Hậu M&A: Sự ra đi cay đắng của những ông chủ cũ

11/11/2012 09:46 AM | Kinh doanh

Với những thương vụ thâu tóm và sáp nhập các ngân hàng diễn ra thời gian qua, không ít người trong cuộc đã phải cảm nhận “vị đắng”.

Ngày 2/11, khi ông Thành tuyên bố từ nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT và sau đó là rời hẳn khỏi hội đồng, thương vụ thâu tóm Sacombank có thể coi là chính thức khép lại.

Dù sự ra đi của ông Thành đã được dự báo trước nhưng vẫn để lại sự tiếc nuối ở Sacombank cũng như trong cộng đồng doanh nhân Sài Gòn.

Ông Đặng Văn Thành, 62 tuổi, khởi nghiệp kinh doanh với cở sở sản xuất cồn và đường những năm 1980. Năm 1991, ông Thành dấn thân sang lĩnh vực tài chính, giữ vị trí Chủ nhiệm HTX tín dụng Thành Công, tiền thân của Sacombank. Bằng tài năng của mình, ông đã dẫn dắt một tổ chức tín dụng vỏn vẹn 3 tỉ vốn điều lệ lên một trong những ngân hàng nhóm 1 với vốn điều lệ hơn 10.000 tỉ đồng. 

Vợ ông, bà Huỳnh Thị Bích Ngọc thay chồng quản lý cơ sở kinh doanh cồn - tiền thân của công ty Thành Thành Công mà sau này chiếm lĩnh tới 40% thị trường mía đường Việt Nam. 

Trong gia đình, 2 con của ông Thành cũng trở thành doanh nhân nổi tiếng. Ông Đặng Hồng Anh, con trai cả của ông Thành sinh năm 1980 nổi tiếng trong giới kinh doanh bất động sản cùng Công ty Sài Gòn Thương Tín Sacomreal. Cô con gái thứ hai của ông Thành, bà Ức My  trở thành Tổng giám đốc CTCP Thành Thành Công. Từ tháng 4/2012, bà là Chủ tịch HĐQT của Bourbon Tây Ninh, một trong những blue-chip trên sàn HOSE. 

Hai thập niên huy hoàng của gia đình họ Đặng cùng với thương hiệu Sacom, cơ nghiệp ông Thành gây dựng dần rơi vào tay kẻ khác. Từ tháng 7/2011, thị trường liên tục đưa ra những đồn đoán xung quanh việc Sacombank bị một nhóm nhà đầu tư nội thâu tóm. Eximbank lúc đó tuyên bố đang nắm giữ 51% cổ phần biểu quyết của Sacombank.

Liên tục là những tin đồn và những biến động lớn trong giao dịch giữa hai phe công – thủ, đến đại hội cổ đông ngày 26/5, sự việc dần ngã ngũ khi HĐQT của Sacombank lần lượt được thay thế bằng những nhân vật mới đến từ ngân hàng Phương Nam và Eximbank. Ông Phạm Hữu Phú, người thay thế ông Thành làm chủ tịch HĐQT cũng là phó chủ tịch của Eximbank. Từ tháng 7/2012, gia đình ông Thành tiến hành thoái vốn dần khỏi Sacombank.

Đánh mất vai trò trong công ty mình dày công tạo dựng, ông Thành sau đó bị mời lên cơ quan điều tra. Vụ thâu tóm khép lại với lại nhiều dấu hỏi trong những giao dịch mập mờ giữa Sacombank, Eximbank.

Những khoản tiền khổng lồ được bỏ ra để tiến hành thâu tóm, những thông tin chi tiết về vụ việc vẫn chưa có lời giải. Tuyên bố của Thống đốc NHNN khi trả lời chất vấn Quốc hội kỳ họp trước sẽ công khai kết quả thanh tra toàn diện một số ngân hàng thương mại có liên quan đến vụ thâu tóm Sacombank hồi cuối tháng 8/2012 cũng chìm vào dĩ vãng.

Một trường hợp khác trong ngành ngân hàng cũng phải nếm “vị đắng” sau khi tiến hành sáp nhập với đối tác. Đó là trường hợp của Habubank, ngân hàng cổ phần đầu tiên của Hà Nội. Từ quy mô ban đầu với 5 tỷ đồng vốn điều lệ và 7 tỷ đồng tổng tài sản, đến giữa 2011, Habubank có vốn 4.000 tỷ đồng và tổng tài sản gần 50.000 tỷ.

Tuy nhiên, trước khoản nợ xấu hơn 3.000 tỉ đồng do Vinashin để lại, Habubank đã buộc phải chọn giải pháp sáp nhập với SHB. Cùng với việc sáp nhập, cái tên Habubank hoàn toàn biến mất khỏi thị trường. Ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch SHB thì coi đây là một thương vụ “thắng lớn” của ngân hàng này. 

Mất thương hiệu, các thành viên trong ban điều hành cũ của Habubank đều bị giáng chức. Bà Bùi Thị Mai, nguyên Tổng giám đốc Habubank sau chưa đầy 3 tháng thử thách vị trí Phó tổng giám đốc ngân hàng SHB sau sáp nhập, đã bị giáng chức và thuyên chuyển sang bộ phận thu hồi nợ. Chính thức được bổ nhiệm Tổng giám đốc năm 2002 và Phó chủ tịch HĐQT Habubank năm 2008, tên tuổi bà Mai gắn với quá trình phát triển Habubank, 

Về phía SHB, các thành viên trong HĐQT vẫn giữ nguyên như cũ và không có bất kỳ sự bổ sung nào từ phía Habubank.

Theo chủ trương của NHNN, làn sóng M&A dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Được xem là lựa chọn tối ưu để nhiều ngân hàng Việt Nam tái cơ cấu, thoát khỏi tình trạng khó khăn và mở rộng kinh doanh, thế nhưng những vụ M&A cũng để lại không ít “vị đắng” của các ông chủ cũ khi đứng nhìn doanh nghiệp mình bị thâu tóm.

Quốc Dũng

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM