Để du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

29/01/2020 12:17 PM | Kinh tế vĩ mô

Du lịch không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho ngành kinh tế, tạo việc làm, phát triển các ngành dịch vụ, cơ sở vật chất hạ tầng mà còn thúc đẩy hòa bình, giao lưu văn hóa. Tuy nhiên, để biến du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Du lịch tăng trưởng ấn tượng

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam đã tăng từ 75/141 nền kinh tế vào năm 2015 lên 67/136 vào năm 2017 và 63/140 vào năm 2019. Trong đó, có những chỉ số tăng ấn tượng như mức độ mở cửa, sức cạnh tranh về giá, năng lực hàng không.

Trong năm 2019, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp hạng 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất trên thế giới. Việt Nam nhận được những giải thưởng danh giá của World Travel Awards như Điểm đến hàng đầu châu Á 2 năm liền (2018-2019), Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019. Đặc biệt, vừa qua Việt Nam đã vinh dự nhận giải thưởng ''Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019'' và ''Điểm đến Golf hàng đầu thế giới 2019''.

Theo ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, tháng 11/2019, Việt Nam đón 1,81 triệu lượt khách quốc tế. Đây là lượng khách cao kỷ lục trong một tháng từ trước đến nay. Sau 11 tháng, đã có 16,3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2019, ngành Du lịch Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 726 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, Bộ VH-TT&DL cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức, hạn chế mà du lịch Việt Nam đang phải đối mặt. Trong đó, một số chỉ số như nguồn nhân lực, môi trường, hạ tầng du lịch… đang là những điểm yếu cần khắc phục trong thời gian tới.

"Cần nâng cao chất lượng du lịch mới có thể hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng, nâng tầm cho du lịch Việt Nam. Do vậy, trong thời gian tới rất cần có những những sáng kiến, cách làm mới để nâng cao hiệu quả các mặt công tác như xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm, thu hút đầu tư, tăng cường kết nối", Thứ trưởng Lê Quang Tùng nói.

Giải pháp để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2019, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa du lịch và hàng không, đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục cải thiện, nâng cao hiệu quả như về thương hiệu, chất lượng sản phẩm, nhân lực...

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, với những tiêu chí xét về năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra, Việt Nam có những điểm rất mạnh về tài nguyên thiên nhiên (đứng thứ 30), tài nguyên văn hóa (đứng thứ 34), sức cạnh tranh về giá (đứng thứ 35)...

Tuy nhiên, tổng thể chung thì du lịch Việt Nam chỉ đứng thứ 67/136 nền kinh tế.

Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, là bởi vẫn còn những chỉ số rất hạn chế như hạ tầng du lịch (đứng thứ 113), mức độ ưu tiên cho ngành Du lịch (đứng thứ 101), mức độ mở cửa quốc tế (đứng thứ 73), thị thực (đứng thứ 116)... "Riêng về thị thực thì Việt Nam đứng thấp nhất trong các nước ASEAN. Trong khi đó, các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan lại xếp hạng cao về các chỉ số này", ông Thiện nói.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng thực tế trên là những lý do khiến năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam thấp. Do đó, muốn tháo gỡ khó khăn phát triển du lịch, bắt buộc phải khắc phục những hạn chế liên quan đến cơ sở hạ tầng, mở cửa thị thực, phát triển bền vững môi trường...

"Chúng ta phấn đấu đến năm 2020 sẽ đón khoảng 17-20 triệu lượt khách quốc tế, còn thực sự thành ngành mũi nhọn thì phải tới năm 2030. Vì vậy, giải pháp khắc phục hạn chế của du lịch Việt Nam trong thời gian tới sẽ liên quan đến công tác quảng bá, xúc tiến hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý nhà nước về du lịch", ông nói.

Hiện nay, ngành Du lịch Việt Nam đang tập trung gia tăng đầu tư nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch. Trong đầu tư du lịch thì đầu tư cho cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch có yếu tố quan trọng đảm bảo thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là tạo điều kiện thu hút khách du lịch và cải thiện điều kiện dân sinh cho cộng đồng dân cư.

Muốn vậy, cần tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch, đồng thời chú trọng lồng ghép đầu tư hạ tầng với du lịch với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội; trong giai đoạn tới cần chú trọng đầu tư vào các khu điểm du lịch quốc gia để tạo đà bứt phá cho du lịch Việt Nam.

Tiếp theo là phải nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam còn kém so với các nước các nước trong khu vực cả về năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ. Vì vậy, nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ trong ngành là nhiệm vụ trong tâm trong định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới.

Đối với đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, cần phải trang bị kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ du lịch vì phần nhiều cán bộ, công chức ở cấp Tổng cục Du lịch và các địa phương từ các ngành khác, hoặc học các ngành khác nhau, chưa nắm vững được kiến thức chuyên ngành du lịch; nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý nhà nước, đặc biệt là quản lý kinh tế. Đối với nguồn nhân lực các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư chú trọng bồi dưỡng kiến thức thị trường, ngoại ngữ và nghiệp vụ chuyên sâu, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Ngoài ra, phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của ngành du lịch trong điều kiện hiện nay. Mặc dù đã có chuyển biến rõ nét bước đầu trong thời gian qua, song cần tiếp tục tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức sâu rộng trong xã hội về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc phát triển du lịch, nhất là nhận thức tư tưởng của cán bộ quản lý của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Theo Phong Cầm

Cùng chuyên mục
XEM