Đừng bao giờ nghĩ bố mẹ, anh chị em, bạn bè thân thiết thì 'lẽ đương nhiên' phải giúp đỡ mình!

27/09/2018 09:10 AM | WeLearn

Trên đời này không có chuyện gì là “lẽ đương nhiên”.

(1)

Tôi quen một cô gái xinh đẹp và thích chưng diện. Trước khi ra ngoài, bao giờ cô ấy cũng phải cẩn thận trang điểm 2h đồng hồ. Không thể phủ nhận vẻ đẹp lộng lẫy sau khi trang điểrm của cô gái ấy.

Sau đó, cô gái này có người yêu. Bạn trai của cô là một người vô cùng xuất sắc, khiến cô ấy luôn muốn xuất hiện với hình tượng đẹp nhất trước mặt bạn trai. Trước lúc hẹn hò, cô sẽ phải ngắm đi ngắm lại từ đầu đến chân rôì mới thong thả ra khỏi nhà. Bởi vậy mà gần như buổi hẹn nào cô ấy cũng đến muộn. Tuy vậy cô chẳng hề bận tâm mà còn cho rằng đó là đặc quyền của của phụ nữ. Rồi để đàn ông chờ lâu một chút, anh ấy sẽ thấy mình đáng trân trọng hơn.

Ban đầu cô ấy tới muộn, bạn trai cô ấy cũng không phàn nàn. Nhưng quá nhiều lần như vậy, anh mới nhắc cô nên tôn trọng thời gian của người khác. Song cô chẳng để ý và nhõng nhẽo: "Anh là bạn trai của người ta mà, chờ một chút thì có sao đâu?" Rồi cô vẫn làm theo ý mình.

Cuối cùng, tới một ngày nọ, cô ấy đến muộn 2 tiếng đồng hồ. Khi tới nơi hẹn, bạn trai chỉ nói với cô ba chữ: "Chia tay đi". Cô không chịu nhưng vẫn không ý thức được vấn đề: "Em chỉ đến muộn 2 tiếng thôi mà, có phạm lỗi gì nghiêm trọng đâu mà phải chia tay. Có bạn trai nào mà không phải chờ bạn gái cơ chứ? Đàn ông chờ phụ nữ chẳng phải lẽ đương nhiên sao?"

(2)

Có một cô gái, trước khi kết hôn là một người hoạt bát hay cười, sau khi kết hôn thì chuyển nơi làm việc, lương thưởng đãi ngộ đều cao hơn trước đây. Nhưng cô ấy lại không thể hòa hợp với hoàn cảnh mới, không thể hòa mình vào tập thể đồng nghiệp và lãnh đạo mới. Thế rồi dần dần, cô ấy trở thành một phụ nữ hay oán thán.

Chồng cô đề nghị, nếu vợ không thích thì có thể chuyển sang làm nơi khác. Nhưng cô ấy lại tiếc đãi ngộ lương thưởng ở công ty này, nên không chịu chuyển đi.

Ngày nào cô ấy cũng ủ rũ đi làm, về nhà lại than thở với chồng rằng lãnh đạo công ty ngu ngốc, vô tình thế nào, đồng nghiệp giả dối, đấu đá nhau ra sao; mình ở đó chịu bao nhiêu khổ cực.

Ban đầu, người chồng cũng an ủi cô ấy, khuyên cô ấy hãy nghĩ thoáng hơn, nhưng cô ấy lại than thở ngày càng nhiều. Mỗi lần về nhà, cô ấy toàn than thở về chuyện trong công ty. Dần dần, chồng cô ấy không đáp lời nữa, để mặc cô ấy thích nói gì thì nói.

Cô ấy bắt đầu bất mãn, than chồng mình cũng không còn nhiệt tình như ban đầu nữa, chẳng khác nào người gỗ, ngày càng thờ ơ với cô ấy. Quá chán nản, chồng cô ấy nói hy vọng cô ấy có thể sáng sủa hoạt bát trước đây. Cô ấy giận tái mặt nói: "Anh tưởng tôi thích sống như bây giờ lắm hả? Tôi không vui thì làm sao hoạt bát sáng sủa được? Tên lãnh đạo ăn trên ngồi trốc vẫn án ngữ trên đầu tôi, làm sao tôi vui cho nổi? Đám đồng nghiệp kia dối trá tởm lợm, làm sao tôi hòa hợp với bọn họ được?"

Thế là chồng cô ấy càng ít nói hơn. Nhiều khi, cô ấy càm ràm một mình suốt mấy tiếng, còn chồng cô ấy chỉ lạnh lùng xem TV. Cô ấy muốn chồng có phản ứng, cho nên không ngừng gắt gỏng, không ngừng tranh cãi, cuối cùng chồng cô ấy không những không thay đổi theo chiều hướng cô ấy muốn, mà chỉ bình tĩnh đề nghị ly hôn.

Cô ấy chưa từng nghĩ tới chuyện ly hôn, nên giận dữ vô cùng, ép hỏi có phải chồng cô ấy đã thay lòng đổi dạ không? Đối phương thản nhiên đáp: "Không biết cô có tin hay không, nhưng tôi không hề yêu người khác. Có điều tôi cũng không muốn sống cùng một phụ nữ suốt ngày oán thán."

Cô ấy khóc nói: "Tôi biết đàn ông các anh đều không ưa tôi, lãnh đạo công ty ghét tôi, đồng nghiệp cũng ghét tôi, nhưng anh là chồng tôi cơ mà, tôi khó chịu, tôi bực bội, tôi không trút lên người anh thì trút lên người ai? Vợ chồng phải bao dung lẫn nhau, không phải ư?"

Chồng cô ấy giữ vẻ mặt lạnh tanh, hờ hững nói ra một câu: "Cho nên giờ tôi không muốn làm chồng cô nữa."

Cô ấy căm phẫn, bất bình đi tìm tôi xin tư vấn, lên án chồng cô ấy bỏ cô ấy mà đi. Tôi thở dài nói: "Thực ra em biết thừa là nếu em trút giận lên người lãnh đạo, lãnh đạo sẽ sa thải em. Nếu em trút giận lên người đồng nghiệp, đồng nghiệp sẽ xa lánh em, cho nên em mới dồn hết lên người chồng em. Em nghĩ cứ trút giận lên người anh ấy thì hậu quả sẽ là nhỏ nhất, nhưng một hai lần còn được, chứ không ai muốn sống cùng một người như vậy từ năm này sang năm khác."

Rất nhiều người ở bên ngoài luôn hiền hòa vui vẻ, nhưng lại mang mọi bực bội tức tối về nhà, trút hết lên người thân trong gia đình, cho rằng người nhà có nghĩa vụ chịu đựng tính xấu và tâm trạng tồi tệ của mình. Tuy vậy, họ đã quên rằng: Không ai có nghĩa vụ chịu đựng đó, kể cả cha mẹ mỗi người. Thỉnh thoảng làm như vậy, bạn phải xin lỗi họ, sau khi chấp nhận lời xin lỗi của bạn, có thể họ sẽ nói chúng ta là người một nhà, nên bao dung lẫn nhau. Đây là lời đáp lại lịch sự sau khi họ tha thứ cho bạn, chớ không phải cái cớ để bạn ỷ lại quan hệ thân mật mà đòi hỏi trắng trợn.

Đừng bao giờ nghĩ bố mẹ, anh chị em, bạn bè thân thiết thì lẽ đương nhiên phải giúp đỡ mình! - Ảnh 1.

(3)

Một chàng trai xuất thân nông thôn, sau khi tốt nghiệp vào làm trong một công ty, sau đó quen một cô gái thành phố. Chàng trai này rất si mê cô gái kia, hai người mau chóng tiến tới giai đoạn nói chuyện hôn nhân.

Nhà gái đề nghị mua một căn hộ không dưới 100m2 ở trung tâm thành phố. Chàng trai bèn về nhà yêu cầu cha mẹ giúp mình giải quyết chuyện này. Cha mẹ nhíu chặt hàng mày đã bạc màu tang thương: "Con à, không phải cha mẹ không muốn, mà cha mẹ không đủ khả năng!"

Chàng trai quay lại nói chuyện với bạn gái, hai người tính toán một buổi tối, nghĩ ra một biện pháp: Để cha mẹ bán hết đất đai ruộng vườn ở quê đi, cộng thêm tiền tiết kiệm được từ trước, cũng coi như tạm đủ. Đồng thời còn nghĩ thêm hướng đi cho tương lai: Để cha vào thành phố làm bảo vệ, bảo vệ luôn được cung cấp chỗ ở; để mẹ vào thành phố làm người giúp việc, có lương còn có chỗ ở, sau này cũng coi như người thành phố. Thế nhưng hai ông bà không chịu, không muốn bán căn nhà cả đời của mình đi.

Thế là chàng trai và bạn gái cực kỳ bất mãn với hai cụ, thỉnh thoảng vẫn bức bối, khó chịu.

Sau đó, cô gái này nhắn tin cho tôi xin tư vấn làm thế nào để thuyết phục cha mẹ bạn trai. Trong tin nhắn, cô ấy viết: "Em không thể hiểu nổi họ, bán nhà ở dưới quê đi rồi vào thành phố ở chẳng tốt hơn à, cứ khăng khăng ở lại cái chỗ khỉ ho cò gáy ấy. Với lại yêu cầu của bọn em cũng không quá đáng mà. Họ phải có trách nhiệm cưới vợ cho con trai, nhà trai mua nhà là truyền thống, là lẽ đương nhiên. Sau này bọn em sinh con thì không phải là cháu của ông bà ấy à?"

Tôi cố kìm nén ý muốn mắng chửi người: "Hai người sinh con thì trước tiên đó là con của hai người. Em đã là người thành phố thì cũng đừng ra rả nói cháu ông bà thế này, cháu ông bà thế kia nữa.Về mặt pháp luật thì bạn trai em đã tới tuổi trưởng thành, cha mẹ cậu ta đã thực hiện xong nghĩa vụ của họ, có thể giúp hai người là tình cảm của họ, không thể giúp mà mặc kệ thì cũng không có gì đáng trách. Nếu em cứ đòi lôi truyền thống ra nói thì để chị cho em biết thế nào là truyền thống. Truyền thống là phải vâng lời cha mẹ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Họ chỉ cần nói một câu ‘Cha mẹ không thích loại con dâu này’ thì em cũng phải cố mà chịu."

Tới tận bây giờ, vẫn có rất nhiều người trẻ tuổi cho rằng cha mẹ nên mua nhà mua xe cho mình, cung cấp mọi điều kiện để mình kết hôn. Lý do mà giá nhà cao, bản thân mình không gánh nổi. Chuyện này, nếu cha mẹ có khả năng, sẵn lòng giúp thì bạn nên cảm động đến rơi nước mắt. Khi bạn kích họ, câu nói "Con là con của cha mẹ, cha mẹ thương con cũng là lẽ đương nhiên" có thể coi như lời đáp lại nhã nhận của họ, chứ không phải lý do để bạn trắng trợn đòi hỏi tiền mồ hôi nước mắt của họ.

(4)

Có hai chọ em ruột: Cô chị học rất giỏi, sau khi tốt nghiệp một trường đại học danh giá thì vào làm việc tại một công ty lớn; còn cô em học hành rất tệ, không đỗ nổi đại học, đành làm chân sai vặt trong một công ty nhỏ. Sau đó công ty của cô chị tuyển người, cô em đòi vào công ty của cô chị làm. Cô chị giải thích khéo rằng công ty mình yêu cầu khá cao, không phải ai muốn vào cũng được. Cô em thờ ơ nói: "Chị tìm cách giúp em vào làm không được à?"

Cô chị rất khó xử, nói bản thân cô ấy không có quyền lực đó. Thế là cô em huy động người thân xúm lại vào chỉ trích cô chị: "Chị là chị gái em, chị giỏi giang hơn em, chị giúp em một chút chẳng phải là lẽ đương nhiên à? Sao chị sống ích kỷ thế? Chị chỉ biết nghĩ đến mình thôi."

Những người thân khác cũng đứng về phía cô em: "Mày làm chị kiểu gì vậy hả? Em gái mày cần giúp đỡ mà mày lại khoanh tay đứng nhìn, mày còn nghĩ đến tình thân nữa không?"

Cô chị không thể đáp ứng được yêu cầu của cô em, nhưng trước áp lực tình thân, đành trích 30% tiền lương mỗi tháng để trợ cấp cho cô em. Sau đó, cô chị kết hôn, mua nhà trả góp, lại có con, áp lực gia đình tăng lên gấp bội. Chồng và mẹ chồng cực kỳ bất mãn với việc cô ấy suốt ngày trợ cấp cho em gái, nên cô ấy mong em gái có thể tự lực cánh sinh, nhưng cuối cùng cô em hoàn toàn không thông cảm cho chị mình, khăng khăng cho rằng việc chị gái phải giúp đỡ em gái là lẽ đương nhiên. Kết cuộc là chị em ruột trở thành mặt thù.

"Giúp đỡ em gái là lẽ đương nhiên" là lời an ủi nhã nhặn của cô chị khi thấy em gái túng quẫn và sẵn lòng giúp đỡ cô em, mà không phải lý do chính đáng để cô em đòi hỏi vô tội. Nếu không, dù có là chị ruột thân thân thiết tới mấy thì mối quan hệ cũng sẽ trở nên tồi tệ.

Trên đời này không có chuyện gì là "lẽ đương nhiên". Bất kể là vợ chồng, cha mẹ, chị em hay bạn bè, mọi sự hy sinh đều bắt nguồn từ tình cảm. Bạn không nợ bất cứ ai, cũng không có bất cứ ai nợ bạn. Nhận thức được điều này, bạn mới không mặt dày mà đưa ra những yêu cầu vô lý, không ghi hận sau khi bị cự tuyệt. Nhận thức được điều này, bạn mới biết cảm kích sau khi được giúp đỡ. Nhận thức được điều này, bạn mới không đánh đồng trách nhiệm của cuộc đời mình vào cuộc đời người khác.

Trích cuốn "Khí Chất Bao Nhiêu, Hạnh Phúc Bấy Nhiêu", tác giả Vãn Tình.

Mai Phương

Cùng chuyên mục
XEM