Bỏ việc đi làm tình nguyện vì nghĩ đó là 'công việc trong mơ' - Sai lầm lớn nhất đời tôi!

29/11/2016 11:06 AM | Kinh doanh

Dù ai cũng được khuyên nên làm những việc mình yêu thích nhưng thực tế thường không như ta mong đợi.

Khi còn là một đứa trẻ, tôi luôn yêu mến động vật. Tình cảm này cũng không hề thay đổi khi tôi trưởng thành.

Vì vậy, khi có cơ hội tạm nghỉ làm báo để làm tình nguyện tại một khu bảo tồn động vật tại Tasmania trong vòng 3 tháng, tôi chấp nhận luôn. Tôi chắc chắn đó là công việc trong mơ của mình.

Tuy nhiên, thực tế khác xa so với những gì tôi tưởng tượng. Thay vì dành thời gian mỗi ngày để tìm hiểu động vật và học hỏi, nghiên cứu về chúng, tôi dành 8 tiếng mỗi ngày để chạy qua chạy lại làm những công việc tay chân.

Rất nhiều động vật như loài quỷ Tasmanian húc vào xe ô tô của người đi đường và cần được huấn luyện lại. Tôi cho chúng ăn, chăm sóc chúng, tránh bị chúng cắn – đặc biệt là thời gian cho ăn – và tắm rửa cho chúng. Và khi chúng không thể sống sót, tôi chôn cất chúng.

Ngoài chăm sóc động vật, hoạt động tình nguyện còn bổ sung thêm... dọn dẹp toilet. Đây là công việc trong mơ của tôi sao? Không. Hóa ra chúng ta thường sai lầm khi nghĩ về thứ gọi là "công việc trong mơ" bởi cuối cùng mọi thứ không được như kỳ vọng.

Các nhà tâm lý học thậm chí đã đặt cho hiện tượng này là “dự báo cảm xúc”. Điều này có nghĩa là gì, chúng ta thường ôm những hy vọng không thực tế rằng những tình huống mới mẻ sẽ tạo ra cảm giác khác biệt, đây là tâm lý kiểu "đứng núi này trông núi nọ".

“Dự báo cảm xúc”, theo Lisa A Williams – một chuyên gia tâm lý tại Đại học New South Wales ở Sydney thì đây là “cách con người dự đoán những gì họ sẽ cảm nhận thấy” trong một tình huống riêng biệt. “Một ví dụ đơn giản là trúng số. Mọi người kỳ vọng rằng trúng số sẽ mang lại cảm xúc đặc biệt thích thú, vui sướng tột độ. Tuy nhiên khi các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát mức độ hạnh phúc của những người trúng số, họ nhận thấy rằng cảm giác sung sướng chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi”.

Trong trường hợp của tôi, tôi đã để cảm xúc định đoạt tương lai của chính mình: Chỉ nghĩ về việc dành thời gian thú vị bên những loài động vật chứ không phải làm những công việc chân tay. Nhìn chung chúng ta thường được khuyến khích làm công việc mà mình yêu thích nhưng thực tế lại không được như kỳ vọng.

Tự lừa dối bản thân

Đây chắc chắn là trường hợp của Sue Arnold – 46 tuổi người có thời gian dài mong ước trở thành một nhà khảo cổ học. Arnold vốn là một trợ lý trong lĩnh vực tài chính tại London và cô cho biết mình có tình yêu đặc biệt với những thước phim cổ về Tutankhamen và những cuộc phiêu lưu khám phá ra lăng mộ cổ của pharaoh ở Ai Cập cổ đại. Với niềm đam mê đó, cô đã đồng ý tham gia vào một dự án khảo cổ học khám phá Roman tại Dorset, Anh.

Dù biết công việc này không to tát đến mức có thể thể giúp thay đổi thế giới nhưng Arnold vẫn cực kỳ thất vọng về những trải nghiệm của mình.

“Đó là những tuần buồn tẻ nhất trong cuộc đời tôi. Tôi chỉ quét đi quét lại bụi bẩn trên những tấm ngói màu nâu”.

Mặc dù vậy Arnold vẫn không hối tiếc, trải nghiệm này khiến cô nhận ra mình không đủ kiên nhẫn cho một công việc vốn rất tỉ mỉ như khảo cổ. Hiện nay, Arnold vẫn thích đọc về lịch sử và lên kế hoạch tới Ai Cập nhưng chỉ một du khách bình thường mà thôi.

Vậy tại sao chúng ta không nhận ra những công việc trong mơ thực tế lại không hoàn toàn trong mơ? Một phần, theo Elliot Berkman – giáo sư tâm lý học tới từ Đại học Oregon, Mỹ điều này liên quan tới những việc tiềm ẩn cần phải làm để hoàn thành "công việc trong mơ" đó và một phần liên quan tới sự kỳ vọng của chính chúng ta.

“Con người nhìn chung không hạnh phúc như những gì họ kỳ vọng ngay cả khi đạt được mục đích. Một phần là bởi chúng ta không giỏi tiên liệu trước được những chi phí ẩn và những công việc ngoài lề kèm theo để đạt được điều đó”.

Điều ngược lại cũng đúng. Nếu làm một công việc trong 20 năm, bạn có thể quên đi những khó khăn mà mình phải vượt qua để đạt được như ngày hôm nay. Liệu bạn có sẵn sàng lặp lại tất cả những điều ấy để bắt đầu một thứ mới mẻ khác nữa hay không?

Quan trọng hơn, điều khiến ta thấy tốt hay tồi tệ là sự thay đổi từ nơi ta bắt đầu, bất kể đó là nơi đâu tiên, Berkman nói thêm. “Bạn cần phải liên tục thay đổi để khiến mình hạnh phúc”.

Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi chúng ta cần phải thật sự nỗ lực nếu muốn tìm được một công việc đúng đắn, phù hợp với mình, theo Rachel Grieve – Giảng viên tâm lý tại Đại học Tasmania. “Hầu hết chúng ta đều không đưa ra quyết định theo lý trí mà bằng trực giác và đôi khi chỉ là vì ta 'cảm thấy như vậy sẽ đúng'".

Cách suy nghĩ và tiếp cận như trên khá ổn khi bạn cần đưa ra những quyết định như mình sẽ ăn gì trưa nay. Tuy nhiên, ở một tầm cao hơn, như nghĩ về những thay đổi trong sự nghiệp, hiển nhiên bạn cần phải cân nhắc thận trọng hơn.

Khía cạnh xã hội

Theo Giáo sư Alexander Haslam – đến từ trường tâm lý học Queensland, sự hài lòng trong công việc là về chức năng xã hội chứ không phải chức danh công việc. “Nếu là một bác sĩ, bạn sẽ yêu thích y khoa và thuốc men đúng không. Nhưng nếu làm trong môi trường làm việc độc hại, có lẽ bạn sẽ không còn cảm thấy mình có thể dành trọn tình yêu cho nghề này nữa”, ông giải thích.

“Công việc trong mơ” của bạn bỗng biến thành cơn ác mộng!

Hãy theo tiếng gọi của trái tim!

Trở lại với trường hợp của mình, tôi nhận thấy sự nghiệp làm báo đang bế tắc. Và dù nhớ nhung công việc với những loài động vật thú vị tại Tasmania nhưng tôi nhận ra mình không cần một sự nghiệp mới. Thay vào đó, tôi cần sống gần hơn với thiên nhiên, với cộng đồng người có suy nghĩ giống tôi. Hiện tại tôi sống bên rìa khu rừng nằm trong danh sách bảo tổn của UNESCO tại đỉnh Blue Mountains ở Úc – một nơi tuyệt vời để đi bộ và ngắm nhìn động vật hoang dã.

Vì vậy, khi nhìn thấy một quảng cáo trên tờ báo địa phương về vị trí người trông coi vườn thú, mời độc giả may mắn tới và trải nghiệm việc làm này trong 1 ngày, tôi hiểu rằng: Đôi khi, "mơ ước" và "công việc" không cần đi cùng với nhau!

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM