Giới khởi nghiệp xác định ‘hết đường’ đốt tiền, nguy cơ 2 năm tới không thể huy động thêm một đồng vốn nào nữa!

26/12/2019 11:15 AM | Kinh doanh

Từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, các công ty Trung Quốc đã huy động được 35,6 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm so với 93,4 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Thương vụ IPO bị hủy bỏ và sự thảm hại của WeWork dường như là điềm báo cho sự kết thúc của những tháng ngày các công ty khởi nghiệp chạy đua đốt tiền để mở rộng quy mô kinh doanh trước khi lên sàn chứng khoán – một chiến lược được sử dụng lần cuối từ kỷ nguyên dot-com của Thung lũng Silicon cách đây 20 năm.

Blitzscaling – Tăng trưởng thần tốc, vốn là một chiến lược đem lại hiệu quả cho một số startup Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực gọi xe hay mua hàng theo nhóm, nơi các công ty thi nhau đưa ra ưu đãi tiền mặt để thu hút khách hàng trong thị trường có tính cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, đối với nhiều startup khác, tất cả đã kết thúc vào năm nay, một trong những năm khó khăn nhất đối với các công ty khởi nghiệp công nghệ của đất nước tỷ dân. Trung Quốc đang trải qua sự suy giảm liên tục của thị trường đầu tư mạo hiểm trong bối cảnh kinh tế trì trệ do chịu ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Năm 2019, các công ty Trung Quốc chỉ huy động được 35,6 tỷ USD trong 2.047 vòng tài trợ từ tháng 1 đến giữa tháng 11, so với 93,4 tỷ USD trong 2.795 vòng tài trợ cùng kỳ năm ngoái.

Một chuyên gia nhận định: "Những nhà đầu tư coi việc đốt tiền và huy động vốn nhanh là một lợi thế cạnh tranh, đang dần ‘tuyệt chủng’. Tất cả đều đang xem xét kỹ lưỡng hơn để giảm lãng phí và tập trung vào lợi nhuận".

Tập đoàn internet Tencent Holdings của Trung Quốc, một trong những nhà đầu tư tích cực nhất của giới công nghệ, đã giảm đáng kể quy mô đầu tư trong năm nay. Họ đã rót tiền vào 108 thương vụ trên toàn cầu, ít hơn 33% so với 162 thương vụ vào năm 2018.

Về phía các startup, Ucommune, công ty được mệnh danh là WeWork của Trung Quốc, đang nỗ lực để IPO tại Mỹ trong thời gian tới. Cũng giống WeWork, công ty này vẫn đang miệt mài đốt tiền để có thêm nhiều không gian làm việc chung và mở rộng quy mô kinh doanh. Ước tính, họ đã lỗ 81,3 triệu USD chỉ trong vòng 9 tháng.

Kể từ đó, các nhà đầu tư đã đặt câu hỏi về định giá ở mức cao của Ucommune. Theo Reuters, năm ngoái Ucommune đã huy động được 200 triệu USD, nâng định giá công ty lên 2,6 tỷ USD.

WeWork, Ucommune hay startup chia sẻ xe đạp Ofo, là những ví dụ điển hình về các startup đốt tiền mặt để đổi lấy tăng trưởng, không khác là bao so với các công ty dot-com ngày trước ở Thung lũng Silicon. Thế nhưng, trong một thị trường vốn đang hạ nhiệt như hiện nay, mô hình kinh doanh kiểu này đang ngày càng bị nhà đầu tư xa lánh bởi họ đang có xu hướng ủng hộ những công ty có dòng tiền và lợi nhuận ổn định.

2019 là một năm khó khăn đối với các startup công nghệ trên thế giới nói chung và ở Trung Quốc nói riêng. Một số tên tuổi lớn và tiềm năng nhất như Ofo, công ty xe tự lái Roadstar.ai và nhà sản xuất điện thoại Smartisan đều đã "ngã ngựa". Trong khi Ofo vật lộn để duy trì hoạt động kinh doanh thì Roadstar.ai đang tiến hành thủ tục phá sản và Smartisan đã được bán cho Bytedance (công ty mẹ của TikTok).

Người sáng lập Smartisan, Luo Yonghao, người từng "nổ" rằng một ngày nào đó sẽ mua lại Apple, đã bị thêm vào danh sách đen của Trung Quốc. Theo đó, Luo sẽ bị cấm đi máy bay hoặc tàu cao tốc, cũng như bất kỳ loại chi tiêu xa hoa nào vì chưa trả nợ.

Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất vẫn có thể đang ở phía trước chờ các doanh nhân công nghệ Trung Quốc. Tuần trước, người sáng lập Tập đoàn Alibaba, Jack Ma, nói rằng thế giới đang bước vào thời kỳ thay đổi mạnh mẽ và nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với sự điều chỉnh rất lớn. Thêm vào đó, khó khăn của năm 2019 có lẽ mới chỉ là khởi đầu của những khó khăn cho các năm sau.

Một trong những sự ra đi mới nhất ở Trung Quốc là Taojiji, startup thương mại điện tử từng tuyên bố có tổng giá trị giao dịch vượt qua JD.com. Công ty này vừa tuyên bố phá sản sau khi đốt nhiều triệu USD của các nhà đầu tư.

Nhìn sang WeWork, sau khi kế hoạch IPO bị hủy bỏ, định giá của startup đình đám một thời này đã giảm thê thảm xuống còn 8 tỷ USD, chưa bằng 1/5 so với mức cao nhất họ từng đạt được là 47 tỷ USD. Một số kỳ lân đã IPO cũng khiến nhà đầu tư thất vọng như Uber hay Xiaomi.

Một chuyên gia chia sẻ: "Các startup sống sót qua mùa đông năm nay sẽ là những người có thể tồn tại lâu hơn đối thủ nhờ có đủ tiền mặt. Họ cần chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất là không thể huy động vốn trong hai năm tới".

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM