Grab, KPMG, Amanotes nói về WfH: Sau giãn cách xã hội, WfH có còn là trạng thái "bình thường mới"? Chính sách nhân sự nên thay đổi ra sao sau Covid-19?

05/06/2020 08:00 AM | Kinh doanh

Tiết kiệm thời gian di chuyển, tiết kiệm không gian vật lý, startup Việt vừa đạt 1 tỷ lượt download – Amanotes – cho biết sẽ dịch chuyển phương thức làm việc từ truyền thống (đến văn phòng) sang làm việc tại nhà.

Với hình thức làm việc mới này, đại diện từ KPMG Việt Nam cảnh báo việc khó cân đối tình trạng Work – Life balance (cân bằng cuộc sống – công việc), khi những email ngoài giờ "bay" tới tấp và rồi mọi người lại tiếp tục vùi đầu vào công việc thay vì chăm sóc bản thân hay gia đình...

Hơn 1 tháng sau giãn cách xã hội, tình trạng WfH (Work from Home – Làm việc tại nhà) vẫn hiện diện ở nhiều công ty công nghệ.

Tiết kiệm thời gian di chuyển, tiết kiệm không gian vật lý, ông Cường Nguyễn, Đồng sáng lập và Giám đốc Sản phẩm Amanotes cho biết startup này sẽ dịch chuyển phương thức làm việc từ truyền thống (đến văn phòng) sang WfH.

"Thời gian vừa rồi là cơ hội rất tốt để luyện tập và doanh nghiệp hiểu được cái cốt lõi của WfH để chuẩn bị tốt hơn trong tương lai", ông Cường Nguyễn chia sẻ tại buổi trao đổi trực tuyến với chủ đề "Thích nghi với trạng thái "bình thường mới"" do Grab Ventures Ignite tổ chức mới đây. Chương trình diễn ra với sự điều phối của ông Cris D. Tran, Giám đốc vùng và Giám đốc Điều hành Infinity Blockchain Ventures (IBV).

Làm việc tại nhà – trạng thái "bình thường mới" của các startup công nghệ?

3 năm trước, KPMG quyết định đầu tư công nghệ hỗ trợ làm việc ảo (work virtually). Quyết định đó mang tính ngẫu nhiên hoặc may mắn, ông Tâm Trần - Giám đốc Khối Thị trường Việt Nam & Campuchia của KPMG Việt Nam – chia sẻ. Một đêm tháng 2, khi Việt Nam công bố dịch Covid-19, KPMG lập tức thông báo toàn thể nhân viên không được phép đến văn phòng.

Nhờ nền tảng công nghệ đã chuẩn bị từ trước đó, một tổ chức tài chính như KPMG không bỡ ngỡ quá nhiều khi buộc làm việc trực tuyến trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.

Là một công ty công nghệ, Grab Việt Nam cho biết tình trạng WfH không ảnh hưởng đến công việc, khi văn hóa của decacorn (kỳ lân nhiều sừng) này phụ thuộc vào niềm tin và phương thức hoạt động cũng mang tính Task-oriented - tập trung hoàn thành công việc.

Grab, KPMG, Amanotes nói về WfH: Sau giãn cách xã hội, WfH có còn là trạng thái bình thường mới? Chính sách nhân sự nên thay đổi ra sao sau Covid-19? - Ảnh 1.

Từ trạng thái ứng phó trong giãn cách xã hội thời Covid-19, WfH có khả năng trở thành xu hướng làm việc tại các công ty công nghệ?

Cuối tháng 5/2020, CEO Facebook Mark Zuckerberg dự định cho 50% nhân viên công ty làm việc từ xa trong 5 – 10 năm tới. Một công ty công nghệ khác là Spotify cũng để nhân viên làm việc ở nhà đến hết năm.

"Có thể trong tương lai, Grab sẽ có ngày càng nhiều bộ phận có thể WfH nhiều hơn, trừ các bộ phận phải tiếp đối tác cũng như khách hàng. Tôi nghĩ đó là tương lai rất có thể được thực hiện ở các công ty công nghệ, và sẽ khó khăn hơn cho các công ty mang tính truyền thống", ông Vũ Tống - Giám đốc Kế hoạch và Chiến lược Grab Việt Nam – cho biết.

