Chính phủ Pháp hỗ trợ 7 tỷ euro để Air France vượt qua khủng hoảng

25/04/2020 10:25 AM | Xã hội

Ngày 24-4, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, Chính phủ sẽ dành sự hỗ trợ "lịch sử" lên tới 7 tỷ euro để giúp hãng hàng không quốc gia Air France vượt qua một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy. Trong khi đó, Chính phủ Hà Lan thông báo kế hoạch tài trợ 2 đến 4 tỷ euro cho hãng hàng không KLM của nước này, trong tập đoàn Air France-KLM.

Phát biểu trên kênh truyền hình TF1, Bộ trưởng Bruno Le Maire nói rằng khoản hỗ trợ này được chia thành một khoản vay 4 tỷ euro được bảo đảm bởi 6 ngân hàng và một khoản 3 tỷ euro vay trực tiếp từ Nhà nước để Air France vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì việc làm cho nhân viên. Ông Bruno Le Maire cho biết: Sự hỗ trợ này có những điều kiện về lợi nhuận. Air France sẽ phải tìm kiếm các giải pháp để bảo đảm việc kinh doanh hiệu quả. Air France cần hướng tới mục tiêu trở thành hãng hàng không thân thiện với môi trường nhất trên thế giới.

Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp, Nhà nước chưa có kế hoạch quốc hữu hóa hoặc tăng vốn cho Air France. Đây là điều dễ hiểu vì hãng hàng không Pháp nằm trong Tập đoàn Air France-KLM và Chính phủ hai nước Hà Lan và Pháp đều nắm giữ 14% cổ phần.

Ông Bruno Le Maire cũng cho biết một khoản vay trị giá 5 tỷ euro đang đuợc xem xét để hỗ trợ hãng sản xuất ô-tô Renault. Chính phủ Pháp đã dự trù ngân sách tài trợ khoảng 20 tỷ euro cho một số tập đoàn mang tính "chiến lược" trong kế hoạch phục hồi kinh tế sau khủng hoảng dịch bệnh.

Ngay sau thông báo của phía Pháp, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Wopke Hoekstra cho biết Chính phủ Hà Lan có kế hoạch hỗ trợ hãng hàng không KLM khoảng 2 đến 4 tỷ euro. Hình thức hỗ trợ sẽ là các khoản vay và bảo lãnh. Chính phủ Hà Lan sẽ áp đặt các điều kiện đối với việc cấp gói hỗ trợ này, như không trả tiền thưởng, chia sẻ lợi nhuận hoặc cổ tức. Hãng KLM cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng của ngành hàng không do đại dịch Covid-19, với hơn 90% máy bay không hoạt động.

Air France cho biết, do dịch bệnh và lệnh phong toả, hãng duy trì chưa tới 5% công suất hoạt động. Mỗi tuần, Air France chỉ thực hiện vài chuyến bay đưa công dân Pháp về nước, đồng thời tham gia việc vận chuyển thuốc men và nhân viên y tế tới những điểm nóng về dịch bệnh.

Air France dự trù tăng tốc độ từ tháng 7 tới, bằng cách tăng số lượng chuyến bay từ dưới 5% lên đến 30%. Kế hoạch này sẽ được thực hiện theo từng bước, trước tiên là mở lại các chuyến bay trong khu vực Schengen sau khi nước Pháp dỡ bỏ lệnh phong tỏa biên giới với các quốc gia châu Âu láng giềng. Tiếp đến là các tuyến đường bay đến những nước châu Âu nằm ngoài khu vực EU.

Theo quy định tại châu Âu, một hãng hàng không hủy bỏ chuyến bay buộc phải hoàn trả lại toàn bộ tiền vé cho hành khách. Air France đang thực hiện phương án cung cấp cho hành khách một khoản ‘‘tín dụng’’ tương đương, thay vì hoàn trả bằng tiền mặt, có giá trị sử dụng từ một năm đến 18 tháng. Nhờ vậy, Air France còn giữ được tiền để ứng phó với những khó khăn cấp bách hiện nay.

Trong nhiều tuần tới, hoạt động của các hãng hàng không trong khu vực EU chưa thể hồi phục nhanh. Bệnh dịch còn diễn biến phức tạp. Tổng thống Pháp đã đề cập đến khả năng duy trì lệnh đóng cửa biên giới cho tới tận tháng 9.

Theo báo chí Pháp, Nhà nước Pháp có kế hoạch hỗ trợ các công ty lớn thuộc ngành giao thông như hàng không và đường sắt, rồi tới các tập đoàn năng lượng, viễn thông nhằm bảo đảm một phần khả năng chi trả trong trường hợp các công ty này không còn đủ nguồn thanh khoản hay tiền mặt.

* Theo thống kê của Bộ Y tế Pháp công bố tối ngày 24-4, có thêm 389 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 22.245 ca tử vong kể từ khi có dịch. Hiện còn 4.870 ca bệnh nặng, ít hơn 183 ca so với ngày 23-4 và số người nhập viện cũng tiếp tục giảm thêm 561 trường hợp.

Ngày 24-4, Viện Thống kê Pháp (Insee) cho biết, tỷ lệ tử vong ở Pháp từ ngày 1-3 đến 13-4 năm nay đã tăng 25% so với hai năm 2019 và 2018. Vùng Ile-de-France và Grand Est, hai nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19, có số tử vong cao hơn rất nhiều so với các vùng khác.

Theo Khải Hoàn

Cùng chuyên mục
XEM