Đỗ Phan Hoàng Sương - Nữ sáng lập DalatFOODIE từng "một nách 2 con" lên Shark Tank gọi vốn: Một lòng theo đuổi nông nghiệp hữu cơ là "cố chấp" hay "bền chí"?

20/10/2021 14:20 PM | Kinh doanh

Đã là khởi nghiệp, ai cũng muốn dự án của mình đi thật nhanh và lời thật nhiều, Đỗ Phan Hoàng Sương – Founder DalatFOODIE cũng thế. Nhưng, bởi chị đã chọn lĩnh vực ‘cực kỳ khoai’ là nông nghiệp hữu cơ cũng như khởi sự khi tuổi đời còn quá trẻ, nên không thể đi nhanh như kỳ vọng. Vậy nên, chị đã học cách chấp nhận điều đó, xem như ‘học phí’ mà mình phải trả để trưởng thành.

Những ai là fan của chương trình Shark Tank Việt Nam hẳn vẫn còn nhớ đến màn gọi vốn của Đỗ Phan Hoàng Sương – Founder DalatFOODIE trong năm 2019. Ấn tượng đầu tiên là Hoàng Sương đã thành công thuyết phục được Shark Nguyễn Thanh Việt đồng ý với mức giá mà mình đưa ra – 5 tỷ cho 20% cổ phần mặc dù các Shark còn lại chưa đánh giá cao tính khả thi của dự án; ấn tượng thứ hai là chị đã mang 2 con của mình để lên truyền hình gọi vốn.

Lúc đó, không ít người cho rằng: chị đã ‘làm màu’ khi 2 mang con lên chương trình gọi vốn cũng như nghi ngờ chị lấy lòng các Shark bằng sự đáng yêu của hai bé. Song, với những ai quen Hoàng Sương đều biết, chị không chỉ mang con lên chương trình gọi vốn mà còn mang con đi khắp nơi, từ chỗ làm việc tới hội thảo – hội nghị.

Với chị, con cái không phải là gánh nặng với người phụ nữ trong cuộc sống cũng như trong công việc, quan trọng là việc mình nuôi dạy em bé như thế nào để chúng có thể đồng hành cùng mình một cách suôn sẻ, tạo cảm hứng để mẹ làm việc tốt hơn thay vì gây trở ngại như mọi người nghĩ.

Đỗ Phan Hoàng Sương - Nữ sáng lập DalatFOODIE từng một nách 2 con lên Shark Tank gọi vốn: Một lòng theo đuổi nông nghiệp hữu cơ là cố chấp hay bền chí? - Ảnh 1.

Màn gọi vốn khó quên của Hoàng Sương tại Shark Tank 2019.

Đỗ Phan Hoàng Sương - Nữ sáng lập DalatFOODIE từng một nách 2 con lên Shark Tank gọi vốn: Một lòng theo đuổi nông nghiệp hữu cơ là cố chấp hay bền chí? - Ảnh 2.

DalatFOODIE đã được Intracom - Shark Việt xuống tiền trong năm 2020.

Ngay từ khi còn trẻ và cả đến bây giờ, Đỗ Phan Hoàng Sương luôn là một cô gái nhỏ dũng cảm, dù gặp khó khăn hay thuận lợi, chị luôn dũng cảm đối mặt và tìm cách vượt qua nó; từ công việc cho đến cuộc sống. Nhờ thế, Sương mới có thể theo đuổi mảng nông nghiệp hữu cơ cùng DalatFOODIE trong 7 năm qua, dù ai ‘nói ngã nói nghiêng’, vì sự thật là dự án vẫn chưa mang về cho chị lợi nhuận.

KHỞI NGHIỆP – LỰA CHỌN DỄ DÀNG CỦA HOÀNG SƯƠNG

So với nhiều người, Đỗ Phan Hoàng Sương không phải là một cô gái may mắn khi mẹ mất từ nhỏ. Vì thế, chị tự lập từ sớm, bắt đầu kiếm tiền từ những năm cấp III và lúc xuống TP.HCM để học đại học ở độ tuổi 20, là đã bán hàng để tự kiếm tiền trang trải cuộc sống và đóng học phí.

Đề tài đăng ký nghiên cứu khoa học tại trường đại học năm 2013 của Hoàng Sương là các yếu tố ảnh hưởng đến GDP Việt Nam và vô tình chị biết đến mảng nông nghiệp organic khi tìm kiếm tài liệu. Hơn nữa, càng tìm hiểu, Sương càng cảm thấy bị hấp dẫn bởi lĩnh vực này và cho rằng tiềm năng thị trường của nó rất lớn, mặc dù tại thời điểm đó, mảng nông nghiệp organic vẫn còn sơ khai.

"Có thể nói, chuyện khởi nghiệp đến với tôi khá tự nhiên và đơn giản. Lúc khởi sự với DalatFOODIE năm 2015, tại miền Nam chỉ có vài người trồng organic (hữu cơ), khi về quê ở Đà Lạt hỏi ba tôi về việc trồng organic, ba của tôi còn không biết gì dù sống tại vùng trồng lớn. Lúc ban đầu, tôi chưa bán hàng organic mà chủ yếu bán đồ rau củ sấy – đồ khô nhập từ Đà Lạt.

Tôi vẫn còn nhớ, người đầu tiên mà tôi tiếp cận được trong mảng organic là một chủ vườn dâu tại Đà Lạt. Chị ấy làm dự án trồng dâu để kêu gọi vốn đầu tư từ Hàn Quốc, mặc dù chị không thành công song bù lại tôi có những trái dâu organic đầu tiên để bán.

Trong lúc người ta bán dâu khoảng 50.000 đến 70.000 đồng/kg, tôi lại bán dâu organic giá 300.000 đồng/kg; nên nhiều người bảo tôi điên. Tất nhiên là tôi chẳng có mấy khách hàng, nên tôi đã mang chúng đi tặng, xem như là chi phí marketing.

Tiếp theo, chị ấy giới thiệu cho tôi nhiều anh chị kỹ sư trồng organic khác tại Đà Lạt và đến năm 2017, tôi bắt đầu chuyên tâm làm organic, đến năm 2018, danh mục sản phẩm organic của DalatFOODIE đã khá phong phú với nhiều loại rau - trái cây hữu cơ. Có một điều thú vị nữa, những nhà cung cấp sản phẩm organic đầu tiên đó vẫn đi theo chúng tôi cho đến thời điểm này", chị Đỗ Phan Hoàng Sương hồi tưởng.

Đỗ Phan Hoàng Sương - Nữ sáng lập DalatFOODIE từng một nách 2 con lên Shark Tank gọi vốn: Một lòng theo đuổi nông nghiệp hữu cơ là cố chấp hay bền chí? - Ảnh 3.
Đỗ Phan Hoàng Sương - Nữ sáng lập DalatFOODIE từng một nách 2 con lên Shark Tank gọi vốn: Một lòng theo đuổi nông nghiệp hữu cơ là cố chấp hay bền chí? - Ảnh 4.

Những đợt đi nông trại tìm hiểu sản phẩm đối tác của chị Hoàng Sương.

Sau này, khi Sương quyết định đi thi Shark Tank thì cũng có nhiều người bảo rằng chị bị ‘điên’, thậm chí có người bạn ở quỹ đầu tư còn bảo ‘99,99% DalatFOODIE sẽ thất bại’ bởi vì ngành này thật sự rất khó để phát triển trong bối cảnh thị trường lúc bấy giờ. Ngay cả khi được Shark Việt đồng ý đầu tư trên truyền hình, vẫn có không ít người tin chị sẽ không nhận được tiền đầu tư.

NHỮNG THÁCH THỨC CỦA MỘT GIÁM ĐỐC TRONG ĐỘ TUỔI 20

Tuy nhiên, càng dấn thân sâu vào mảng organic và doanh nghiệp càng lớn, Sương càng đối mặt với nhiều thách thức nhiều khi tưởng là quá sức với một cô gái ở độ tuổi 20.

Thực phẩm organic là một ngành ‘siêu đỏng đảnh’ mà mọi người hay ví von là ‘sáng rau, chiều rác’, chỉ cần quản trị không tốt là lỗ ngay. Ngay cả khi bán với giá gấp đôi, thì hầu hết các công ty làm trong mảng này vẫn phải bù lỗ.

Cụ thể, nó còn hao hụt ở nhiều công đoạn: đóng gói – vận chuyển – lưu kho – trưng bày ở cửa hàng. Rồi do sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giá thành còn cao nên chưa được đông đảo người tiêu dùng đón nhận như là một thực phẩm thường ngày, nên vẫn phải ‘educated’ thị trường, chi phí marketing khá cao.

Trong khi, dù trước kia từng kinh doanh hoặc làm nhân viên ở nhiều công ty khác nhau, song chị chẳng có mấy kinh nghiệm về quản trị nhân sự trên 10 người.

Năm 2017, lúc DalatFOODIE có khoảng 30 nhân sự là founder này buộc phải cắp cặp đi học để phấn đấu trở thành một chủ doanh nghiệp bài bản, có tư duy lãnh đạo đúng. Ở tuổi 25, Sương cảm thấy mình cái gì cũng thiếu và thường xuyên rơi vào khủng hoảng hễ công ty có sự cố xảy ra. Chị đi học với mục tiêu ‘hỏi đúng, để nhận được câu trả lời đúng’, ví dụ: kho báu chỉ mở ra khi Alibaba đưa ra câu thần chú đúng là ‘vừng ơi mở ra’, chứ không phải ‘mè hay đậu ơi mở ra’!

Đỗ Phan Hoàng Sương - Nữ sáng lập DalatFOODIE từng một nách 2 con lên Shark Tank gọi vốn: Một lòng theo đuổi nông nghiệp hữu cơ là cố chấp hay bền chí? - Ảnh 5.

Bên trong cửa hàng DalatFOODIE.

Đỗ Phan Hoàng Sương - Nữ sáng lập DalatFOODIE từng một nách 2 con lên Shark Tank gọi vốn: Một lòng theo đuổi nông nghiệp hữu cơ là cố chấp hay bền chí? - Ảnh 6.

"Thật ra, khởi nghiệp lúc trẻ quá cũng không tốt, chưa nói là mặt tôi vốn non hơn tuổi thật. Hồi xưa lúc đi đến các nông trại để ngỏ lời hợp tác, khi thấy khuôn mặt trẻ con của tôi, ấn tượng đầu tiên của nhiều đối tác thường là không mấy kỳ vọng vào mối làm ăn này.

Tôi cũng biết vậy, nên thường không thất vọng hoặc buồn khi thấy người ta đón mình hờ hững, vì tôi biết nếu mình có lòng thì mọi chuyện sẽ thay đổi sau đó.

Cũng vì thiếu kinh nghiệm sống, nên có một thời gian, khi thấy nhân sự nào đó xin nghỉ việc, tôi liền ‘vật vã’ kiểu: vì sao người ta bỏ mình đi?, rõ ràng là mình đối xử với mọi người rất tốt?...

Sau này khi nhìn lại, tôi mới thấy là bản thân ấu trĩ như thế nào: vì thật ra ‘tan hợp’ là chuyện bình thường và tôi cũng không có tiền để trả họ lương cao và chưa cho họ thấy được tương lai tươi sáng của DalatFOODIE. Họ sẽ học được gì từ một CEO mới 25 tuổi như tôi?!", chị Hoàng Sương phân tích.

Sau nhiều va vấp, hiện Founder này đã phần nào biết phải tuyển dụng – giữ người như thế nào. Vì thực tế là startup tuyển người giỏi rất khó, nên chị không yêu cầu bản thân phải tuyển toàn người giỏi hoặc giữ người bất chấp, chị chỉ cần giữ thật tốt 4 ‘key person’ của doanh nghiệp là ổn.

Cũng theo chị: một điểm yếu của phụ nữ khi khởi nghiệp là xem công ty như ‘đứa con’ của mình và chăm bẳm một cách thái quá. Vậy nên, mỗi khi doanh nghiệp gặp trục trặc hoặc đối diện với thách thức, thì họ thường ‘than thân trách phận’ và cảm thấy ‘không thể chấp nhận được’. Quản lý cảm xúc là một điều mà các nữ doanh chủ cần phải học.

VỚI DALATFOODIE – HOÀNG SƯƠNG ĐANG ‘CỐ CHẤP’ HAY ‘BỀN CHÍ’?

Một điều đặc biệt nữa: thường thì các doanh chủ sẽ giấu tiệt thông tin nếu doanh nghiệp của mình vẫn đang lỗ, song founder DalatFOODIE không thế. Bởi theo chị, đây là lỗ trong kế hoạch và chị biết vì sao mình lại lỗ như thế, nên không cần thiết phải giấu giếm vì rõ ràng mình chẳng làm gì khuất tất.

Theo chia sẻ của Sương, năm 2018, DalatFOODIE lỗ 128 triệu, năm 2019 lỗ trên 300 triệu. Còn năm 2020 và 2021 thì khỏi nói - không phải DalatFOODIE lỗ mà cả thị trường đều thế; ngoài Covid-19, startup này còn tốn rất nhiều tiền cho chi phí nhân sự và thuê mặt bằng mới tại Hà Nội.

Đỗ Phan Hoàng Sương - Nữ sáng lập DalatFOODIE từng một nách 2 con lên Shark Tank gọi vốn: Một lòng theo đuổi nông nghiệp hữu cơ là cố chấp hay bền chí? - Ảnh 7.

Một vài combo sản phẩm của DalatFOODIE.

"Là một chủ doanh nghiệp, song doanh nghiệp của mình gần 7 năm tuổi mà vẫn chưa đến điểm hòa vốn và có lời, buộc tôi phải tự vấn bản thân rất nhiều. Rằng mình đang ‘cố chấp’ hay ‘bền chí’, liệu con đường mình đi là đúng hay sai?

Tuy nhiên, sau khi suy xét, tôi cảm thấy đó là hậu quả mà tôi phải đối mặt và tôi phải trả giá cho việc mình đã chọn con đường khó khăn – mảng thực phẩm organic cùng sự non kinh nghiệm quản lý của bản thân.

Như đã nói ở trên, mảng thực phẩm organic rất khó quản lý, chi phí marketing lại cao – trước kia chúng tôi chỉ tốn vài chục ngàn để có 1 khách hàng nhưng sau khi Facebook ‘bóp’ tương tác, con số đó đã tăng lên 200.000 đến 250.000 đồng/khách.

Còn lỗ do năng lực quản trị của tôi chưa tốt thì tôi sẽ nhận và biến nó thành chi phí khác. Bởi nếu tuyển vào một người mới, tôi phải mất công huấn luyện và trong thời gian đầu, chắc chắn họ sẽ không chốt đơn tốt bằng tôi, doanh thu của công ty sẽ giảm. Sự hao hụt đó có thể tính vào chi phí tuyển dụng và huấn luyện nhân sự", founder DalatFOODIE cho biết.

Hơn nữa, do có xuất phát điểm từ ngành tài chính, nên Sương rất kỹ càng và minh bạch trong việc làm số liệu cho startup của mình. Nhìn vào đó, mọi người sẽ biết dòng tiền của doanh nghiệp ra vô như thế nào và liệu khoảng lỗ kia có đáng không? Và với việc Intracom đã đồng ý xuống tiền cho DalatFOODIE vào năm 2020, rõ ràng Shark Việt cho rằng: những khoảng lỗ nói trên là cần thiết cho sự phát triển trong tương lai của startup này.

Ngoài ra, theo Hoàng Sương, thì trong 7 năm qua, chị cũng có vài dự án kinh doanh bên ngoài, nhằm kiếm thêm tiền đổ vào DalatFOODIE, kiểu ‘lấy đầu này đắp đầu kia’, nhờ thế startup này mới tiếp tục tồn tại.

"Tôi là kiểu người, nếu đã nhận định điều gì đúng thì sẽ theo tới cùng và khi gặp sự cố, tôi sẽ thẳng thắn đối diện, tìm nguyên do rồi tìm giải pháp tốt nhất cho vấn đề. Những lần tự vấn như thế giúp tôi không mất phương hướng khi so với đồng nghiệp ngoài kia. Tôi vẫn luôn tin vào tươi sáng của DalatFOODIE. Tôi vẫn luôn tin đến một ngày nào đó, khi hội tụ đủ điều kiện, doanh nghiệp của tôi sẽ bung nở như hoa mùa xuân.

Hơn nữa, như chúng ta biết, khi bắt đầu một dự án khởi nghiệp nào đó, chúng ta sẽ lại bắt đầu với những khó khăn – thách thức giống nhau, vậy sao tôi phải vứt bỏ DalatFOODIE để quay trở lại điểm khởi đầu?!", chị Hoàng Sương bày tỏ.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM