy, ngoại trừ Cà Mau thì 4 tỉnh còn lại đều là những khu vực có vị trí địa lý gần với TP.HCM. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các vị trí này đều phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất do sẽ giảm được chi phí vận chuyển hàng hóa từ và tới TP.HCM.

 Bất động sản công nghiệp khu vực miền Nam thu hút đầu tư khó khăn do dịch bệnh  - Ảnh 1.

Thị phần các khu công nghiệp tại khu vực miền Nam dựa trên quy mô năm 2020.

Theo tính toán của đơn vị này, KCN Năm Căn hiện đang là khu công nghiệp có diện tích quy hoạch lớn nhất với quy mô diện tích đạt 11.000 ha tương đương với mức thị phần 9,88% trên thị trường.

Cà Mau hiện vẫn đang là một thị trường mới với bất động sản công nghiệp. Thời gian gần đây, khu vực này đang thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư bởi tốc độ đô thị hóa nhanh và giao thông thuận lợi. Do vậy KCN Năm Căn sẽ là một trong những bước khởi đầu trên thị trường của tỉnh Cà Mau với quy mô diện tích cực lớn đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư.

Theo sau đó là hai KCN Kiên Lương và KCN Sông Hậu với quy mô cùng đạt 3.200 ha tương ứng với mức thị phần 2,87% trên thị trường, các khu công nghiệp còn lại trong top cũng đều chỉ chiếm mức thị phần nhỏ từ 1,5 – 2%. Như vậy, trường miền Nam đang có sự phân bổ thị phần khá đồng đều giữa các khu công nghiệp.

 Bất động sản công nghiệp khu vực miền Nam thu hút đầu tư khó khăn do dịch bệnh  - Ảnh 2.

Thị phần BĐSCN tại khu vực miền Nam theo tỉnh thành năm 2020.

 Bất động sản công nghiệp khu vực miền Nam thu hút đầu tư khó khăn do dịch bệnh  - Ảnh 3.

Chỉ số CR và HHI của thị trường BĐSCN tại khu vực miền Nam năm 2020.

Căn cứ vào số liệu tại bảng chỉ số CR (Concentration Ratio, thể hiện quy mô tương đối của nhóm doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất thị trường so với tổng dung lượng thị trường) và HHI (thước đo phổ biến về sự tập trung của thị trường và được sử dụng để xác định khả năng cạnh tranh thị trường), cấu trúc thị trường bất động sản công nghiệp tại miền Nam đang có mức độ cạnh tranh rất cao và gay gắt. Khu công nghiệp có quy mô lớn nhất chỉ chiếm chưa tới 10% nguồn cung trên thị trường, top 3 khu công nghiệp chiếm khoảng 10% và top 5 chiếm ở ngưỡng 20%.

Theo Cục Canh trạnh và Bảo vệ người tiêu dùng, thị trường bất động sản công nghiệp tại miền Nam đang có mức cạnh tranh vô cùng cao, chưa có doanh nghiệp nào chiếm lĩnh thị trường và thị phần được phân bổ khá đồng đều giữa các khu công nghiệp. Chỉ số HHI cũng thể rằng, thị trường bất động sản công nghiệp miền Nam đang có mức độ tập trung rất thấp, các khu công nghiệp đang có mức thị phần rất nhỏ và chưa có khu công nghiệp nào có xu hướng làm tăng mức độ tập trung của ngành.

Theo Nguyễn Linh

Cùng chuyên mục
XEM