ĐBQH lo ngại nhân viên bán bảo hiểm cố tình khai sai thông tin, khiến khách hàng bị từ chối chi trả bồi thường

29/10/2021 21:18 PM | Kinh doanh

Phát biểu trong phiên thảo luận trực tuyến sáng 29/10 về luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi, nhiều ĐBQH đã bày tỏ lo ngại về những một số những khả năng có thể xảy ra trong thực tế mà luật có thể chưa quy định hết.

Bảo vệ quyền lợi cho người mua bảo hiểm

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết tại điểm b, điểm c khoản 4 Điều 10 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như là giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.

"Trên thực tế, hành vi gian lận đôi khi không chỉ xảy ra như dự thảo đã nêu mà còn có thể xảy ra việc nhân viên bán bảo hiểm lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng mà cố ý viết, điền, khai hộ và khai sai lệch thông tin của khách hàng trên văn bản giao kết với doanh nghiệp bảo hiểm. Việc này có thể dẫn đến việc khách hàng yêu cầu bồi thường thì doanh nghiệp căn cứ vào thông tin đã ký kết, sẽ dẫn đến việc từ chối chi trả bồi thường theo cam kết, làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên khi phát sinh hợp đồng bảo hiểm", bà Phúc nêu quan ngại.

 ĐBQH lo ngại nhân viên bán bảo hiểm cố tình khai sai thông tin, khiến khách hàng bị từ chối chi trả bồi thường  - Ảnh 1.

ĐBQH Huỳnh Thị Phúc trong phiên thảo luận sáng 29/10.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho rằng hợp đồng bảo hiểm thực chất là thỏa thuận của các bên. Hợp đồng bảo hiểm có tính chất đặc trưng của quan hệ dân sự, là sự thỏa thuận, ký kết, thương lượng giữa các bên bán và bên mua.

"Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, trong hợp đồng bảo hiểm, lợi thế thường thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm. Bên bán chủ động nắm các quy định của pháp luật, bên mua là khách hàng cá nhân chiếm số lượng lớn, thường thụ động trong việc tìm hiểu đầy đủ nội dung và các điều khoản, thường rơi vào yếu thế khi thực hiện hợp đồng. Vì vậy, trong dự thảo luật sửa đổi cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn cơ chế bảo vệ người được bảo hiểm", đại biểu Hà cho biết.

Theo bà Hà, dự thảo luật cần quy định rõ hơn cơ chế, quyền lợi của người được bảo hiểm. Dự thảo luật cần quy định cụ thể, rõ ràng nghĩa vụ cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm, có trách nhiệm giải thích với bên mua bảo hiểm về quyền lợi được bảo hiểm, các điều khoản loại trừ trách nhiệm và quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Bên cạnh đó, vị ĐBQH đoàn Quảng Ninh cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm cần phải đăng ký tất cả các điều khoản hợp đồng với một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, khi có tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm có cơ sở để soi chiếu.

Ngoài ra, đại biểu Hà cũng đề cập đến đảm bảo an toàn, phòng ngừa tổn thất, phòng chống gian lận và bảo vệ đối tượng được bảo hiểm, Mục 5 trong Chương II. Dẫn tình hình thực tế, bà Hà cho biết thời gian qua đã xảy ra các vụ trục lợi, gian lận bảo hiểm với quy mô, số tiền trục lợi ngày càng lớn, tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp.

"Tình trạng trục lợi xảy ra ở hầu hết các công đoạn trong chu trình bảo hiểm, từ khai thác, giao kết hợp đồng, giám định, khiếu nại, bồi thường và giải quyết bồi thường. Vì vậy, đề nghị cần nhận diện đầy đủ các tổn thất, các hình thức gian lận và các đối tượng của các hành vi gian lận để có chế tài trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm", ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Bảo hiểm nông nghiệp nhận được sự quan tâm lớn

Ngoài bảo hiểm nhân thọ, nhiều ĐBQH cũng quan tâm tới bảo hiểm bảo hiểm vi mô và các hình thức bảo hiểm phi nhân thọ khác. Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho biết ông đánh giá cao việc xây dựng chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức triển khai sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội, đặc biệt là Chương trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, v.v..

Tuy nhiên, vị ĐBQH đoàn Bắc Ninh cho rằng quy định còn mang tính chung chung, thiếu định lượng, phạm vi chính sách mới chỉ dừng lại ở khuyến khích, mà khuyến khích như thế nào, tạo điều kiện ra sao thì dự thảo lại chưa quy định rõ.

 ĐBQH lo ngại nhân viên bán bảo hiểm cố tình khai sai thông tin, khiến khách hàng bị từ chối chi trả bồi thường  - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Như So.

"Chúng ta đều biết nông nghiệp là một ngành nghề có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực luôn đối mặt với nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh. Do đó nếu không có chính sách, cơ chế cụ thể, đủ mạnh, chỉ bảo hiểm theo hướng kinh doanh đơn thuần thì không có doanh nghiệp nào muốn chọn bảo hiểm nông nghiệp vì nguy cơ thua lỗ cao", ông So cho biết.

Đại biểu Nguyễn Như So cho rằng cần phải xem bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm đặc thù và xây dựng một chương riêng cho dự thảo. Theo đó, cần tổng kết, đánh giá những vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp, từ đó xây dựng những quy định cụ thể hơn và mạnh mẽ hơn.

Đại biểu So cũng cho rằng cần bổ sung một chương về bảo hiểm vi mô là hết sức cần thiết. Đây là loại hình bảo hiểm mang tính xã hội rất cao, hướng tới những đối tượng yếu thế, người thu nhập thấp, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Hơn nữa, hiện nay chúng ta chưa có luật nào quy định về vấn đề này.

"Thực tế cho thấy, việc thiếu hành lang pháp lý về bảo hiểm vi mô cũng là nguyên nhân khiến cho bảo hiểm vi mô dù có thời gian dài thí điểm 10 năm nhưng tỷ lệ người tham gia rất thấp. Tuy nhiên, dự thảo chỉ định khung 2 điều về việc bảo hiểm vi mô, điều này gây khó khăn, vướng mắc khi triển khai trên thực tế. Do đó đề nghị bổ sung cụ thể hóa các quy định về bảo hiểm vi mô tại dự thảo", Đại biểu So nói.

Nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng nêu bật tầm quan trọng của bảo hiểm vi mô.

Linh Anh

Từ khóa:  bảo hiểm
Cùng chuyên mục
XEM