Đại diện ILO: 1/3 số hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam không phải là hộ kinh doanh cá thể, nhưng "lách" để được hưởng ưu đãi

01/04/2021 14:25 PM | Kinh doanh

"Tôi đã từng gặp một doanh nghiệp da giày, họ thuê 20 nhân công. Họ biết rằng phải thay đổi đăng ký kinh doanh, nhưng họ vẫn chưa thực hiện", ông Stephan Ulrich, Giám đốc chương trình Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chia sẻ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Góp mặt tại hội nghị bàn tròn 3 "Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa với hiệp định EVFTA", ông Stephan Ulrich, Giám đốc chương trình Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã dành toàn bộ thời gian thuyết trình để nói về việc tuân thủ pháp luật trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) Việt Nam. Việc tuân thủ này sẽ tăng cường tính công bằng trong xã hội và đẩy mạnh vấn đề việc làm bền vững, theo ông Ulrich.

"Theo các kết quả thanh tra, chúng tôi cũng biết có một số doanh nghiệp tìm cách lách luật. Tức, họ đăng ký là các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, nhưng có lẽ đến 1/3 trong số các hộ kinh doanh cá thể hiện nay ở Việt Nam không phải hộ kinh doanh cá thể, mà họ phải là một doanh nghiệp bình thường nhưng lách luật để được hưởng ưu đãi hoặc để tránh một số nghĩa vụ mà một doanh nghiệp bình thường phải chịu", ông Ulrich nói.

Theo quy định, hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động.

"Tôi đã từng gặp một doanh nghiệp da giày, họ thuê 20 nhân công. Họ biết rằng phải thay đổi đăng ký kinh doanh, nhưng họ vẫn chưa thực hiện. Có nhiều công ty dưới "mác" hộ kinh doanh cá thể như vậy", ông Ulrich chia sẻ.

Đại diện ILO: 1/3 số hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam không phải là hộ kinh doanh cá thể, nhưng lách để được hưởng ưu đãi - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo.

Đại diện ILO ủng hộ việc củng cố hệ thống thanh tra lao động. Ông cho rằng như vậy càng phát hiện thêm nhiều trường hợp vi phạm. Những trường hợp vi phạm như vậy rõ ràng là không công bằng cho doanh nghiệp khác, trong khi các doanh nghiệp tương đồng vẫn đang phải hoàn thành tất cả nghĩa vụ do pháp luật quy định.

"Hiện nay, ở ILO, chúng tôi cũng đang hỗ trợ một số hoạt động liên quan đến tăng cường thanh tra lao động tại Việt Nam. Chúng tôi biết Việt Nam tổng thể có khoảng 500 thanh tra lao động. Theo ý kiến của chúng tôi, nếu có thể tăng con số này lên 800 hay 900 thanh tra thì sẽ tuyệt vời, để tăng cường hơn nữa sự tuân thủ pháp luật trong doanh nghiệp", ông Ulrich nói.

Đại diện ILO cũng đề xuất một số biện pháp kiểm soát khác để đạt mục tiêu tuân thủ pháp luật lao động tại các SMEs.

Một là, mở rộng an sinh xã hội, sàn bảo trợ xã hội cho tất cả người lao động, nhưng phải làm sao không tạo gánh nặng cho các SMEs.

"Hiện những người lao động làm việc cho một công ty thì cty sẽ trích một phần tiền lương của họ, và đóng góp một phần để nộp bảo hiểm cho người lao động. Đây là khoản rất quan trọng, nhưng đôi khi việc phải trích phí để trả bảo hiểm cho người lao động cũng tạo khó khăn cho một số DN. Và đấy là lý do vì sao họ muốn lách luật, không muốn đăng ký là một doanh nghiệp mà chỉ là hộ kinh doanh cá thể để tránh được khoản đấy".

"Liệu Chính phủ có thể suy nghĩ xem có cơ chế nào hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ví dụ như đánh thuế môi trường cao hơn, với những doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm gây hại đến môi trường thì bị đánh thuế cao hơn, bên cạnh đó giảm bớt phần đóng góp của các doanh nghiệp khác cho hoạt động chi trả bảo hiểm xã hội", đại diện ILO khuyến nghị.

Ngoài ra, ông Ulrich cũng đề cập đến cơ chế nộp BHXH tự nguyện, khi hầu hết lao động tự do không đủ điều kiện tự bỏ tiền ra mua BHXH.

Một khi họ đã làm việc trong khu vực phi chính thức, một khi không được doanh nghiệp trả BHXH thì bản thân họ là người thu nhập rất thấp, không có đủ kinh tế để tự mua BHXH

"Một khi họ đã làm việc trong khu vực phi chính thức, một khi không được doanh nghiệp trả BHXH thì bản thân họ là người thu nhập rất thấp, không có đủ kinh tế để tự mua BHXH. Cho nên, cần suy nghĩ làm thế nào giảm mức đóng góp BHXH hay bằng cách nào đó để các lao động tại khu phi chính thức cũng có thể tham gia BHXH tự nguyện", ông Ulrich nói.

Một giải pháp nữa ông Ulrich đề cập là việc các thương hiệu xây dựng phương pháp tuân thủ cho doanh nghiệp SMEs và rà soát quy trình mua sắm. Ví dụ các doanh nghiệp lớn, các khách hàng lớn có thể yêu các SMEs trong chuỗi cung ứng phải tuân thủ theo những điều kiện nhất định. Và có thể, nếu các nhãn hàng lớn phát hiện có bất cứ SMEs nào không đáp ứng theo yêu cầu hay có sự gian dối, hãy "đá" họ ra khỏi chuỗi cung ứng của mình và tìm các doanh nghiệp có sự tuân thủ tốt hơn.

"Bằng cách đó, các nhãn hàng lớn sẽ khuyến khích các SMEs cố gắng tuân thủ để giữ được mối quan hệ tốt với các khách hàng lớn này", ông Ulrich nói.

Số liệu từ ILO cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 50.000 doanh nghiệp có số lượng lao động trên 10 người, 700.000 doanh nghiệp có số người lao động ít hơn 10, và 5 triệu hộ sản xuất kinh doanh.

5 triệu hộ sản xuất kinh doanh này thuộc khu vực hộ gia đình và khu vực kinh doanh phi chính thức, với khoảng 8 triệu lao động, đóng góp gần 2,4 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh những thách thức như máy móc thô sơ, vấn đề sức khoẻ và an toàn cũng là một khó khăn khác mà các lao động tại đây đang gặp phải.

Đáng chú ý, khi nhìn vào khu vực công và các doanh nghiệp FDI, số lượng lao động phi chính thức chỉ chiếm dưới 10%. Trong khi đó con số này lại khu vực doanh nghiệp trong nước là gần 30%, và khu vực phi chính thức là khoảng 99%.

Con số này đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động như nhiều lao động không có hợp đồng chính thức, các vấn đề về an sinh xã hội, an toàn lao động, giới hạn làm thêm giờ, cơ chế khiếu nại...

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM