Hàng tươi sống, hàng đông lạnh… “chiếm sóng" giỏ hàng trực tuyến của người dùng trước làn sóng Covid-19

17/08/2020 14:30 PM | Công nghệ

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam số hoá rõ rệt. Những người chưa mua online thì trong dịch đã thử mua, còn nhóm đã từng mua qua mạng thì sẵn sàng mua những món hàng trước đó họ chưa mua bao giờ.

Mua sắm nhu yếu phẩm trực tuyến: có khả năng trở thành thói quen của đa số người tiêu dùng

Khảo sát của Kantar về Covid-19 vào cuối tháng 6 cho thấy, 62% người tiêu dùng Việt Nam khẳng định họ đã gia tăng đáng kể số lần giao dịch trực tuyến. Trong khi nhìn rộng ra toàn Đông Nam Á, khảo sát của Bain & Facebook cho thấy 42% người tiêu dùng đã mua sắm thực phẩm trực tuyến trong 2 tuần trước đó, khoảng 83% trong số đó khẳng định họ có thể tiếp tục mua sắm thực phẩm trực tuyến nhiều hơn ngay cả khi các quy định về giãn cách xã hội được tháo dỡ. Nhu yếu phẩm, bao gồm thực phẩm tươi sống và thực phẩm đóng hộp là những mặt hàng được chi tiêu nhiều nhất.

Có thể nói, bối cảnh đại dịch là một "cú đạp ga" cho chuyển đổi số, tạo nên hàng loạt cơ hội mới cho các dịch vụ trực tuyến. Ngày nay, người dân đến chợ, vào siêu thị phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt. Mới đây, người dân Đà Nẵng còn nhận phiếu để đến chợ, ba ngày đến chợ một lần. Trước bối cảnh, bức tranh mua sắm nhu yếu phẩm năm 2020 đã được vẽ lại một cách mới mẻ hơn, với sự bắt nhịp nhanh chóng của các nền tảng trực tuyến như Tiki, Lazada, hay các dịch vụ "đi siêu thị hộ" của GrabMart, Be đi chợ, NowFresh...

Hàng tươi sống, hàng đông lạnh… “chiếm sóng giỏ hàng trực tuyến của người dùng trước làn sóng Covid-19 - Ảnh 1.

Dịch Covid-19 có thể sẽ thay đổi vĩnh viễn thói quen mua sắm thực phẩm của người Việt Nam

Bán lẻ thực phẩm số hoá, nhanh chóng sôi động trong nửa đầu 2020

Theo ghi nhận thực tế, có đến ba hướng đi nổi bật cho hoạt động bán lẻ thực phẩm tươi sống thông qua ứng dụng di động. Hướng đi đầu tiên, rất quen thuộc chính là mua sắm thông qua hotline của những siêu thị bán lẻ truyền thống.

Hướng đi thứ hai gọi tên TikiNGON, Lazada Bách hóa - các doanh nghiệp thương mại điện tử nhanh chân bổ sung cửa hàng, thực phẩm tươi sống vào ngành hàng bách hóa sẵn có. Trước đây, người tiêu dùng thường chỉ mua đồ khô, đóng gói, sữa… qua Tiki, Lazada thì giờ giỏ hàng của họ còn có thể chứa cả cá lóc, thịt ba chỉ, khổ qua, hành lá.

Hướng đi thứ ba, hiện đang sôi động nhất với sự góp mặt những siêu ứng dụng, chính là dịch vụ đi siêu thị hộ. GrabMart, Now Fresh, Be đi chợ… là những cái tên điển hình, các dịch vụ đi siêu thị hộ, đi chợ hộ này được tích hợp vào hệ sinh thái sẵn có, mang đến nhiều tiện ích hơn cho người dùng chỉ với smartphone. Bên cạnh các ứng dụng gọi xe, MoMo, VinID - các ví điện tử cũng bắt tay xây dựng dịch vụ đi chợ hộ trong đại dịch.

Hàng tươi sống, hàng đông lạnh… “chiếm sóng giỏ hàng trực tuyến của người dùng trước làn sóng Covid-19 - Ảnh 2.

Thị trường nhu yếu phẩm trực tuyến sôi động với sự góp mặt của hàng loạt nền tảng

Trong ba "trường phái" số hoá dịch vụ bán lẻ nhu yếu phẩm trực tuyến, hướng đi thứ nhất không mấy mới mẻ, điểm hạn chế nằm ở hạ tầng kết nối (website, hotline) chưa tối ưu hoàn toàn cho giao dịch, không có sẵn danh sách sản phẩm, không thể theo dõi tiến độ thực hiện đơn hàng. Hướng đi của các sàn thương mại điện tử có phần tối ưu hơn, có app di động, thông tin cụ thể của từng mặt hàng, tìm hiểu trạng thái đặt hàng… nhưng vẫn còn hiện hữu một khuyết điểm chính là hạn chế về thời gian giao hàng, do mỗi nhân viên giao hàng phục vụ cùng lúc hàng chục đơn. Tiki có thể là đơn vị "mạnh tay" nhất khi áp dụng chế độ TikiNOW cho nhóm hàng thực phẩm, nhưng thời gian giao hàng cũng dao động từ 3-24h tùy theo chủng loại.

Hướng đi thứ ba có ưu điểm về tốc độ nhờ việc tận dụng đội ngũ tài xế chở khách, giao hàng và giao đồ ăn công nghệ, biến họ thành những người mua sắm chuyên nghiệp của các dịch vụ đặt xe trực tuyến. Nhờ đội ngũ tài xế đông đảo, các yêu cầu mua hàng được thực hiện gần như lập tức, rút ngắn tối đa thời gian chờ đợi của người dùng. Đơn cử, các đơn hàng GrabMart được cam kết giao nhanh trong 1 giờ, dịch vụ này mới đây còn tiên phong áp dụng chính sách cho phép đổi hàng miễn phí nếu "không tươi". Bà nội trợ có thể ngồi nhà, lướt điện thoại để chọn thực phẩm, đợi giao hàng, thanh toán qua ví điện tử và nhận hàng an toàn, đảm bảo chất lượng.

Hàng tươi sống, hàng đông lạnh… “chiếm sóng giỏ hàng trực tuyến của người dùng trước làn sóng Covid-19 - Ảnh 3.

Các tính năng của dịch vụ đi siêu thị hộ đang được liên tục cải tiến, tối ưu hoá để tăng khả năng cạnh tranh

Khi cuộc đua giảm tốc, các doanh nghiệp sẽ cần chú ý đến tính bền vững

Đón đầu xu hướng tiêu dùng, các dịch vụ mua sắm nhu yếu phẩm trực tuyến đều ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc. Trong đợt sale diễn ra vào trung tuần tháng 6, gian hàng Sagrifood - chuyên thực phẩm tươi sống trên Lazada có số đơn hàng tăng gấp 40 lần so với ngày thường. Mới đây, ghi nhận của Grab cho thấy GrabMart luôn duy trì tốc độ tăng trưởng theo tuần ổn định ở mức hai con số. Lượng đơn hàng bình quân hằng ngày tháng 7 tăng trưởng 10 lần so với tháng 4. Trong đó những ngành hàng bán chạy nhất cũng chính là những món hàng thường xuyên có mặt trong giỏ xách của những bà nội trợ Việt, gồm hàng tươi sống (rau củ quả, thịt cá tươi); món ăn vặt; sữa; nước giải khát; hàng đông lạnh….

Cuộc đua của lĩnh vực đi chợ hộ cũng đang cực kỳ nóng bỏng, bởi các "tay chơi" được trợ lực bởi các đối tác kinh doanh tên tuổi. Đơn cử, VinID được hậu thuẫn bởi Masan sở hữu VinMart, VinMart+ - chuỗi siêu thị lớn nhất Việt Nam với gần 3.000 điểm bán. GrabMart chọn bắt tay với các siêu thị BigC, Saigon Coop, Aeon, Lotte Mart… hay cả những cửa hàng làm đẹp như Guardian để đa dạng lựa chọn cho khách hàng, mang đến trải nghiệm "ở nhà đi chợ cũng nhanh như tự đi". Các "ông lớn" đã nhập cuộc cũng kéo hàng loạt siêu thị tiện lợi, cửa hàng vừa và nhỏ khác.

Tại thời điểm còn nhiều lo lắng về dịch bệnh như hiện tại, vẫn còn quá sớm để có thể nhận định trong ba trường phái số hoá dịch vụ mua sắm nhu yếu phẩm trực tuyến trên, đâu sẽ là hướng đi có khả năng phái triển bền vững, lâu dài. Trước nhiều khả năng thói quen tiêu dùng của người Việt Nam sẽ số hoá vĩnh viễn, mua sắm nhu yếu phẩm trực tuyến chắc chắn sẽ trở thành một mảnh ghép không thể thiếu trong xã hội bình thường mới hậu Covid-19. Và khi cuộc đua giảm tốc, các doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục tạo ra những lợi thế kinh doanh mới cho dịch vụ để tiếp tục giữ chân người tiêu dùng.

PV

Từ khóa:  công nghệ
Cùng chuyên mục
XEM