Hành trình khởi nghiệp chông gai của Founder BiTour: Sau 5 năm mới tìm ra được ‘long mạch’, hàng ngày phải ‘chiến đấu’ với sự tiện lợi để có mô hình du lịch bền vững đích thực

15/07/2020 07:07 AM | Kinh doanh

"Nhiều người cho rằng, tôi khá ‘cứng đầu cứng cổ’ khi đeo đuổi mô hình kinh doanh chưa mang lại hiệu quả như mong muốn trong 5 năm, nhưng tôi không hối hận vì mình đã cố chấp như thế. Chính những chuỗi ngày u ám đó đã tạo nên Nguyễn Ngọc Thư cùng BiTour như hôm nay", Founder BiTour bày tỏ.

Hằng ngày, chúng ta thường được nghe rất nhiều gương thành công của các startup khắp Việt Nam trên các mặt báo. Nhiều bạn trẻ đọc nhiều đến mức lầm tưởng, chỉ cần ai đó đứng ra startup sẽ thành công.

Nếu nhìn rộng vấn đề, không phải giới truyền thông chỉ thích đưa tin một chiều mà đơn giản họ phải xuất bản thứ mà người đọc muốn, cũng như góp phần khuyến khích phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam. Bởi, nếu đưa quá nhiều thông tin về thất bại, thì ai dám khởi nghiệp! Thực trạng khởi nghiệp hiện tại ở Việt Nam là: tỷ lệ thất bại vô cùng cao và chỉ vài phần trăm trong đó thành công, thoát xác trở thành một doanh nghiệp đích thật; tức ngoài tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội còn phát triển bền vững.

Và nếu soi vào những startup vẫn sống sót tốt qua mùa đại dịch hoặc có chút danh tiếng trên thị trường, thì trước khi đạt một vài thành tựu nào đó, họ cũng đã suýt chết nhiều lần. Chắc chắn, nếu không có sự kiên gan đến mức lì lợm của người founder, tất cả các startup đều đã ‘chết non’, ví dụ như BiTour.

Nỗi cô đơn của người founder trong 5 năm chưa tìm ra con đường đúng


Năm 2011, trong lúc đang tìm tài liệu ở thư viện tổng hợp để hoàn tất luận văn thạc sỹ Xã Hội Học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, Nguyễn Ngọc Thư – Founder BiTour vô tình phát hiện cuốn sách ảnh "Mê Kông ký sự" do Đài truyền hình TP. HCM, hãng phim TFS thực hiện. Khi lần giở từng trang ảnh, dòng sông cùng khung cảnh tuyệt vời hiện ra và ý tưởng mở công ty du lịch được hình thành.

Bắt tay ngay vào việc lập kế hoạch và may mắn tìm được một người anh lớn đầu tư cùng mình. Sau 1 năm làm du lịch truyền thống Nguyễn Ngọc Thư nhận thấy: có rất nhiều người muốn đi du lịch nhưng vì chỉ có một mình nên họ khá là ngại ngùng hoặc nhiều người khách đi một mình, họ cảm thấy rất lạc lõng giữa đám đông người đi cùng gia đình hoặc nhóm bạn.

Anh bạn đồng hành ủng hộ con đường mới nhưng không thể đổi hướng doanh nghiệp hiện tại, vì thế mà sau rất nhiều tháng ngày chuẩn bị, năm 2012, Nguyễn Ngọc Thư chính thức thành lập doanh nghiệp có tên là BiTour – đơn giản vì Bi là tên ở nhà của Thư. BiTour ra đời với mục tiêu duy nhất, xây dựng và phát triển những tour hẹn hò dành riêng cho người độc thân. Tháng 8/2012, BiTour triển khai tour độc thân đầu tiên của mình.

Hành trình khởi nghiệp chông gai của Founder BiTour: Sau 5 năm mới tìm ra được ‘long mạch’, hàng ngày phải ‘chiến đấu’ với sự tiện lợi để có mô hình du lịch bền vững đích thực - Ảnh 1.

"Hẹn thử - yêu thật, dám không?", chương trình BiTour đồng tổ chức cùng Jetstar Pacific năm 2016.

Những tưởng, vừa là người tiên phong vừa có sản phẩm độc đáo, lại đáp ứng được nhu cầu kết bạn – tìm hiểu của nhiều bạn trẻ thành thị càng ngày càng cô đơn và khó giao tiếp do tác động của lối sống vội vã – hiện đại hẳn BiTour sẽ nhanh chóng thành công; nhưng thực tế lại diễn ra ngược lại. BiTour có sự ủng hộ của truyền thông và các nhãn hàng lớn như Jetstar Pacific – với chương trình "Hẹn thử - yêu thật, dám không?" được viral khá tốt trên mạng xã hội; nhưng họ lại không thể thuyết phục khách hàng nam, trong khi khách nữ lại luôn trong tình trạng "full".

"Bây giờ hồi tưởng lại, tôi cũng không biết vì sao mình có thể vượt qua 5 năm đầu khởi nghiệp. Do không có nhiều khách hàng dẫn đến không đủ doanh thu và trả lương duy trì đội ngũ nên có rất nhiều lần tôi phải ngậm ngùi chia tay nhân viên trong nước mắt.

Có những thời điểm một mình tôi làm rất nhiều việc, vừa tự làm website, vừa viết bài, vừa tư vấn bán hàng, vừa làm thủ quỹ, thu tiền khách và kiêm luôn cả điều hành tour. Thậm chí, tôi đã phải vay mượn để tiếp tục duy trì hoạt động của doanh nghiệp, với niềm tin chắc chắc mình sẽ thành công.

Tôi thử rất nhiều cách thức khác nhau nhưng tỷ lệ nam tham gia các tour vẫn cực kỳ thấp so với nữ. Uất ức nhất là, rõ ràng tôi thấy thị trường có nhu cầu, nhưng không hiểu tại sao mình lại không thu hút được khách hàng nam dù đã thử đủ mọi cách sale-marketing", chị Nguyễn Ngọc Thư chia sẻ.

Tuy nhiên, bây giờ bình tâm ngồi suy xét lại, chị Thư cho rằng, mô hình du lịch độc thân để tìm kiếm tình yêu của BiTour thất bại do không hiểu tâm lý của những người độc thân ở Việt Nam. Bất kỳ ai khi nghe đến tour dành cho người độc thân đều ồ lên thích thú bởi sự độc lạ của nó. Thế nhưng nếu để quyết định tham gia, họ lại vô cùng e ngại, nhất là nam giới.

Tâm lý của nam giới vẫn luôn thích chủ động và tự tìm kiếm người thương một cách "kín đáo". Họ cũng mong muốn biết trước về đối tượng, những người đi cùng mình. Trong khi nếu tham gia tour của BiTour, khách nam buộc phải giao tiếp với người khác giới dù mới gặp chưa lâu, đồng nghĩa với việc bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân một cách không tự nhiên. Đồng ý là có không ít người Việt tham gia du lịch là để giao lưu – tìm kiếm người yêu hoặc bạn đời, nhưng âm thầm biết với nhau không sao, nói ra sẽ khiến nhiều người ngại ngùng.

Hành trình khởi nghiệp chông gai của Founder BiTour: Sau 5 năm mới tìm ra được ‘long mạch’, hàng ngày phải ‘chiến đấu’ với sự tiện lợi để có mô hình du lịch bền vững đích thực - Ảnh 2.

Tour trekking ‘kinh điển’ như Tà Năng – Phan Dũng chỉn chu chính là thứ đầu tiền làm nên uy tín của BiTour.

Năm 2017, Nguyễn Ngọc Thư có một chuyến trekking ở rừng, như cách để giải tỏa áp lực của bản thân cũng như có thêm nguồn năng lượng để tìm ra hướng đi đúng. Sau khi đi về, rất nhiều người hỏi là bên Thư có tổ chức những tour như vậy không. Thêm nữa, nhận thấy phong trào ‘phượt’ đang lên cao khắp các diễn đàn du lịch, trong khi rất ít công ty du lịch khai thác mảng du lịch này. Thế là, BiTour quyết định chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Không như lần trước, lần bắt đầu mới này của BiTour diễn ra khá nhẹ nhàng, đơn giản vì bản thân những tour độc thân – kết bạn trước đây của doanh nghiệp này đã diễn ra ở những địa điểm khá hoang sơ – thiếu vắng tiện nghi, nên việc vận hành các tour trekking theo tiêu chuẩn riêng không phải là điều quá khó khăn với đội ngũ của BiTour.

Sau 4 năm thăm dò cũng như dấn thân vào mô hình kinh doanh mới, hiện BiTour đã có được một diện mạo khá khang trang, với nhân sự chủ lực khoảng 30 người, là đối tác của hầu hết các vườn quốc gia, có 8 điểm đến với 3 hạng mục Du lịch Mạo hiểm – Sức khỏe – Khám phá cùng 10 tour diễn ra mỗi cuối tuần.

Sau khi xây dựng được uy tín ở những tour trekking ‘kinh điển’ như Tà Năng – Phan Dũng, Bidoup…; hiện BiTour đã mở rộng sang các loại hình liên quan ít có tính thử thách hơn như tour tắm suối Bù Gia Mập, tour Cực đông ở vịnh Vân Phong, đạp xe ở Mã Đà Trị An hay tour Tắm Rừng. Định hướng của BiTour là không làm các tour quá mạo hiểm hay quá khó mà hướng tới các chuyến đi trải nghiệm đến những nơi hoang sơ theo triết lý thuận theo tự nhiên.

Ngoài ra, BiTour còn có ý định lấn sân sang mảng bất động sản du lịch. Hiện họ đang tiến hành xây dựng hệ thống Bi’s Home, nôm na là những resort nhỏ xinh ở những nơi có thiên nhiên trong lành và gần thành phố như hồ Mã Đà – Trị An, hồ Dầu Tiếng…để du khách có thể trở về nghỉ ngơi mỗi cuối tuần.

"Sau 5 năm, cuối cùng tôi cũng thấy được ‘ánh sáng cuối đường hầm’, lần chuyển đổi mô hình này quả thật rất thành công", chị Nguyễn Ngọc Thư tự hào chia sẻ.

Hành trình khởi nghiệp chông gai của Founder BiTour: Sau 5 năm mới tìm ra được ‘long mạch’, hàng ngày phải ‘chiến đấu’ với sự tiện lợi để có mô hình du lịch bền vững đích thực - Ảnh 3.

Hiện BiTour đang phát triển thêm những tour dưới biển nhẹ nhàng phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng hơn.

"Chiến đấu" với sự tiện lợi hàng ngày để xây dựng mô hình du lịch bền vững đích thực


Năm 2017, dù đã dò trúng ‘long mạch’, nhưng điều đó không có nghĩa là Thư và BiTour nhảy vào lĩnh vực du lịch trải nghiệm - trekking một phát là "ăn ngay". Là một người trẻ làm kinh doanh, ngoài doanh thu và lợi nhuận, Thư cũng rất quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường và đóng góp cho cộng đồng địa phương, nhằm tạo dựng cho doanh nghiệp mô hình du lịch bền vững đích thực.

"Cho dù khách mình cũng rất ý thức trong việc giữ vệ sinh chung cũng như khu hậu cần đều dọn dẹp sau mỗi chuyến đi nhưng việc xử lý vẫn vô cùng vất vả. Chúng tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều và quyết định chọn giải pháp không mang rác vào rừng thì không phải dọn, chọn ăn uống những thức ăn tự nhiên, không dùng đồ hộp thì cũng không cần xử lý.

Đến lúc thực hiện cũng không phải dễ và chúng tôi đã mất hơn 2 năm mới hoàn chỉnh tương đối các dịch vụ ở Tà Năng - Phan Dũng để hạn chế tối đa plastic vào rừng. Chúng tôi thử nghiệm dùng các bình nước cá nhân, rồi sau đó là khuyến khích khách mang theo để giúp các bạn tạo thói quen.

Chúng tôi thiết kế các chặng để tiếp nước cho khách. Chúng tôi thay các món cơm hộp khô cứng bằng cơm nắm muối mè để trong lá chuối vô cùng dễ thương do mẹ Viên thực hiện. Chúng tôi thay món mỳ gói yêu thích trên khu trại bằng các món ăn dân dã tự nhiên, chúng tôi thay các loại nước đóng chai bằng ly nước chanh chào mừng khi các bạn khách đến. Chúng tôi cùng với anh Bé đội hậu cần địa phương tính toán cách đóng gói để sao cho không dùng bịch ni lông. Chúng tôi gom hết rác còn lại nếu có ra khỏi rừng vì không muốn đốt làm ô nhiễm.

Hành trình khởi nghiệp chông gai của Founder BiTour: Sau 5 năm mới tìm ra được ‘long mạch’, hàng ngày phải ‘chiến đấu’ với sự tiện lợi để có mô hình du lịch bền vững đích thực - Ảnh 4.

Một trong những nỗ lực không mang rác vào rừng của BiTour - chỉ dùng những thứ có thể phân hủy và tái sử dụng nhiều lần.

Chúng tôi đã quyết định chọn cách biết ơn thiên nhiên đã bảo vệ cho từng bước chân của khách mình bằng cách quyết liệt trong việc bảo vệ môi trường và áp dụng các tiêu chuẩn của BiTour vào cải thiện từng chuyến đi. Chúng tôi vẫn tiếp tục thử nghiệm, cải tiến và áp dụng vào mọi chuyến đi, mọi nơi chúng tôi đến. Bitour vẫn lắng nghe nếu bạn có góp ý thêm.

Giờ thì Chúng tôi có Bitour Cares - Là nơi thực hiện những cam kết về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã bằng du lịch xanh bền vững, kết hợp cộng đồng địa phương và tham gia vào các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. Với mỗi khách hàng đi cùng Bi, chúng tôi sẽ trích 10.000 đồng vào quỹ Bitour Cares cho toàn bộ các hoạt động này", Nguyễn Ngọc Thư tiết lộ về quá trình xây dựng những tour du lịch bền vững của BiTour, cũng như lý do ra đời Bitour Cares.

Mặt khác, trong khả năng có thể, BiTour luôn cố gắng mang tới công ăn việc làm nhiều nhất cho cộng đồng dân bản địa. Ví dụ: trong tour trekking Tà Năng – Phan Dũng, ngoài 2 tour guide của bản thân, BiTour còn có thêm tour guide người địa phương. Còn những công việc hậu cần như ăn uống, di chuyển trong tour luôn được người dân địa phương đảm nhiệm.

Có thể nói, tìm kiếm những người dân địa phương đáp ứng đủ tiêu chuẩn phục vụ mà BiTour đề ra như phải đúng giờ, nấu ăn ngon, nhiệt tình với khách…không đơn giản, nhưng sau thời gian tìm kiếm họ cũng đã tìm được.

Hành trình khởi nghiệp chông gai của Founder BiTour: Sau 5 năm mới tìm ra được ‘long mạch’, hàng ngày phải ‘chiến đấu’ với sự tiện lợi để có mô hình du lịch bền vững đích thực - Ảnh 5.

Team BiTour trong một chuyến đi về rừng.

"Để tạo dựng một doanh nghiệp có nhiều yếu tố và mỗi người đều có một cách riêng. Đối với tôi có lẽ bài học lớn nhất mình học được đó là thành công không phải là thành quả của một cá nhân, nó là nỗ lực của cả một tập thể.

Thông thường những người khởi nghiệp với tinh thần mạnh mẽ và một ý tưởng tuyệt vời luôn tin rằng mình có thể thay đổi cả thế giới từ những điều nhỏ bé. Giống như trong những bộ phim người ta luôn nói về những khuôn mẫu anh hùng mà nhiều người ao ước trở thành.

Người đứng đầu là người có thể làm hết mọi thứ và là người không-thể-thay-thế. Tôi đã từng như vậy trong suốt hơn 7 năm trời cho đến một ngày tự đối diện với bản thân, nhìn vào những yếu kém của mình và thừa nhận: mình sẽ chẳng thể đi đến đâu nếu giữ những ý nghĩ hạn hẹp như thế.

Giống như người mẹ khi sinh ra đứa con cần biết thời điểm nào nên đứng qua một bên để con mình học cách tự trưởng thành. Lý thuyết thì ai cũng hiểu nhưng khi làm mẹ, khi có đứa con của mình thì lại khó thực hiện biết bao nhiêu bởi cảm xúc là thứ mà người ta khó điều khiển nhất.

Một doanh nghiệp, một tổ chức chưa nói đến thành công mà chỉ nói đến sự tồn tại thì cần kết hợp giữa linh hồn và giá trị cốt lõi của người sáng lập, ý chí và sự khôn ngoan của những người điều hành, sự đam mê và đồng lòng của tất cả mọi người trong tổ chức.

Thật may mắn vì hiện tại tôi đã có trong team những con người tuyệt vời. Đam mê, nhiệt huyết và cùng chung những giá trị cốt lõi là BiTour đang hướng tới. Thành công không ở đâu xa, thành công nằm trong thành quả mỗi ngày mà chúng ta đang cùng nhau tạo dựng", chị Nguyễn Ngọc Thư kết luận.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM