Bộ Công Thương 'lên dây cót' hành động nhằm góp phần giúp kinh tế tăng trưởng 6,7% năm 2017

06/01/2017 14:32 PM | Kinh tế vĩ mô

Bốn mục tiêu đó là về sản xuất công nghiệp, về xuất khẩu, về tổng mức bán lẻ hàng hóa và về chỉ số CPI hay lạm phát

Sáng nay ngày 6/1, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành Công thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trình bày trước Thủ tướng những chương trình kế hoạch của Bộ trong năm 2016 nhằm góp phần giúp nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm 2017.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nền kinh tế Việt Nam năm 2017 được dự báo sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi.

Trong đó, số vốn đầu tư nước ngoài và kim ngạch xuất nhập khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng do kết quả từ việc mốt số FTA đã được ký kết và đang đi vào thực thi. Tuy nhiên, cũng theo vị Bộ trưởng, sức ép lạm phát đang có dấu hiệu trở lại khi mà hiện tại giá dầu và giá lương thực đều đang có xu hướng tăng.

Trong năm tới, những nổ lực nhằm ổn định tỷ giá và lãi suất cũng có thể sẽ gặp khó khăn do áp lực điều chỉnh theo sự tăng giá của đồng ngoại tệ như USD. Qua đó, hoạt động xuất nhập khẩu ắt cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.

Trước những đan xen giữa thuận lợi và khó khăn trong năm tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đưa ra 4 mục tiêu cho ngành Công Thương, qua đó ngành có thể đóng góp vào mức tăng trưởng GDP 6,7% mà Thủ tướng chính phủ đã đề ra vào năm tới

Thứ nhất, Bộ đặt mục tiêu rằng trong năm 2017, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp sẽ đạt mục tiêu tăng 8 - 9%.

Năm vừa qua, sản xuất công nghiệp chính là điểm sáng nhất khi đã tiếp diễn được đà tăng trưởng cao. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 2016 tăng đến 7,5%, biến nhóm ngành này thành nơi dẫn dắt tăng trưởng của cả nền kinh tế trong năm 2016. Trong cơ cấu ngành, khai khoáng, gia công, lắp ráp đã được giảm bớt và thay vào đó là sự tăng trưởng mạnh của chế biến chế tạo, thể hiện đúng như theo định hướng mà chính phủ đã định hướng cho ngành.

Thứ hai, xuất khẩu phấn đấu tăng cao hơn mức được giao là 6 - 7%, nhập siêu phấn đấu ở mức thấp hơn chỉ tiêu được giao là 3,5% kim ngạch xuất khẩu. Trước đó, trong năm 2016, xuất siêu đã trở lại khi xuất khẩu đã tăng 8,4% so với năm trước.

Thứ ba, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội phấn đấu đạt mức tăng khoảng 10 - 11%. Năm vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2015.

Thứ tư và là cuối cùng, trước mối lo lạm phát trở lại, Bộ đặt mục tiêu phấn đấu để chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân cả năm 2017 kiểm soát theo mức Quốc hội đã giao là vào khoảng 4%.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định rằng trong năm tới và những năm tiếp theo sau này, tình hình kinh tế sẽ có nhiều diễn biến khó lường, đặc biệt là do làn sóng công nghệ đang xâm lấn ngày càng mạnh vào những lĩnh vực những công việc mà trước đây sở hữu hoàn toàn bởi bàn tay con người. Do làn sóng công nghệ này, thậm chí cơ cấu của cả nền kinh tế thế giới có thể sẽ bị thay đổi.

Về mặt môi trường kinh doanh, cùng với việc bỏ hàng loạt các thủ tục hành chính năm 2016, Bộ Công Thương cho biết năm nay ngành sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo những điều kiện tốt nhất cho khối các doanh nghiệp phát triển.

Trong năm vừa qua, việc môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ cũng chính là một điểm sáng lớn của kinh tế Việt Nam. Chỉ trong 11 tháng đầu năm 2016, cả nước đã có tới 101.683 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng số doanh nghiệp hoạt động vào thời điểm cuối tháng 11/2016 là cao nhất trong 6 năm trở lại đây.

Cuối cùng của bài phát biểu, bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh đến việc các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được chú trọng phát triển nhằm giúp mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10 - 11% trở thành hiện thực.

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, giá cả đối với một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, than.. cũng sẽ được quan tâm đặc biệt để có những điều hành linh hoạt trong năm 2017.

Chiến Thắng

Cùng chuyên mục
XEM