Điều gì khiến 'Made in China' không còn có nghĩa là giá rẻ nữa?

04/07/2017 13:53 PM | Kinh tế vĩ mô

Chi phí đầu vào tăng khiến Trung Quốc – công xưởng của thế giới – rục rịch nâng giá gia công.

Hệ lụy dễ thấy nhất là những sản phẩm được sản xuất, gia công tại Trung Quốc, vốn chiếm một tỷ trọng lớn ở những thương hiệu nổi tiếng như H&M, Zara, Uniqlo… có thể sẽ đắt đỏ hơn so với hiện nay.

Chỗ nào cũng tăng giá

Tại Quảng Đông, một trong những thủ phủ sản xuất lớn của Trung Quốc, hãng sản xuất điện thoại Dannol Electronics Co. đang vật lộn với hàng tá chi phí đầu vào phát sinh do Chính phủ siết chặt quy định về môi trường.

Vốn đã khó khăn chồng chất do xu hướng lương nhân công tăng và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nội địa những năm gần đây, không còn cách nào khác, Dannol buộc phải tăng giá trung bình 15% đối với khách hàng mới. Với khách quen, họ đang cố gắng duy trì song cũng đã có kế hoạch tăng giá trong thời gian tới.

Một chiếc đồng hồ treo tường có logo Quỷ đỏ Manchester United hiện có giá sỉ 5,8 USD/cái, thay vì chỉ 4,8 USD cách đây một năm.

"Giá thành tất cả các nguyên liệu đầu vào đều tăng, lạm phát thì căng thẳng”, giám đốc khối bán hàng Fan Miaochang than thở. "Là nhà sản xuất, chúng tôi không thể tự mình gánh hết tất cả các chi phí”.

Trên thực tế, ngay từ Hội chợ Thương mại Canton diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái, một nhóm các nhà sản xuất và xuất khẩu như Dannol đã bàn với nhau về việc tăng giá bán. Kể từ đó đến nay, giá thành sản xuất ở Trung Quốc liên tục điều chỉnh, do giá bán các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh.

Có chung hoàn cảnh, ông Lin Haobin, nhà sáng lập hãng sản xuất chậu cây trồng trang trí trên bàn làm việc Winmart Design cho biết, giá bán của hộp bìa carton để đóng hàng đã tăng hơn gấp đôi, từ 3,2 NDT hồi năm ngoái lên 6,8 NDT (1 USD).

"Đó chỉ là một thí dụ rất nhỏ. Nhà cung cấp hộp bìa của chúng tôi giải thích họ tăng giá là vì chi phí vật liệu tăng lên. Họ cũng không có lãi vì vật giá leo thang”, ông Haobin cho hay.

Hiệu ứng domino

Với việc Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu lớn nhất và cũng là nơi tiêu dùng một số nguyên liệu thô nhiều nhất thế giới, áp lực tăng giá từ nước này đã nhanh chóng lan ra khắp thế giới: Giá vật liệu tăng buộc nhà cung cấp A phải tăng giá, dẫn tới nhà sản xuất B phải tăng theo và cuối cùng khoản chi phí phát sinh này được đá sang nhà xuất khẩu C.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê nước này, giá thành sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 1 đã tăng 6.9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng 2.5%, trong khi giá thành sản xuất các nguyên liệu thô tăng vọt tới 12.9%.

Đây đều là những thị trường mà kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm một tỷ trọng lớn, chẳng hạn như Nhật là gần 25% hay Úc là 23%.

Trong mắt các chuyên gia kinh tế, đây là một tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Ông Tao Dong, cố vấn cấp cao của Credit Suisse châu Á Thái Bình Dương nhận định thường thì nếu sức cầu không quá khủng, nhà sản xuất sẽ "có rất ít đất” để tăng giá.

Tuy nhiên, việc tăng giá trên diện rộng tại Trung Quốc hiện nay là do doanh nghiệp đã không thể chịu nổi áp lực nữa.

Đường cùng

Cứ thử hỏi Jiangmen Luck Tissue Mfy về hoàn cảnh ngặt nghèo hiện tại, công ty này sẽ có rất nhiều để kể, từ việc phải cắt giảm một nửa số nhân viên, tự động hóa nhiều khâu sản xuất để có thể sống sót. Nhưng khi lợi nhuận giảm gần về 0, Jiangmen cực chẳng đã đã phải nâng giá bán – lần đầu tiên kể từ năm 2010 trở lại đây.

"Không còn bất cứ cách nào để cắt giảm chi phí và giá thành nữa”, Phó Giám đốc Roger Zhao thừa nhận. Đó thật sự là một canh bạc, khi tăng giá trong bối cảnh sức cầu đang ảm đạm.

Với Winmart Design, một trong những điều làm nên lợi thế cho sản phẩm chậu cây của họ chính là giá. Từ năm 2013 đến nay, công ty này đã giảm giá bán buôn khoảng 30% và nhờ đó mà doanh số tăng tới 50% mỗi năm tại những thị trường như Mỹ, Hàn Quốc. Thế nhưng khi lương nhân viên hiện đã cao gấp đôi so với thời điểm 2012, Haobin không thể giảm giá được nữa.

Tương tự, hãng sản xuất bồn tắm Jacuzzi Shenzhen Kingston Sanitary Ware không thể tiếp tục chiết khấu cho các nhà phân phối, do lợi nhuận 5 năm qua sụt giảm tới 20%.

Trong cơn lốc xoáy đó, một số hãng vẫn cố chèo lái để giữ nguyên giá. Họ lo sợ nếu tăng giá tại thời điểm này sẽ mất khách.

Sandy Chang, chủ công ty chuyên sản xuất đồ phụ kiện nhà tắm Dongguan City Xinchen Gift Co, là người theo quan điểm này. Chang đang đau đầu nhức óc vì giá đá marble đã tăng hơn 10% kể từ sau Tết Nguyên đán, công nhân thì đòi tăng lương.

"Dù sức cầu ở Mỹ, thị trường chính của chúng tôi, đã tăng chút ít, nhưng sự tăng trưởng vẫn rất mong manh”, Chang nói. Chỉ cần một tính toán sai lầm cũng có thể khiến mọi thành quả đổ sông đổ bể.

"Cách duy nhất để thoát ra khỏi tình cảnh này là tăng hiệu suất, giảm nguyên vật liệu phế thải và bán được nhiều sản phẩm hơn”.

Yên Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM