Đau lưng lâu ngày, đừng nghĩ cơ thể lão hóa, có thể bộ phận tựa “sinh lực phái mạnh” đang yếu đi mỗi ngày

13/03/2022 21:31 PM | Sống

Nhiều người thường xuyên cảm thấy đau lưng kéo dài dù không làm gì. Đừng chủ quan cho rằng đây là bệnh lý thông thường, vài hôm sẽ hết. Đau lưng cũng có thể là dấu hiệu thận suy giảm sinh lực, yếu đi mỗi ngày.

Khi thận không đào thải hết được dư chất trong máu, một lượng canxi, oxalate và phosphor dư thừa có thể tích tụ trong thận. Chúng là nhân tố hàng đầu để hình thành sỏi thận, có thể gây đau.

Do vị trí của thận nằm cạnh cột sống thắt lưng, ở phía dưới của xương sườn, nên đôi khi, cơn đau do thận gây ra dễ bị nhầm lẫn như đau lưng. Tùy vào việc một hoặc hai quả thận bị ảnh hưởng mà người bệnh sẽ cảm thấy đau ở một bên hoặc cả hai bên lưng.

 Đau lưng lâu ngày, đừng nghĩ cơ thể lão hóa, có thể bộ phận tựa “sinh lực phái mạnh” đang yếu đi mỗi ngày  - Ảnh 1.

Làm thế nào để phân biệt đau lưng thông thường và đau lưng do bệnh thận?

Đau lưng thông thường

Đau lưng thường là vấn đề xuất hiện do các cơ, xương hoặc dây thần kinh ở lưng. Đau lưng có thể xảy ra bất cứ nơi nào ở lưng tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

Vị trí, mức độ nghiêm trọng và các triệu chứng kèm theo cũng thay đổi tùy vào đó. Tuy nhiên, đa phần các cơn đau thường diễn ra ở lưng dưới với cảm giác âm ỉ hoặc đau nhức. Khi chuyển động cơ thể, mọi người thường thấy đau hơn, cường độ có thể từ nhẹ đến nặng.

- Nếu là đau do xương (gãy xương đốt sống hoặc cột sống có hình dạng bất thường) thì cơn đau ập đến bất ngờ, đau ở mức trung bình đến nặng, thường xấu đi khi vận động.

- Những người bị đau lưng do dây thần kinh lại cảm giác nóng rát ở nhiều khu vực khác nhau. Thông thường, các bệnh nhân đau thần kinh tọa sẽ cảm thấy đau rát từ vùng thắt lưng lan ra hông.

Tình trạng này sẽ rõ ràng hơn nếu đi kèm với các triệu chứng như là: đau hoặc tê cứng dọc theo cột sống, đau nhói vùng cổ, cảm thấy khó đứng thẳng do đau hoặc co thắt cơ bắp, đi lại khó khăn, đôi khi tê hoặc ngứa ran ở lưng lan ra tứ chi…

Đau lưng do bệnh thận

Những cơn đau do bệnh thận thường để lại cảm giác đau ở phần trên của lưng, thường nằm ở giữa lưng hoặc hai bên lưng. Đau từ các cơ hoặc cột sống xuất hiện khi cúi xuống hoặc nâng một vật.

Tình trạng này sẽ rõ ràng hơn nếu đi kèm với các dấu hiệu tổn thương thận nghiêm trọng như là: tiểu đau, đi tiểu liên tục, nước tiểu có màu lạ, thay đổi vị giác, chán ăn, chóng mặt, nhức đầu, sốt, táo bón, tiêu chảy, hôi miệng, miệng có vị kim loại, thở ngắn, sưng phù chân, mắt cá chân hoặc bàn chân, hay bị chuột rút…

Nguyên nhân dẫn tới các cơn đau này có thể là do:

- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng ở thận được gọi là viêm bể thận cấp tính.

- Sỏi thận: Sỏi có thể gây ra một cơn đau rất nghiêm trọng xảy ra kèm co thắt, và đau lan xuống háng, còn được gọi là cơn đau quặn thận.

