"Đất chật người đông" nhưng đây là 2000 mét vuông đất vô chủ: Nhiều người đã tới cắm cờ

26/03/2022 09:43 AM | Sống

Đã có người tới mảnh đất này cắm cờ, xưng làm người đứng đầu, phong con gái làm công chúa.

Một vùng đất nằm giữa biên giới Ai Cập và Sudan nhưng lại không một quốc gia nào có ý định tranh giành hay sở hữu. Cho đến nay, vùng đất này vẫn còn là một vùng đất “vô chủ”.

Mảnh đất hình thang rộng khoảng 2.000m2 có tên Bir Tawil nằm ở một trong những khu vực hoang vắng nhất của Bắc Phi. Vùng đất này chủ yếu là cát và đá, không có đường giao thông, cư dân hoặc bất kỳ tài nguyên nào. Thoạt nhìn, lý do mảnh đất trở nên “vô chủ” được cho là vì mảnh đất này không có khả năng đóng góp gì cho nền kinh tế hai nước ngoài việc sẽ tiêu tốn một khoản tiền kha khá cho việc khai thác sử dụng, song lý do đó chỉ là một phần rất nhỏ.

Đất chật người đông nhưng đây là 2000 mét vuông đất vô chủ: Nhiều người đã tới cắm cờ - Ảnh 1.

Vị trí của Bir Tawil trên bản đồ. Ảnh: Amusing planet.

Liền kề với Bir Tawil là một mảnh đất hình tam giá được gọi là Hala’ib có diện tích lớn hơn rất nhiều lần. Mặc dù Hala’ib cũng chỉ toàn đất và đá, nhưng do vị trí giáp biển khiến nó trở nên có giá trị và ai cũng muốn sở hữu. Cả Ai Cập và Sudan đều muốn có Hala’ib. Tuy nhiên, do cấu tạo biên giới giữa hai quốc gia này khiến cho hai đất nước này chỉ có thể chọn một trong hai: hoặc Bir Tawil, hoặc Hala’ib. Điều này có nghĩa nếu một nước tuyên bố sở hữu Bir Tawil sẽ phải từ bỏ vùng đất “màu mỡ” Hala’ib.

Sự việc bắt đầu từ năm 1899, khi Vương quốc Anh ký thỏa thuận với Ai Cập để cùng quản lý Sudan nhằm tạo ra một khu vực mới có tên Anh-Ai Cập Sudan. Trên thực tế, người Anh có toàn quyền kiểm soát Sudan vì Ai Cập lúc đó đang chịu sự bảo hộ của Anh. Các quốc gia đã thống nhất rằng biên giới giữa Ai Cập và Sudan chạy dọc theo vĩ tuyến 22. Nhưng 3 năm sau (tức năm 1902), người Anh cho rằng đường biên này không chính xác bởi trên thực tế các bộ lạc bản địa không “tuân thủ” đường biên giới vĩ tuyến 22 này. Do vậy, Anh đã vẽ ra một đường biên giới mới.

Sau này, khi Ai Cập và Sudan giành độc lập, Ai Cập lấy mốc đường biên giới giống như năm 1899, còn Sudan lại lựa chọn sử dụng đường biên giới năm 1902. Tức là trên bản đồ Ai Cập, Bir Tawil thuộc về Sudan, còn trên bản đồ Sudan thì vùng đất này lại thuộc về Ai Cập. Cả Ai Cập và Sudan đều không muốn khẳng định bất kỳ chủ quyền nào đối với Bir Tawil bởi điều đó tương đương với việc chối bỏ vùng tam giác Hala’ib. Điều này đã dẫn đến tình trạng “vô chủ” của mảnh đất hiện nay.

Đã từng có người khẳng định chủ quyền

Đất chật người đông nhưng đây là 2000 mét vuông đất vô chủ: Nhiều người đã tới cắm cờ - Ảnh 2.

Một số du khách đã tới đây và cắm cờ tự chế để khẳng định quyền sở hữu của mình. Nguồn: Amusing planet.

Một số người đã cố gắng “chiếm” Bir Tawil làm của riêng. Dmitry Zhikharev cùng với một người bạn tên Mukhail Ronkainen, đã từng cắm cờ khẳng định chủ quyền tại vùng đất nói trên vào năm 2014.

Đất chật người đông nhưng đây là 2000 mét vuông đất vô chủ: Nhiều người đã tới cắm cờ - Ảnh 3.

Anh Jeremiah Heaton, quốc tịch Mỹ, đã từng đến đây và cắm một lá cờ do anh tự thiết kế để khẳng định “chủ quyền” của mình. Nguồn: Amusing planet.

Vào tháng 6 năm 2014, một người nông dân 38 tuổi đến từ bang Virginia tên là Jeremiah Healton đã thực hiện một chuyến thám hiểm vùng đất này kéo dài 14 tiếng đồng hồ leo qua những ngọn núi hiểm trở để cắm một lá cờ do anh tự thiết kế để đánh dấu chủ quyền của mình.

Emily, con gái của Helton đã từng nói với bố mình mong muốn trở thành một cô công chúa. Sau khi phát hiện ra sự tồn tại của Bir Tawil trên internet, ông bố này đã thực hiện hành động nói trên như một món quà dành cho “công chúa” bé nhỏ của mình. Helton đã từng viết trên Facebook cá nhân rằng: “Bir Tawil từ nay sẽ được biết đến với tên Vương quốc Bắc Sudan, vương quốc được thành lập dưới chế độ quân chủ có chủ quyền với tôi là nguyên thủ quốc gia và Emily - con gái tôi - là công chúa”.

Đất chật người đông nhưng đây là 2000 mét vuông đất vô chủ: Nhiều người đã tới cắm cờ - Ảnh 4.

Rất nhiều người đã từng “khẳng định chủ quyền” tại Bir Tawil. Nguồn: Amusing planet.

Rất nhiều người cũng đã từng làm điều tương tự. Một doanh nhân Ấn Độ, Suyash Dixit cũng đã cắm cờ do mình thiết kế trên mảnh đất này vào năm 2017.

Mặc dù đã từng được nhiều người đến từ nhiều quốc gia khác nhau "khẳng định chủ quyền", song theo giáo sư Anthony Arend - giáo sư chuyên ngành Luật Quốc tế tại đại học Georgetown - nói với tờ Washington Post: "Chỉ có các quốc gia mới có thể khẳng định chủ quyền với vùng đất này".

Như đã đề cập, vùng đất mà các quốc gia thực sự muốn lại là Hala'ib, nơi giáp với Biển Đỏ giàu tài nguyên chứ, không phải mảnh đất khô cằn Bir Tawil này. Đó là lý do cho đến nay vẫn chưa có một quốc gia nào khác ngoài Ai Cập và Sudan "nhòm ngó" đến đây.

Theo Quốc Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM