Sau sự cố Boeing: Đi máy bay có an toàn?

18/01/2013 09:11 AM | Công nghệ

Ngừng bay toàn bộ mẫu 787 Dreamliner

Ngày 16/1, một chiếc Boeing 787 của hãng All Nippon Airways (Nhật) đã phải hạ cánh khẩn cấp khi phát hiện khói bốc lên. Trước đó một tuần, một chiếc 787 khác của Japan Airlines cũng phải hạ cánh khẩn cấp vì pin bốc cháy.

Sau đó, cả hai hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản và cũng là những khách hàng lớn nhất của Boeing đã ngừng bay để kiểm tra toàn bộ những chiếc 787. Đặc biệt bộ phận pin lithium-ion, lần đầu tiên được sử dụng trên máy bay Boeing, đã được điều tra kỹ lưỡng khi hai sự cố gần đây đều bắt nguồn từ pin.

Ngày hôm sau (171/), Cục Hàng không Mỹ (FAA) đã quyết định ngừng bay tất cả các chiếc 787 đăng ký tại Mỹ, khiến các hãng hàng không thuộc các quốc gia khác cũng đưa ra quyết định tương tự vì lý do an toàn. Tổng cộng có 8 hãng hàng không trên thế giới trong đó có Air India, Qatar Airways... đang sở hữu 50 chiếc 787 Dreamlines, máy bay cỡ lớn hiện đại nhất hiện nay.

Hiện tại Mỹ chỉ duy nhất hãng hàng không United Continental đã nhận được 787 nên quyết định này cảnh hưởng không nhiều tới dịch vụ hàng không. "Trước khi được bay trở lại, các hãng hàng không phải chứng minh được với FAA rằng bộ phận pin của Boeing 787 là an toàn", FAA cho biết trong thông báo ngày hôm nay.
Hãng hàng không United Continental sử dụng 787 trong các chuyến bay nội địa và chuyến bay đường dài từ Los Angeles đến Tokyo. Phát ngôn viên của hãng cho biết các chuyến bay 787 sẽ được thay thế bằng những chiếc máy bay khác.
Đây là một quyết định chưa từng có trong vòng 34 năm qua đối với một mẫu máy bay. Lần cuối cùng các nhà chức trách phải yêu cầu ngừng toàn bộ một mẫu máy bay là vào năm 1979. Khi đó, mẫu máy bay Douglas DC-10 đã bị ngừng bay để điều tra và sau đó đã phát hiện được một lỗi nghiêm trọng ở phần cánh máy bay, tương tự lỗi đã dẫn đến vụ tai nạn làm chết 271 người ở Chicago (Mỹ).

Trong cuộc họp báo ngày 16/1, Chủ tịch hãng hàng không ANA, Shinichiro Ito cho biết hãng sẽ tiến hành điều tra kỹ lưỡng sự cố này, vốn nhiều khả năng bắt nguồn từ pin lithium-ion. Các chuyến bay với Boeing 787 sẽ được phục hồi trở lại một khi việc điều tra hoàn tất.

Trước đó, ông Ito đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ giao thông Nhật Bản Akihiro Ota để xin lỗi về vụ việc sáng nay. Ông Ito cho biết, hiện ưu tiên lớn nhất của hãng là tìm ra nguyên nhân sự cố. Bộ Giao thông Nhật cho biết họ coi việc hạ cánh khẩn cấp sáng nay là một sự cố nghiêm trọng có thể dẫn đến tai nạn.

Đi máy bay có an toàn ?

Đối với những hành khách thông thường, câu hỏi họ quan tâm nhất lúc này là: Đây là một chiếc máy bay hiện đại bậc nhất của Boeing mà còn xảy ra những sự cố như vậy ? Liệu đi máy bay có thực sự an toàn hay không ? Thật tiếc, câu trả lời là không. Bạn có thể gặp tai nạn với bất cứ chiếc máy bay nào nhưng với một chiếc máy bay hiện đại, đắt tiền, được kiểm tra đánh giá kỹ lưỡng như 787 thì độ an toàn sẽ cao hơn.

Câu trả lời cụ thể hơn cho câu hỏi trên là: Đây là một tình huống rất rắc rối cho hãng Boeing và các nhà quản lý hàng không, những người đã chứng nhận rằng chiếc máy bay này là an toàn sau nhiều năm dày công nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm.

Thực ra, máy bay vẫn là phương tiện đi lại an toàn nhất, với rất nhiều lợi ích và nguy cơ tử vong vì tai nạn máy bay là rất rất thấp. Xét về mặt xác suất thống kê, nếu mỗi ngày bạn đi máy bay một lần thì phải 21.000 năm bạn mới gặp một vụ tai nạn máy bay (theo tính toán của Richard Kebabjian, điều hành trang web PlaneCrashInfo.com).

Trong một loạt các sự cố gần đây, Boeing vẫn giữ cách trả lời rất ngắn gọn và thận trọng trước các nhà báo, ít khi tiết lộ về quá trình điều tra. "Chúng tôi đã được thông báo và đang làm việc với khách hàng của mình" là cách trả lời tiêu chuẩn trước sự cố của 787.

Dù sao đi nữa, bất cứ thứ gì mới cũng khiến người ta đặt nhiều câu hỏi nghi vấn và chiếc 787 thì được ứng dụng một loạt những công nghệ hiện đại nhất như: sợi các bon tổng hợp làm chiếc máy bay nhẹ và tiết kiệm nhiên liệu hơn ; pin lithium-ion lần đầu tiên được sử dụng trên máy bay Boeing, có khả năng tích trữ điện gấp 5 lần và thời gian nạp nhanh hơn ; hệ thống thiết bị điện tiên tiến nhất.... Và sau rất nhiều tháng thử nghiệm cả trên trời và dưới mặt đất, với 7 lần trễ hẹn giao hàng trong 3 năm, cuối cùng khi xuất xưởng chiếc máy bay gặp những sự cố bất ngờ.

Trước vụ việc này, một số độc giả thậm chí đã đặt câu hỏi rằng liệu nguyên nhân có phải xuất phát từ việc Boeing đã thuê ngoài sản xuất quá nhiều các bộ phận của máy bay 787, nhắm cắt giảm chi phí. Mặc dù Boeing là một thương hiệu tiêu biểu của nước Mỹ, nhưng gần đây phần lớn các chi tiết của máy bay Boeing đã được sản xuất tại nhiều nước trên thế giới như Anh, Pháp, Nhật...

Theo Hoàng Yến
Vnmedia

duchai

Cùng chuyên mục
XEM