7 dấu hiệu chứng tỏ bạn thiếu EQ

05/11/2015 13:44 PM | Kinh doanh

10 năm trong nghề đào tạo quản trị kinh doanh, tôi chưa từng thấy ai tự nói rằng họ cần phải cải thiện trí thông minh xúc cảm của mình. Tuy vậy, không thể đếm xuể số lời phàn nàn mà tôi được nghe từ mọi người về trí tuệ xúc cảm thấp của đồng nghiệp.

 
Vấn đề nằm ở chỗ: Những người muốn phát triển khả năng này lại là những người ít nhận ra nó nhất.

Dữ liệu chỉ ra rằng trí thông minh cảm xúc là sự khác biệt quan trọng giữa những người cực kỳ thành công và phần còn lại.

Mặc dù vậy, có nhiều người không bao giờ cố gắng cải thiện kỹ năng này hoặc họ đợi cho đến khi đã quá muộn.

Lấy Craig (không phải tên thật), một khách hàng tư vấn của tôi, làm ví dụ. Anh là một người có tiềm năng lớn và năng lực xuất sắc trong việc điều hành công ty. Vấn đề đối với Craig là cách mà anh nhận được các kết quả đó.

Khi được yêu cầu nói về Craig, đồng nghiệp của anh nói những điều đại loại như: “Anh ta là một con bò đực trong cửa hàng bán đồ sứ" (nghĩa bóng là vụng về, không biết cách cư xử làm mất lòng người khác); “Anh ta có một cùi chỏ sắc”; và “Anh ta để lại những xác chết trên đường đi”.

Cách tiếp cận để thực hiện dự án của anh không bền vững bởi anh không thể khích lệ tinh thần, lôi cuốn và giữ chân người tài. Sếp của anh nhận xét không tốt về tính mất kiên nhẫn và hay nạt nộ đồng nghiệp của anh.

Khi tôi chia sẻ phản hồi này với Craig, anh có vẻ khá bất ngờ và cho rằng tôi đã nghe nhầm. Anh không có tính tự nhận thức hoặc sự cảm thông, hai trong số những dấu hiệu xác định trí thông minh cảm xúc.

Dưới đây là một vài dấu hiệu biết chứng tỏ bạn cần cải thiện trí thông minh cảm xúc của mình:

- Bạn thường cảm thấy người khác không hiểu ý mình và điều này làm bạn mất kiên nhẫn và thất vọng.

- Bạn ngạc nhiên khi người khác nhạy cảm với những nhận xét hay câu nói đùa của mình và bạn nghĩ rằng họ chỉ đang làm quá lên.

- Bạn nghĩ việc được yêu quý ở nơi làm việc đang được đánh giá quá cao.

- Bạn phủ đầu cuộc tranh luận bằng những khẳng định chắc nịch và nhất quyết bảo vệ chúng.

- Bạn kỳ vọng ở người khác cao như với bản thân bạn.

- Bạn xem những người khác là nguyên nhân của hầu hết mọi vấn đề trong nhóm.

- Bạn thấy khó chịu khi người khác kỳ vọng bạn hiểu cảm nhận của họ.

Vậy, bạn cần phải làm gì nếu như nhận ra mình trong danh sách trên? Dưới đây là 4 giải pháp hữu ích:

1. Ghi nhận phản hồi

Bạn không thể giải quyết một vấn đề mà mình không hiểu được. Một cấu thành quan trọng của trí thông minh xúc cảm là sự tự nhận biết – đó là khả năng nhận ra và biết rõ về hành vi của mình trong lúc nó đang diễn ra.

Dù bạn có tham gia vào một đánh giá 360 hay chỉ đơn giản là hỏi một số người về nhìn nhận của họ, thì bước này là đặc biệt quan trọng để nâng cao khả năng cảm nhận của bạn về bản thân. Và đừng chỉ tìm cách bào chữa cho các hành vi của mình vì điều đó sẽ đi ngược với mục đích ban đầu.

Thay vào đó, hãy lắng nghe những phản hồi/ ý kiến từ những người xung quanh, cố gắng hiểu chúng và đưa chúng trở thành kiến thức của riêng bạn. Khi Craig lần đầu nghe suy nghĩ của những người khác về mình, anh nhanh chóng có tư thế phòng thủ. Nhưng khi anh chấp nhận những ý kiến phản hồi, anh đã thực sự hiểu và quyết tâm thay đổi.

2. Nhận thức được khoảng cách giữa ý định và ảnh hưởng

Những người có trí thông minh cảm xúc thấp thường đánh giá thấp tác động tiêu cực của những lời nói và hành động của họ đối với người khác. Họ phớt lờ cách biệt giữa điều họ muốn nói và điều mà người khác thực sự nghe được.

Dưới đây là những ví dụ phổ biến về điều này.

1. Điều bạn nói: Đến cuối ngày, hoàn thành công việc là điều quan trọng nhất

Điều người khác nghe: Tất cả những gì tôi quan tâm là kết quả và nếu ai không hoàn thành thì sẽ phải chịu trách nhiệm.

2. Điều bạn nói: “Nếu tôi có thể hiểu nó thì ai cũng có thể hiểu”.

Điều người khác nghe: “Anh không đủ thông minh để hiểu”.

3. Điều bạn nói: “Tôi không thấy có vấn đề gì lớn ở đây cả”.

Điều người khác nghe: “Tôi không thực sự quan tâm anh cảm thấy thế nào”.

Bất kể bạn định nói gì thì hãy nghĩ về việc câu nói của bạn sẽ tác động tới người khác như thế nào và liệu đó có phải là điều bạn muốn họ cảm thấy. Craig được biết tới vì những câu nói dễ làm người khác bực tức nhưng anh cũng đã bắt đầu cân nhắc về tác động của lời nói của mình.

Trước mỗi buổi họp, anh dành vài phút để tự hỏi bản thân: “Tôi muốn để lại ấn tượng gì? Tôi muốn mọi người cảm nhận như thế nào về mình vào cuối buổi họp? Làm thế nào để tôi truyền tải thông điệp của mình hướng tới mục tiêu đặt ra?

3. Nhấn nút dừng

Sở hữu trí thông minh cảm xúc cao có nghĩa là đưa ra các cân nhắc về cách bạn phản ứng với hoàn cảnh, hơn là phản ứng ngay lập tức. Chẳng hạn, Craig thường ngắt lời và bác bỏ ý tưởng của người khác trước khi họ kịp nêu lên hết các suy nghĩ của họ.

Hành động này là một phản ứng dựa trên nỗi sợ bị mất quyền kiểm soát cuộc tranh luận và tốn thời gian. Anh đã bắt đầu dừng lại trước khi phản ứng. Có hai hành động quan trọng cần thực hiện là:

Ngừng lại để lắng nghe bản thân mình: Khi Craig trở nên mất bình tĩnh và thất vọng về cuộc tranh luận, anh thường cảm thấy quai hàm mình nghiến chặt và tức ngực. Bằng việc nhận ra những dấu hiệu đó, anh có thể ngừng lại và nhắc nhở bản thân rằng anh đang sợ bị mất kiểm soát. Kết quả là, Craig xác định tốt hơn cách anh muốn phản ứng lại, hơn là chỉ trích người khác.

Ngừng lại để lắng nghe người khác. Lắng nghe có nghĩa là khiến người khác cảm thấy bạn thực sự hiểu họ (thậm chí nếu bạn không đồng ý với họ). Điều này không đồng nghĩa với việc không nói gì. Đó chỉ đơn giản là tạo cho người khác cơ hội để trình bày quan điểm của họ trước khi bạn phát biểu.

4. Đi cả hai chiếc giày

Mọi người thường khuyên bạn nên “đặt chân bạn vào chiếc giày của người khác” để trở nên cảm thông hơn, một cấu thành quan trọng của trí thông minh cảm xúc, nhưng bạn không nên quên mất cảm nhận của mình. Bạn cần đi cả 2 chiếc giày – hiểu rõ quan điểm của mình và cả của người khác, và nhìn nhận mọi tình huống theo cả hai chiều.

Craig đã chuyển cách tiếp cận của anh từ việc “đây là các mối quan tâm của tôi” thành “đây là những vấn đề của tôi, và tôi lắng nghe mối quan tâm của bạn. Hãy tìm cách cân nhắc cả hai.”

Củng cố trí thông minh cảm xúc đòi hỏi sự cam kết, tính kỷ luật, và một niềm tin chân thành vào giá trị của nó. Cùng với thời gian và luyện tập, bạn sẽ thấy rằng kết quả mà bạn nhận được sẽ vượt xa những nỗ lực để có được nó.

Theo Bích Hằng

Cùng chuyên mục
XEM