Nói về xu thế WfH, ông Tâm Trần cho biết mới đây, CEO Home Credit đã đặt vấn đề muốn chuyển mô hình làm việc từ truyền thống sang Agile Working – làm việc linh động.

"Cách đây 1 - 2 năm, những câu hỏi như vậy rất ít xảy ra. Từ khi giãn cách xã hội, vấn đề này được nhiều doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn rất quan tâm. WfH chắc chắn là một xu hướng và một tiêu chuẩn mới mà mọi người phải làm quen", ông Tâm Trần nhận định và cho biết KPMG cho phép nhân viên tùy ý làm việc ở nhà hay lên văn phòng từ giờ đến tháng 9/2020.

Những thiếu sót khi WfH – kẻ "lầm tưởng" về kỳ nghỉ ngắn ngày, người liên tục vùi đầu vào công việc

Grab, KPMG, Amanotes nói về WfH: Sau giãn cách xã hội, WfH có còn là trạng thái bình thường mới? Chính sách nhân sự nên thay đổi ra sao sau Covid-19? - Ảnh 2.

Một trong những vấn đề khi làm việc ở nhà (WfH) là vấn đề ứng xử của nhân viên.

Ông Tâm Trần cho biết trong giai đoạn ban đầu khi WfH, một số bạn dường như có cảm giác đây là một kỳ nghỉ. Ví như một số bạn không trả lời email sau 3 giờ chiều. Có bận, ông Tâm làm một bài test nhỏ, đưa thông báo lúc 5 giờ chiều về một cuộc họp lúc 9h sáng hôm sau. Kết quả: Đúng 9 giờ sáng, vài nhân viên không xuất hiện trong cuộc họp online đó.

"Đại dịch lần đầu diễn ra, ai cũng cần thời gian làm quen với sự thay đổi. Với việc WfH, bên cạnh vấn đề công nghệ, công cụ, chúng ta cũng cần hướng dẫn nhân viên trong câu chuyện này", ông Tâm cho biết.

Một yếu tố khác cần lưu ý khi áp dụng chính sách WfH là vấn đề sức khỏe tinh thần (mental health) của nhân viên. Ông Tâm cho biết qua quan sát, cảm giác một số nhân viên công ty khi làm việc ở nhà tâm lý không ổn định.

"Họ cảm thấy dành quá nhiều thời gian trên máy tính. Với một số bạn, thời gian làm việc trong ngày còn dài hơn khi lên văn phòng, bởi tính quá flexible (linh hoạt). Lúc này, không còn câu chuyện Work – Life balance (cân bằng cuộc sống) - có thể tập trung cho gia đình khi kết thúc giờ làm việc, mà là câu chuyện Work - Life integration (Gắn kết công việc – cuộc sống)".

"Một email có thể bay đến điện thoại bất kỳ lúc nào và các bạn cứ thế tiếp tục vùi đầu vào công việc. Đó là thay đổi mà trong quá trình ứng dụng WfH, doanh nghiệp không chỉ nên quan tâm tới việc kinh doanh, vận hành, mà cần phải hiểu được cả tâm lý nhân viên của mình. Câu chuyện "bình thường mới", WfH không chỉ đơn giản là môi trường làm việc vật lý, mà còn cần quan tâm tới cả yếu tố tâm lý, con người", ông Tâm khuyến nghị.

Grab Ventures Ignite (GVI) là chương trình tăng tốc khởi nghiệp dành cho các startup giai đoạn đầu (early stage) tại Việt Nam. Chương trình là một phần trong lộ trình thực hiện sứ mệnh Grab Vì Cộng Đồng tại Việt Nam với mục tiêu chung nhằm mang đến những lợi ích kinh tế và xã hội lớn hơn cho Việt Nam thông qua ứng dụng công nghệ.

Để biết thêm thông tin về Grab Ventures Ignite, vui lòng truy cập​ https://grb.to/GVI.

Ánh Dương

Từ khóa:  kinh doanh
Cùng chuyên mục
XEM