Dân toàn uống thuốc bã làm sao khỏi bệnh?

26/03/2016 10:26 AM | Xã hội

Quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc là điều các đại biểu Quốc hội trăn trở nhiều nhất trong buổi thảo luận tại hội trường sáng 25.3 về dự thảo Luật Dược sửa đổi.

Quy trình đúng, chỉ có Nhà nước mất tiền

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng để xử lý tình trạng một số mặt hàng cao, độc quyền nâng giá, tiêu cực trong kê đơn, nhiều lớp trung gian, cần bổ sung quy định hạn chế tầng lớp trung gian, qua đó sẽ sắp xếp lại mạng lưới phân phối quá thừa, hiện là gần 2.000 Cty phân phối.

Về chuyên môn phải đồng bộ xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, chống lạm dụng thuốc, tăng vai trò của hội đồng thuốc và điều trị mới trị tận gốc được tiêu cực trong kê đơn.

Lấy dẫn chứng một hộp thuốc viêm gan C nhập chỉ 200USD nhưng người bệnh phải mua với giá 14 triệu đồng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề nghị bỏ quy định hạn chế cấp phép nhập khẩu thuốc.

Việc hạn chế này dẫn đến độc quyền nhập khẩu thuốc, khan hiếm thuốc, qua nhiều tầng trung gian nâng giá lên.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị cùng với nghiêm cấm lạm dụng vị trí độc quyền thống lĩnh thị trường kinh doanh thuốc để bán phá giá thuốc, tăng giá thuốc, cần có chế tài mạnh hơn để quản lý chặt chẽ giá thuốc và tình trạng sử dụng thuốc dễ dãi tùy tiện như hiện nay.

Đại biểu đề nghị trong nghị định hướng dẫn cần quy định chi tiết, quản lý giá thuốc và chất lượng là ưu tiên hàng đầu, và phải có cả quy định về cơ quan kiểm nghiệm chất lượng thuốc.

Chỉ ra những bất hợp lý trong đấu thầu thuốc dẫn tới chênh lệch giá thuốc, đại biểu Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - nói: “Thực tế có tình trạng giữa 2 địa phương gần nhau, đấu thầu cùng một loại thuốc, cùng chất lượng có chênh lệch giá.

Lý đúng nhưng tình rất gian. Mọi sự đúng quy trình chỉ có Nhà nước mất tiền”. Hiện không có quy định đấu thầu xong kết quả khác nhau xử lý thế nào. Đại biểu đề nghị trong Luật Dược sửa đổi phải quy định khi giá thuốc tối đa được công bố bởi Bộ Y tế, nếu đấu thầu thuốc giá chênh lệch bất hợp lý thì báo cáo Chính phủ xử lý điều chỉnh cho phù hợp.

Không để Việt Nam thành phòng thí nghiệm

Liên quan đến chất lượng thuốc, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng hiện tượng dược liệu nhập khẩu kém chất lượng rất phổ biến, việc kiểm tra của Bộ Y tế và hải quan bị hạn chế do thiếu năng lực, cơ sở vật chất. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định cấm nhập dược liệu đã qua chế xuất.

Nếu Việt Nam không có nguồn thay thế thì Chính phủ cho nhập hạn chế và phải kiểm tra nhiều bước, nhập dược liệu phải rõ nguồn gốc, uy tín đơn vị nhập.

Với đơn vị sản xuất trong nước, phải đảm bảo tỉ lệ thuốc sản xuất từ dược liệu nhập khẩu trên số dược liệu nhập khẩu hợp lý, nếu số thuốc sản xuất cao bất thường cho thấy tỉ lệ thuốc tăng thêm không được sản xuất từ dược liệu có chất lượng.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên cho biết hiện nay dược liệu Việt Nam đa số nhập nước ngoài, trong khi trình độ trong nước đa số không kiểm soát được chất lượng, kể cả có ban hành tiêu chuẩn rồi trang bị kỹ thuật và kiểm soát là rất khó khăn.

“Dược liệu nhập của ta chủ yếu là dược liệu đã bị chiết xuất hóa chất hoạt chất thành các dược liệu cơ bản sau xuất sang VN với giá rất rẻ, chỉ bằng ¼ - 1/3 dược liệu trong nước” - đại biểu này cho biết.

“Nếu cứ tuân theo luật đấu thầu thì chịu thua à? Sử dụng dược liệu này ngành y học cổ truyền của ta bị triệt tiêu, dân toàn uống thuốc bã thì làm sao khỏi bệnh”. Đại biểu đề nghị chỉ định thầu với dược liệu trong nước sử dụng cho thuốc.

“Các vùng trồng dược liệu nông dân rất sẵn sàng, nhưng vì dược liệu đấu thầu giá rẻ nên trồng xong không ai mua. Nếu quy định dược liệu sử dụng trong y học cổ truyền mà chỉ định thầu thì doanh nghiệp bung ra liên kết với các vùng trồng dược liệu miền núi, lợi cho cả hai bên, cả bệnh nhân, cả cho nông dân, cho đất nước. Nếu dự thảo chỉ quy định mức giá hợp lý thì gây khó khăn, đấu thầu chắc chắn theo nguyên lý anh nào rẻ anh đó được”.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng cần quy định chi tiết các hiệu thuốc phải bán theo đơn bác sĩ. Đã có quy định rồi nhưng thực trạng họ không làm vậy, thậm chí bán thuốc hàm lượng rất cao, cạnh tranh không lành mạnh. Ở VN mua thuốc dễ hơn rau. Đề nghị thanh tra kiểm tra, thậm chí phải đóng cửa các hiệu thuốc vi phạm.

Đại biểu cũng băn khoăn việc dự thảo mở ra cho phép một số siêu thị bán thuốc thông thường, điều này dễ bị lợi dụng, bán tràn lan khó quản lý. Vì vậy chỉ nên cho phép siêu thị bán thực phẩm chức năng.

Đại biểu cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ kiểm tra chất lượng thuốc nhập nước ngoài không đủ tiêu chuẩn, không để Việt Nam, người Việt Nam bị các tổ chức quốc tế vào đây thí nghiệm.

Theo Mỹ Hằng

Cùng chuyên mục
XEM