"Giải cứu" bò nội

28/09/2014 12:12 PM | Kinh doanh

Ngành chăn nuôi bò thịt mới đây đã chứng kiến sự tham gia của những tên tuổi lớn như HAGL, Đức Long Gia Lai... nhưng liệu sự đầu tư bài bản của các DN này có cứu được đàn bò trong nước?

Bò Úc lấn bò nội

Chưa khi nào thịt bò nhập khẩu, đặc biệt là bò Úc lại tràn ngập thị trường như hiện nay. Thịt bò Úc có mặt gần như tất cả các siêu thị, cửa hàng thực phẩm đông lạnh và đặc biệt trên các trang mạng, bò Úc được rao bán đầy rẫy. Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, thịt bò Úc trưng bày nhiều gấp đôi so với trước.

Tại hệ thống siêu thị Big C, Maximark... thì thịt bò tươi của Úc được bày bán với đủ các loại như nạc đùi, bắp... với giá từ 240.000 - 280.000 đ/kg (nạc đùi), 200.000 - 240.000 đ/kg (bắp bò)...

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2012, Việt Nam mới nhập khẩu 3.000 bò Úc nhưng đến năm 2013, số lượng bò từ nước này nhập về Việt Nam đã tăng lên 70.000 con. Chỉ trong nửa năm 2014, lượng bò Úc về Việt Nam đã tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên 72.000 con.

Dự báo, đến hết năm nay, sẽ có đến 150.000 con bò Úc được nhập về Việt Nam, chưa kể lượng thịt đông lạnh. Vượt qua cả Trung Quốc, Việt Nam trở thành thị trường nhập khẩu bò Úc đứng thứ hai thế giới, sau Indonesia.

Có nhiều lý do để bò Úc tiêu thụ mạnh tại Việt Nam. Đó là do nhu cầu dùng thịt bò trong dân còn lớn. Hiện trong khẩu phần ăn của người Việt, thịt trâu bò chỉ mới chiếm 6% trong khi con số trung bình của thế giới là 23%. Yếu tố quan trọng không kém là giá cả và chất lượng thịt. Giá thịt bò tại Úc và nhiều nước rẻ hơn rất nhiều so với ở Việt Nam.

Nuôi công nghiệp có chi phí rẻ nên mặc dù phải chịu thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển và các chi phí khác nhưng hiện tại giá 1kg thịt bò hơi của Úc nhập về Việt Nam vẫn thấp hơn bò trong nước. Cụ thể, giá bò hơi nhập khẩu tính cả thuế chỉ có 2,75 USD - 3,2 USD/kg trong khi giá thịt bò hơi trong nước đến 65.000 - 80.000 đ/kg.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết, từ tháng 9/2013, Vissan đã nhập khẩu bò về giết mổ vì nguồn cung trong nước thiếu hụt.

Hơn nữa, bò Việt Nam trọng lượng nhỏ, sản lượng thịt chỉ đạt 50% sau khi giết mổ trong khi bò Úc có trọng lượng lớn (bình quân 500kg/con), cho tỷ lệ thịt đạt 55%. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu thị trường, Vissan đã nhập bò về bán. Và hiện tại, mỗi ngày Vissan tiêu thụ 50 con bò Úc.

Cũng theo ông Mười, thịt bò Úc thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng và bò Úc cũng được nuôi đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh. Thậm chí, "Chính phủ Úc quy định khá ngặt nghèo về điều kiện của những DN nhập khẩu bò sống về giết mổ.

Cụ thể, phải có giấy phép của Cục Thú y Việt Nam và Úc sẽ kiểm tra các điều kiện của DN nhập khẩu về nơi nuôi nhốt, thức ăn và giết mổ phải theo ESCAP (Exporter Supply Chain Assurance system - Hệ thống xuất khẩu theo chuỗi đảm bảo) quy định người chăn nuôi không được ngược đãi súc vật, giết mổ phải có tính nhân đạo, không làm cho con vật hoảng sợ.

Phía Úc kiểm tra và đặt máy quay phim theo dõi toàn bộ quy trình giết mổ ở Vissan và những nơi mua bò giết mổ để bán ở Việt Nam. Nếu không thực hiện đúng cam kết, họ sẽ ngưng ngay hợp đồng cung cấp", ông Mười cho biết.

Mỗi ngày thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 4.000 con bò, riêng TP.HCM là 600 con. Với tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân, thịt bò Úc đã lấn chiếm và đánh bật thịt bò nội ra khỏi các siêu thị, nhà hàng, quán ăn. Theo các DN, hiện bò Úc đã chiếm 70% thịt bò tươi tại TP.HCM và vẫn đang tăng lên từng ngày.

Trông đợi những đàn bò lớn

Điều đáng quan ngại là mặc dù nhu cầu tiêu thụ thịt bò tăng cao nhưng nguồn cung trong nước lại giảm mạnh. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2007, Việt Nam có 6,62 triệu con bò thịt nhưng đến năm 2013, chỉ còn 4,97 triệu con.

Do vậy, trong đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định sẽ đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt làm lợi thế để tăng giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Trong đó, các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi như khoanh nợ, giãn nợ, vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất tín dụng... để người chăn nuôi đầu tư sản xuất được triển khai.

Một trong những tín hiệu vui cho ngành chăn nuôi là mới đây, các DN Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai, Thành Thành Công... tuyên bố tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi bò thịt với quy mô lớn. Trong đó, Hoàng Anh Gia Lai với dự án 236.000 con bò (120.000 bò sữa và 116.000 con bò thịt) với mức đầu tư 6.300 tỷ đồng đã được triển khai.

Theo kế hoạch, vào giữa năm 2015, bò thịt của Hoàng Anh Gia Lai sẽ được đưa ra thị trường thông qua Vissan và mang về doanh thu khoảng từ 30 - 50 triệu USD.

Trong khi đó, Công ty Đức Long Gia Lai cũng đầu tư 11.000 tỷ đồng để nuôi 125.000 con bò (80.000 con bò sữa và 45.000 con bò thịt) tại Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai. Đầu quý 1/2015, đàn bò thịt của Đức Long Gia Lai sẽ được đưa về chăn nuôi tại các trang trại trên.

Cùng với hai DN phố núi, hiện Công ty Thành Thành Công cũng đã triển khai dự án chăn nuôi bò Kobe với khoảng 100 con chuẩn bị "ra mắt" lứa đầu tiên trong quý I năm tới.

Các dự án chăn nuôi bò công nghiệp của các DN trong nước đều trong giai đoạn triển khai nhưng hoàn toàn có thể tin được. Bởi, hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai đang sở hữu đến 100.000 ha đất nông nghiệp tại Việt Nam, Lào, Campuchia với lượng thức ăn chăn nuôi khổng lồ, gồm đọt mía, mật mía, thân cây bắp và dầu cọ... Đức Long Gia Lai cũng có diện tích đất nông nghiệp khá lớn trồng cao su, bắp, mía...

"Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai là những tên tuổi mới trong ngành chăn nuôi nhưng đó cũng là những đơn vị có tiềm năng đầu tư về vốn, kỹ thuật và cả khát vọng cho chương trình tạo sản phẩm bằng chính lợi thế của mình, bằng khoa học được ứng dụng bởi những chuyên gia hàng đầu của ngành chăn nuôi", ông Mười đánh giá.

Hiện nay, tổng đàn bỏ cả nước khoảng 6 triệu con nhưng giống bò năng suất thấp, bò thịt chỉ nặng khoảng 250 kg/con, không đủ đáp ứng tiêu thụ trong nước. Hơn nữa, bò được nuôi nhỏ lẻ, tự phát trong các hộ dân.

Vì vậy, các dự án nuôi bò công nghiệp của những DN trên mặc dù chỉ mang đến cho thị trường thêm 160.000 con bò thịt nhưng mở ra cơ hội cho ngành chăn nuôi bò Việt Nam phát triển. Bởi đây sẽ là tiền đề khuyến khích nhiều hơn nữa sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước. Và khi đó, ngành chăn nuôi bò sẽ có cơ hội phát triển, cạnh tranh với bò nhập khẩu.

Theo Hồng Nga

Cùng chuyên mục
XEM