Dị nhân Elon Musk đang đe dọa toàn bộ ngành sản xuất ô tô truyền thống, danh sách nạn nhân đang ngày càng dài

31/05/2017 10:51 AM | Kinh doanh

Những gì Elon Musk cùng Tesla tạo dựng được thời gian gần đây đã làm nên lịch sử trong ngành công nghiệp ô tô.

Không thể phủ nhận mức độ to lớn của ngành công nghiệp ô tô. Nó có ảnh hưởng tới cuộc sống của hầu hết mọi người trên hành tinh. Nhưng thật ngạc nhiên là hầu như trong suốt quá trình phát triển, không có quá nhiều câu chuyện hấp dẫn xung quanh đó.

Trên thực tế chúng ta hoàn toàn có thể vẽ lịch sử toàn bộ ngành công nghiệp ô tô trên một đường thẳng, từ Henry Ford tới Elon Musk. Dĩ nhiên có thể có một vài "khúc cong" như Enzo Ferrari, Preston Tucker và John DeLorean, nhưng không đáng kể.

Nói như vậy để thấy, những gì một số nhà sáng lập ban đầu và gần nhất là CEO Elon Musk của hãng xe ô tô 13 năm tuổi Tesla đạt được quả là kỳ tích đáng kinh ngạc – và thật sự là chưa từng có.

Suốt nhiều thập kỷ qua, ngành công nghiệp ô tô khiến nhiều doanh nhân liều lĩnh "khốn khổ". Bản thân Elon Musk và Tesla mới chỉ phất lên nhờ vào giá cổ phiếu hồi phục nhanh chóng trong năm nay. Vốn hóa thị trường của công ty đã vượt cả 2 ông lớn khác là GM và Ford.

Trong khi Tesla khởi sắc thì một số hãng sản xuất xe hơi khác lại gặp rắc rối lớn sau thời kỳ đạt được thành công vang dội.

Thứ Hai tuần trước, Ford đã sa thải CEO Mark Fields vốn đã nắm giữ cương vị này 3 năm liền với 2 năm đạt lợi nhuận kỷ lục. Nhiều chuyên gia phân tích nhận định, việc ra đi của Fields cho thấy sự trỗi dậy của Tesla và sự tụt hậu về đổi mới của Ford so với đối thủ tới từ thung lũng Silicon.

Điều đó hoàn toàn sai. Fields phải ra đi bởi giá cổ phiếu công ty dưới triều đại của ông ấy giảm gần 40%. Fields hiểu rằng trên cương vị CEO của một công ty đại chúng (nhưng vẫn bị kiểm soát chủ yếu bởi gia đình Ford) – ông ấy luôn phải lãnh đạo, điều hành công ty làm sao để cổ phiếu tăng. Nếu không được như vậy, ông ấy buộc phải ra đi.

Trên thực tế việc Tesla nổi lên không phải là nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của Fields hay thậm chí là của tất cả những nhà sản xuất xe hơi truyền thống khác. Bản thân ngành công nghiệp ô tô truyền thống vẫn đạt mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục trong khi đó Tesla chỉ bán ra được 80.000 xe mỗi năm và nổi tiếng "đốt tiền" ở một tỷ lệ đáng báo động. Vậy điều gì khiến Tesla vẫn làm các hãng xe truyền thống sợ hãi?

Ví dụ điển hình là GM - đơn vị sở hữu đội ngũ lãnh đạo có thể nói là "đỉnh nhất" trong lịch sử. Dưới trướng của CEO Mary Barra, GM đã vượt qua ngưỡng cửa phá sản vào năm 2009. Tuy nhiên hiện tại giá cổ phiếu và vốn hóa thị trường của công ty đang thụt lùi nghiêm trọng so với Tesla, khoảng cách thì đang ngày một nới rộng và vì vậy Barra đang gặp khó khăn với các cổ đông lớn.

David Einhorn của Greenlight Capital tạo ra cuộc chiến trước thềm cuộc gặp gỡ cổ đông hàng năm vào tháng 6 của công ty. Ông ấy muốn chia nhỏ cổ phiếu của GM thành 2 loại - 1 cho những nhà đầu tư hướng tới cổ tức và một cho những nhà đầu tư thiên về tăng trưởng. Ngoài ra, ông này cũng muốn có 3 ghế trong hội đồng quản trị GM.

Điều đáng nói là "cơn đau đầu" Barra và đội ngũ của bà đang phải trải qua kể trên đáng ra sẽ không xuất hiện nếu Tesla không trị giá hàng tỷ đôla - cao hơn GM vào thời điểm này.

Các hãng xe truyền thống thì tri ân các nhà đầu tư bằng việc mua lại cổ phiếu và chia lợi tức tốt nhưng mức lợi tức 4,5% chưa là gì so với mức tăng giá 50% của cổ phiếu Tesla đạt được chỉ trong vòng 6 tháng qua - cũng như mức lợi tức 1.500% kể từ khi Tesla IPO vào năm 2010. Trong khi đó, GM hoàn toàn ngược lại, họ thậm chí không thể quay về được mức giá như khi IPO là 33 USD.

Sẽ còn nhiều nạn nhân hơn?

Nếu sự tăng trưởng của Tesla không dừng lại, sẽ xuất hiện nhiều nạn nhân hơn nữa. Chưa kể đến việc nhiều khả năng Tesla có thể gây ra sự khủng hoảng cho toàn bộ ngành công nghiệp chế tạo xe và giá cổ phiếu của họ có thể từ mức 300 USD/cổ phiếu lên 500 USD hoặc hơn.

Nếu điều đó xảy ra - cứ cho là lúc Tesla có thể bán ra 1 triệu xe hoặc hơn mỗi năm và có lợi nhuận - toàn bộ các nhà sản xuất xe ô tô truyền thống có thể bị đánh bật khỏi thị trường Mỹ. Thung lũng Silicon có thể ăn mừng với kết quả đó nhưng những cá nhân làm việc tại các hãng xe truyền thống sẽ có cảm xúc ngược lại.

Hơn nữa, càng gần thời điểm Tesla bán được 1 triệu xe hoặc hơn mỗi năm, họ càng tiến xa hơn và phát triển thị trường rộng hơn. Tesla hiện đang độc quyền trong mảng xe điện và họ mới chỉ bị đe dọa bởi GM với mẫu Bolt EV - ra mắt vào năm 2016.

Tầm nhìn của Elon Musk phụ thuộc vào việc Tesla trở nên lớn hơn và làm sao có thể loại bỏ hết các dòng xe chạy bằng xăng trên đường phố. Tuy nhiên với vốn hóa 50 tỷ USD, tầm nhìn đó còn phụ thuộc vào việc Tesla sẽ gia tăng độc quyền như thế nào để cuối cùng giảm cạnh tranh tại thị trường Mỹ và một số nơi khác.

Không giống trước đây, những gã khổng lồ công nghệ ở thung lũng Silicon từ Microsoft cho tới Apple, Amazon, Google, Facebook… đều thích một mình thống trị trong 1 thị trường để tối đa lợi nhuận và tạo ra tập trung lớn vào người dùng.

Về vấn đề độc quyền sẽ còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất lúc này là một số hãng xe truyền thống đã bắt đầu phát triển những mẫu xe cạnh tranh với Tesla trong thị trường xe điện còn quá nhỏ.

Nhưng thật không may, bài học từ Ford đã cho thấy nếu đang điều hành một trong những công ty như vậy nhưng không thể tạo nên được câu chuyện hấp dẫn như Musk, họ có thể gặp rắc rối nghiêm trọng.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM