‘Cảnh giới’ livestream bán hàng trong Ngày độc thân: Từ túi khoai lang, bánh kếp khổng lồ đến dây chuyền Cartier trị giá 28 triệu USD

12/11/2020 12:14 PM | Kinh doanh

Khi Alibaba mở bán sớm trên các nền tảng của mình ngày 21/10, Taobao Live đã chứng kiến giao dịch đạt 7,5 tỷ USD chỉ trong 30 phút đầu tiên.

Livestream trên nền tảng thương mại điện tử đã trở thành tâm điểm chú ý trong Ngày độc thân vừa qua ở Trung Quốc. Đây là lễ hội mua sắm lớn nhất thế giới diễn ra hàng năm vào ngày 11/11, do tập đoàn Alibaba khởi xướng từ năm 2009.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hạn chế khả năng kiểm tra sản phẩm trực tiếp, người tiêu dùng nước này đã chuyển sang hình thức theo dõi livestream. Ví dụ, trong một livestream của Ngày độc thân, một người đàn ông bán dao thớt đã ghi trực tiếp cảnh mình đang mài dao trong xưởng rèn để tạo sự tin tưởng của người mua.

Hình ảnh độc đáo chỉ là một trong số những công cụ được sử dụng để thu hút người xem. Ashley Dudarenok, người sáng lập cơ quan truyền thông xã hội Alarice và công ty đào tạo tiếp thị ChoZan cho biết: "Hiện tại có sự thiếu hụt rất lớn về nhân lực và tài năng livestream ở Trung Quốc".

Tuy nhiên, điều này không ngăn được việc livestream trở thành một kênh bán hàng quan trọng trong Ngày độc thân, khi người bán quảng cáo mọi thứ, từ những túi khoai lang giá rẻ cho đến dây chuyền Cartier cao cấp trị giá 28,3 triệu USD.

Khi Alibaba mở bán sớm trên các nền tảng của mình ngày 21/10, Taobao Live đã chứng kiến giao dịch đạt 7,5 tỷ USD chỉ trong 30 phút đầu tiên. Doanh số từ livestream của nền tảng này đã tăng 400% so với năm ngoái.

‘Cảnh giới’ livestream bán hàng trong Ngày độc thân: Từ túi khoai lang, bánh kếp khổng lồ đến dây chuyền Cartier trị giá 28 triệu USD - Ảnh 1.

Livestream bán hàng đang rất phổ biến ở Trung Quốc.

Để người mua sắm không rời mắt khỏi màn hình điện thoại đòi hỏi rất nhiều sự sáng tạo từ phía người bán. Giờ đây, người dùng không chỉ xem livestream để chọn hàng hóa mà còn để giải trí. Điều này làm tăng áp lực với người dẫn livestream.

Một người phụ nữ lớn tuổi đã livestream cảnh làm những chiếc bánh kếp khổng lồ trong nhiều giờ để quảng cáo sản phẩm bột ngô của công ty mình. Một livestream khác phát cảnh vài người phụ nữ cắm cúi khâu chăn gối.

Trong khi đó, một số người khác đã tìm ra giải pháp công nghệ cao hơn để kết nối với người mua sắm. Một người bán tủ lạnh đã tạo ra một căn phòng 3D ảo cho phép người xem cảm nhận được chiếc tủ lạnh thực sự trông ra sao bằng cách dùng chế độ xem 360 độ. Hay như Pico, một công ty sản xuất tai nghe thực tế ảo, đã giới thiệu sản phẩm mới của mình qua việc livestream từ một trò chơi video.

Mặc dù hình thức này đang phổ biến hơn bao giờ hết ở Trung Quốc, vẫn có nhiều trường hợp mua phải hàng giả hoặc bị lừa đảo. Điều đó khiến người bán hàng chân chính phải tìm mọi cách để chứng minh sự minh bạch của mình.

Có thể nói, cách chắc chắn nhất để không bị lừa đảo là mua từ cửa hàng chính thức của thương hiệu. Năm nay, thương hiệu xa xỉ Cartier đã lần đầu tiên bán đồ trang sức trên Taobao. Hay các tiếp viên của hãng hàng không Hainan Airlines cũng đã quảng cáo gói chuyến bay linh hoạt trên ứng dụng đặt vé du lịch Fliggy, một nền tảng khác thuộc sở hữu của Alibaba. Alibaba cho biết trong vòng 2 giờ, số lượng người mua đã đủ để lấp đầy 100 máy bay.

Nhìn chung, bán hàng qua livestream vẫn còn nhiều vấn đề. Những tên tuổi lớn trong ngành thương mại điện tử ở Trung Quốc như Alibaba, JD.com và Pinduoduo đã đưa ra một số chương trình để đào tạo người phát livestream. Họ đang chạy đua để có được những người dẫn tài năng và thu hút thêm người mua hàng.

Về phần mình, Alibaba đã ra mắt "mỏ neo" kỹ thuật số, hoạt động như một trợ lý giúp trả lời các câu hỏi về sản phẩm và giảm bớt gánh nặng cho người phát livestream. Tất nhiên, trợ lý ảo được hỗ trợ bằng AI này vẫn không thể thay thế sự sáng tạo và độc đáo của người dẫn – yếu tố góp phần tạo nên sự thu hút của livestream.

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM