Cấm dạy thêm, học thêm: Chuyện không tưởng?

31/08/2016 11:23 AM | Sống

Thu nhập giáo viên thấp? Chất lượng giáo dục nước nhà đáng báo động? Đó là những nguyên nhân khiến dạy thêm không thể cấm? Xin thưa, đó không phải là nguyên nhân cốt lõi. Dạy thêm sẽ còn tồn tại, còn đồng hành với mỗi gia đình, nếu...

Thời gian gần đây, ngành giáo dục loay hoay tìm cách cấm dạy thêm, nhưng có vẻ càng cố gắng cấm thì dạy thêm lại càng được ấp ủ.

Khi cả học sinh và thầy cô đều có nhu cầu, thì người ta luôn biết tìm ra những giải pháp linh hoạt để dạy thêm cho bằng được. Dạy thêm sẽ còn tồn tại cho đến khi nào kỳ thi đại học cam go vẫn còn tồn tại, nên sẽ không thể cấm nổi.

Thực tế trong công việc giảng dạy hàng ngày, một số giáo viên đã cắt xén những nội dung quan trọng khi đứng lớp, cố tình ra những bài kiểm tra khó chỉ học sinh đi học thêm mới làm được.

Nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt, không thể là nguyên nhân gây nên vấn nạn dạy thêm, bởi ai cũng biết giáo viên được ví là “kỹ sư tâm hồn”, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp không cho phép họ vi phạm làm tổn hại đến ngành và ảnh hưởng đến nhân cách học sinh.

Cũng có ý kiến cho rằng, giáo viên với mức lương thấp và điều kiện làm việc không đảm bảo, thì họ sẽ tìm đến dạy thêm; thực chất đây chỉ là cái cớ mang nặng yếu tố tâm lí của cả giáo viên và người ngoài ngành.

Trong những năm gần đây, lương và phụ cấp của giáo viên đã được tăng lên đáng kể so với những ngành nghề công chức khác. Thời gian đứng lớp của giáo viên cũng không phải đúng 8 giờ mỗi ngày và đủ 5 ngày trong một tuần.

Nghỉ tết âm lịch kéo dài, cùng với nghỉ hè - đây là quỹ thời gian rảnh rỗi đáng kể. Giáo viên hoàn toàn có thể sử dụng quỹ thời gian ấy để có thêm những hợp đồng dạy, thậm chí là làm việc khác kiếm tiền nâng cao mức sống.

Một ý kiến khác, cho rằng mục đích của dạy thêm để nâng cao chất lượng giáo dục. Vậy tại sao không tìm cách nâng cao chất lượng giáo dục từ chính lớp học trong nhà trường, mà lại phải nhờ đến dạy thêm ngoài giờ?

Nếu học sinh chưa hoàn thành khối lượng kiến thức tại lớp, giáo viên phải dành thêm giờ hướng dẫn để những học sinh ấy không bị bỏ lại phía sau, giáo viên cũng không được lấy tiền của học sinh. Như thế không thể gọi là dạy thêm.

Vậy đâu là nguyên nhân chính của dạy thêm?

Hãy tìm hiểu bài tập làm văn lớp 4 “Kể về ước mơ của em cho các bạn nghe”, qua hướng dẫn của các thầy cô, hướng dẫn của bố mẹ, những bài mẫu có sẵn trong các sách tham khảo, rồi đến bài viết của các em; tất cả đều chung ước mơ sau này lớn lên trở thành bác sĩ, kĩ sư, giáo viên, công an, hay văn nghệ sĩ nổi tiếng.

Để thực hiện những ước mơ đó, bắt buộc các em phải trải qua bậc đại học. Bởi vậy mà kì thi đại học ở nước ta luôn là cuộc “chiến đấu” thực sự cam go; muốn giành được chiến thắng, không có cách nào khác ngoài việc các em phải lao vào học thêm ngay từ thời kì mẫu giáo.

Lối dạy học truyền thống của chúng ta, có thể ví với chữ “dictate” trong tiếng Anh, dịch nghĩa là “chép chính tả” và “độc tài”. Cách dạy học “chép chính tả”, là thầy đứng trên bục đọc bài giảng, trò ngồi dưới chép lại những kiến thức đã “đóng đinh” trong sách.

Cách dạy học “độc tài”, là áp đặt thầy phải thế này, học sinh phải thế kia, mục đích cuối cùng là tạo nên những học sinh biết ngoan ngoãn vâng lời, biết tuân lệnh, làm như cái máy.

Để đạt được mục tiêu thi đỗ đại học, thì lượng kiến thức thuộc lòng quá nhiều, nên học sinh phải lao đi học thêm mới đủ chữ để chép lại trong các kì thi nhằm mục đích kiếm tấm bằng. Kiến thức ấy sẽ quên ngay sau khi thi và không thể áp dụng được vào công việc.

Với giáo viên, để đánh giá thầy tốt hay chưa tốt, thì hãy nhìn vào chất lượng học sinh ở lớp học, chứ không thể đánh giá thông qua việc họ có dạy thêm hay không. Giáo viên có quyền phân bổ thời gian rảnh rỗi vào việc kiếm tiền, dạy thêm sẽ tốt hơn nhiều so với việc giáo viên ngoài giờ lên lớp chỉ còn biết đọc báo, xem phim, chơi game, hay tiêu khiển thời gian rỗi bằng những trò vô bổ.

Theo quy luật cung cầu của thị trường, khi học sinh có nhu cầu học thêm thì thầy cô ắt có nhu cầu dạy thêm, đồng tiền sẽ là phương tiện để thầy cô cung cấp dịch vụ còn phụ huynh mua lại dịch vụ đó.

Dạy thêm sẽ luôn tồn tại song hành cùng với kỳ thi đại học bất hợp lý, nên việc ngành giáo dục tìm cách cấm sẽ chỉ nảy sinh tình trạng dạy chui, dạy trộm, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục.

Làm thế nào để xóa bỏ dạy thêm?

Những quốc gia đang tồn tại kỳ thi đại học khắc nghiệt, thì dạy thêm sẽ trở thành tệ nạn, mọi cấm đoán đều trở nên vô nghĩa, như Trung Quốc là một ví dụ minh chứng điển hình.

Thụy Điển thực hiện cải cách giáo dục bắt đầu từ năm 1994, theo chủ thuyết xây dựng nền tảng kiến thức kết hợp với việc tạo ra nhân công lao động phù hợp với nền kinh tế toàn cầu, cách giáo dục này đã làm cho học sinh Thụy Điển không có nhu cầu phải học thêm.

Phương pháp giáo dục ở Thụy Điển là phát huy tính dân chủ, xoay quanh năng lực cá nhân. Các lớp từ mẫu giáo cho đến đại học, không có trống báo hiệu đúng giờ vào lớp và tan lớp như ở ta, học sinh tự tổ chức vào lớp, tự tổ chức làm việc theo nhóm.

Trong mỗi buổi học, thầy giáo hiếm khi đứng trước học sinh, mà thường ngồi cùng hàng với các em, hoặc vị trí của thầy là ở cuối lớp để quan sát thay vì giảng bài. Mỗi học sinh phải tự quyết định việc học, phải triển khai bài giảng cho cả lớp, mỗi tuần giảng 1 lần, nội dung bài giảng không phụ thuộc vào sách giáo khoa.

Sau mỗi bài giảng, học sinh tự viết ra những cảm nghĩ, những gì được cho là đúng, những gì cần phải thay đổi. Ở cấp mẫu giáo và tiểu học các em chủ yếu rèn luyện kĩ năng sống trong xã hội.

Ở bậc học còn lại, các em được học những kiến thức mang tính hướng nghiệp, ví dụ như cùng là môn toán nhưng bối cảnh nghề bác sĩ khác với nghề điện.

Nếu như học sinh ở ta lao đi học thêm để mong kiếm cái bằng đại học, rồi được làm những nghề cao quý, sau đó lên làm quan; thì ở Thụy Điển không có nhu cầu học thêm, bởi các em đang học để làm người, để có kiến thức căn bản, rồi trở thành công dân lao động trong nền kinh tế toàn cầu.

Đa số học sinh ở ta tốt nghiệp phổ thông không đỗ đại học thì đến các lớp luyện thi ôn tiếp, có thể thi nhiều năm; ở Thụy Điển thì ngược lại, các em được giáo dục nghề nào cũng cao quý miễn là phù hợp với bản thân, nên đa số các em tốt nghiệp phổ thông sẽ đi làm ngay, chỉ khoảng 1/3 vào đại học.

Sau hơn 20 năm cải cách, Thụy Điển trở thành quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới, xã hội cũng phát triển xấp hàng đầu thế giới với các chỉ số vượt trội như thu nhập bình quân đầu người, tuổi thọ trung bình, không còn người nghèo, khoảng cách giàu nghèo cũng được xóa bỏ.

Mô hình giáo dục ở Thụy Điển rất đáng để chúng ta phải suy nghĩ học hỏi, nếu muốn loại bỏ hoàn toàn tệ nạn dạy thêm.

Theo Trần Văn Phúc

Cùng chuyên mục
XEM