Dẫn lời Darwin và số liệu tăng trưởng quý I cao nhất ASEAN, Thủ tướng khẳng định: Không phải loài mạnh nhất hay thông minh nhất mà loài có khả năng thích nghi tốt nhất sẽ sống sót!

09/05/2020 09:49 AM | Kinh doanh

Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để tìm ra các biện pháp vượt qua thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19.

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm 2020 là năm được xem có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước thì tháng 5 có thể xem là một trong những tháng đẹp nhất và có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam.

"Chúng ta đang ở trong thời khắc mang tính bước ngoặt mới của lịch sử không chỉ với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế  giới do đại dịch mang tên Covid-19 gây ra. Hiếm có một biến cố y tế nào có tác động đến hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ như đại dịch Covid-19, những tác động đã vượt xa đại dịch SARS (2002), đại dịch cúm H1N1( 2009) và có thể so sánh với các đại dịch trong lịch sử nhân loại như Đại dịch hạch, Cái chết đen bệnh đậu mùa, đại dịch tả, cúm Tây Ban Nha, đại dịch sởi,…", Thủ tướng cho biết.

Theo đó đại dịch Covid-19 không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ hay mạng sống của 1 nhóm người hay một cộng đồng mà nay nó đã ảnh hưởng tới hàng tỷ người trên hành tinh này. Đến thời điểm hiện nay đã có gần 4 triệu người nhiễm bệnh ở hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, gần 300.000 người đã chết, tỷ lệ tử vong hiện tại là 7,5%. Con số chưa dừng lại ở đó khi mỗi ngày có khoảng trên dưới 80.000 ca nhiễm mới tức bình quân 1 giây có 1 ca nhiễm mới. Gần nửa dân số thế giới bị ảnh hưởng do các lệnh đóng cửa và giãn cách xã hội.

Trên phương diện kinh tế, khủng hoảng kinh tế đã tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế từ suy cung đến suy cầu, từ thị trường tài chính đến nền kinh tế thực, từ sản xuất đến tiêu dùng, từ công nghiệp đến dịch vụ, từ hàng không đến du lịch, từ nội thương đến ngoại thương, từ các ngành thâm dụng lao động đến thâm dụng công nghệ, từ dầu mỏ đến ô tô, từ các nước đang phát triển đến quy mô phát triển bất kể quy mô kinh tế nhỏ  hay lớn đều không tránh khỏi tác động.

"Tuy nhiên như bao biến cố lớn của lịch sử, loài người rồi sẽ chiến thắng mặc dù có thể có nhiều tổn thất và mất mát thậm chí có những người đã không thể vượt qua. Vậy đâu là loài sống sót? Cha đẻ của thuyết tiến hoá Darwin đã từng nói: "Không phải loài mạnh nhất hay thông minh nhất mà loài có khả năng thích nghi tốt nhất sẽ sống sót"', Thủ tướng dẫn chứng từ thuyết tiến hoá để nói về khả năng thích nghi của loài người.

Thủ tướng cũng khẳng định: "Cho đến giờ này có thể nói, những doanh nghiệp, những hợp tác xã những hộ cá thể, những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể tham dự sự kiện hôm nay là những doanh nghiệp có năng lực thích nghi tốt nhất. Trong khi chúng ta vui vì điều này thì chúng ta cũng rất tiếc khi có những doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thế phá sản, thời gian qua."

Dẫn chứng từ thông tin từ buổi làm việc Thành phố Hồ Chí Minh ngày hôm qua, Thủ tướng cho biết Tp.HCM có đến 270.000 doanh nghiệp chỉ có 3% số doanh nghiệp đã rời thị trường. Còn lại 97% đang chờ cầu để hoạt động trở lại.

Thủ tướng cũng chia sẻ thêm thông tin mới cho thấy Tp.HCM quý I tăng trưởng so với cùng kỳ 1,03% chứ không phải chỉ 0,42%  như đã công bố trước đây. Đây là số liệu chính thức của Tổng cục thống kê. Hà Nội đã tăng trưởng trên 3,5%, Hải Phòng quý I tăng trưởng đến 14,9%,…

Về tình hình kinh tế thế giới, nhiều nước trên thế giới vừa qua đã rơi vào suy thoái và có thể còn kéo dài sang nhiều quý tiếp theo. Theo tổ chức Oxfam, cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra có sức ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008. Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới của quỹ tiền tệ thế giới IMF mới đây đã dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng -3% trong năm nay. Đánh dấu một cuộc suy thoái sâu nhất kể từ cuộc đại suy thoái của những năm 1930.

Còn nhớ năm 2009 tác động của khủng hoảng kinh tế tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ giảm 1,68% trong đó các nền kinh tế phát triển của thế giới hiện nay theo đánh giá của IMF giảm 6,1%, riêng Mỹ tăng trưởng -5,9%, khu vực đồng Euro -7,5%. Trong khi các nền kinh tế đang phát triển, mới nổi vốn là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới trong hàng thập kỷ qua cũng tăng trưởng -1%.

Với Trung Quốc theo số liệu công bố của Cục thống kê Trung Quốc kinh tế nước này đã giảm lần đầu tiên trong gần 3 thập kỷ trong quý I 2020 , -6,8% so với cùng kỳ. IMF dự báo Trung Quốc chỉ tăng trưởng 1,2% trong năm nay.

Tương tự các nền kinh tế ASEAN được dự báo tăng trưởng -0,6% trong năm nay. Riêng với Việt Nam cuối tháng 3 ngân hàng thế giới dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay. Con số của Fitch đưa ra là 2,8%. Quý I vừa qua Việt Nam đạt tăng trưởng 3,82% mặc dù là mức thấp nhất của quý I trong hơn 10 năm gần đây. Tuy nhiên đây vẫn là mức tăng trưởng khá so với bối cảnh chung của thế giới. 

"Và theo đánh giá chúng ta là nước tăng trưởng cao nhất trong các nước ASEAN trong quý I", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhận định của World Bank cho thấy Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng khá tốt dù thấp hơn cùng kỳ năm trước nhưng vẫn ở mức cao nhất ASEAN và châu Á. IMF dự báo Việt Nam năm nay sẽ đạt mức 2,7% cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Trong số các nước ASEAN 5 Việt Nam là quốc gia có triển vọng tăng trưởng tốt nhất. Ngoài Việt Nam , Phillipines và Indonesia cũng được dự báo tăng trưởng dương trong năm nay lần lượt là 0,6% và 0,5%. Trong khi đó Thái Lan và Malaysia nguy cơ tăng trưởng -6,7% và -1,7%.

"Trước phân tích đó Việt Nam đã theo đuổi chiến lược mục tiêu kép. Một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu đi kèm với các cải cách thể chế, cơ cấu để ngọn lửa tăng trưởng vẫn phải cháy và sớm bùng lên trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt", Thủ tướng Chính phủ chia sẻ về chiến lược khả quan mà kinh tế Việt Nam hiện đang thích nghi trước tác động của dịch Covid-19.


Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM