CTCP Vận tải Dầu khí Việt Nam: Lãnh đạo cũ bị bắt, tình hình tài chính "bê bết"

16/01/2013 18:29 PM | Kinh doanh

(CafeBiz) Đến cuối năm 2011, vốn chủ sở hữu Falcon Shipping âm 385 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 2.800 tỷ đồng.

CTCP Vận tải Dầu khí Việt Nam (Falcon Shipping) là một doanh nghiệp có quy mô vốn trung bình thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines. Tuy nhiên, công ty này lại sở hữu đội tàu có trọng tải lớn thứ 2 trong số các doanh nghiệp thuộc Vinalines, đạt 390 nghìn DWT.

Vốn bé, nhưng lại sở hữu đội tàu lớn nên Falcon Shipping phải vay nợ một lượng vốn lớn để đầu tư.

So với các doanh nghiệp vận tải biển khác thuộc Vinalines, Falcon ít được chú ý một phần vì chưa lên sàn. Tuy nhiên, ngày 16/1, báo Lao động bất ngờ đưa tin nguyên một số lãnh đạo của công ty đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn theo điều 28 Bộ luật Hình sự.

Mở báo cáo tài chính của Falcon thì những khỏa nợ khổng lồ cùng những khoản lỗ lớn không kém đã hiện ra.

Đến cuối năm 2010, vốn chủ sở hữu của Falcon đạt 148 tỷ đồng (vốn điều lệ 100 tỷ) nhưng đến cuối năm 2011, vốn chủ sở hữu đã âm (-) 385,6 tỷ đồng, gần gấp 4 lần vốn điều lệ. Nguyên nhân là do công ty đã lỗ 279 tỷ đồng trong năm 2011 cùng khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 255 tỷ đồng chưa ghi nhận.

Vì đâu nên nỗi?

Không riêng gì Falcon, hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển trong nước khác cũng đang vật lộn với khó khăn, tìm cách bán tàu để giảm lỗ do sự ảm đạm của ngành.

Mặc khác, các công ty vận tải biển đều vay nợ lớn để đầu tư tàu trong thời kỳ thị trường “hot” nên hàng năm đều phải chịu khoản chi phí lãi vay rất lớn. Bên cạnh đó, các khoản vay chủ yếu bằng ngoại tệ nên cũng phải gánh theo khoản lỗ tỷ giá khi mà VND bị mất giá trong những năm trước.

Đối với Falcon, đến 31/12/2011, tổng nợ phải trả là hơn 2.800 tỷ đồng trong đó, vay và nợ là 2.100 tỷ đồng. So với cuối năm 2010, khoản nợ dài hạn không thay đổi nhiều, ở mức 1.179 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vay nợ ngắn hạn đã tăng vọt từ 264 tỷ lên 921 tỷ đồng.

Công ty không công bố thuyết minh chi tiết nên không thể nắm được cơ cấu nợ ngoại tệ là bao nhiêu.

Theo báo cáo kết quả thì trong 2 năm 2010-2011, tổng chi phí tài chính của công ty lên đến hơn 420 tỷ đồng, trong đó, lãi vay là hơn 330 tỷ đồng. Đấy là còn chưa tính đến lỗ tỷ giá 255 tỷ đồng chưa phân bổ vào kết quả kinh doanh chung.

Cũng trong 2 năm trên thì công ty đã chi 770 tỷ đồng để trả lãi và gốc tiền vay.

Tên gọi giống gần nhau nhưng CTCP Vận tải Dầu khí Việt Nam và Tổng CTCP Vận tải Dầu khí là 2 doanh nghiệp không liên quan đến nhau.

KAL

duchai

Cùng chuyên mục
XEM