Vậy phải làm gì để cải thiện sức khỏe của thận tốt hơn, đảm bảo chất lượng sinh hoạt cá nhân? Cần lưu ý 5 thói quen sau đây.

5 thói quen tốt giúp thận khỏe mạnh

1. Uống đủ nước

Nước có vai trò quan trọng đối với cơ thể. Những người bị bệnh thận không nên uống quá nhiều hay quá ít nước để tránh tạo áp lực cho thận hoặc khiến thận thiếu nước để co bóp đẩy cặn bã và độc tố ra ngoài. Cả hai trường hợp đều tăng nguy cơ thận bị nhiễm độc.

 Đau lưng lâu ngày, đừng nghĩ cơ thể lão hóa, có thể bộ phận tựa “sinh lực phái mạnh” đang yếu đi mỗi ngày  - Ảnh 2.

Uống lượng nước vừa đủ để thận làm việc hiệu quả. Ảnh: Internet

Lượng nước mà cơ thể cần mỗi ngày là khoảng 2-2,5 lít nước, tùy theo sức khỏe tổng thể, giới tính, trọng lượng cơ thể và cường độ hoạt động. Trong điều kiện tiết mồ hôi nhiều thì cần bổ sung nước nhiều hơn.

Bên cạnh nước lọc, có thể sử dụng một số loại nước trái cây tươi như nước dưa hấu, táo, dâu tây… thường có nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho thận. Ngược lại, các loại nước ngọt có ga có chứa lượng đường và phosphor thúc đẩy bài tiết canxi ra ngoài, gia tăng áp lực cho thận, dễ sinh sỏi thận.

2. Thường xuyên vận động vừa sức

Việc luyện tập thể thao điều độ giúp ích cho khí huyết lưu thông, đảm bảo sức khỏe tim mạch, ổn định huyết áp, làm giảm mỡ máu (cholesterol và triglycerides). Đây là những yếu tố quan trọng để thận hoạt động tốt hơn.

Tuy nhiên, những người có vấn đề về thận cần lưu ý khi lựa chọn loại bài tập, thời gian tập luyện, cường độ và thời gian tập luyện cho vừa sức. Nên tham khảo các bài tập nhẹ nhàng như: đi bộ, bơi lội, đạp xe, tập yoga, earobic… Thời gian tập nên tăng từ từ, tùy vào tình trạng sức khỏe của mình, không nên quá sức.

3. Kiểm soát đường huyết

Những người có nguy cơ có lượng đường huyết cao, mắc bệnh tiểu đường thường dễ làm tổn thương thận. Một khi các tế bào của cơ thể không thể sử dụng hết đường trong máu, thận buộc phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Tình trạng này xảy ra trong thời gian dài làm suy giảm sức khỏe thận nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

 Đau lưng lâu ngày, đừng nghĩ cơ thể lão hóa, có thể bộ phận tựa “sinh lực phái mạnh” đang yếu đi mỗi ngày  - Ảnh 3.

Bảo vệ sức khỏe của bệnh thân bằng cách kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể. Ảnh: Internet

4. Theo dõi huyết áp

Huyết áp cao sẽ gây hẹp lòng mạch máu và làm dày các thành mạch. Điều này cản trở quá trình lọc máu của thận, khiến các chất thải của cơ thể sẽ bị ứ đọng lại trong máu và theo thời gian sẽ gây hại cho thận.

5. Hạn chế sử dụng rượu bia, và ngưng hút thuốc lá

Bia rượu sẽ khiến nồng độ cồn trong máu tăng cao, thận làm việc hết công suất mà khó có thể đào thải hết độc tố ra ngoài. Trong khi đó, hút thuốc lá là nguyên nhân gây xơ vữa các mạch máu, máu lưu thông đến thận chậm hơn. Những vấn đề trên có thể dẫn đến viêm thận cấp tính hoặc mạn tính.

*Theo Sohu, 163

Theo Phương Thúy

Cùng chuyên mục
XEM