Hướng dẫn viên, sự thích nghi “bình thường mới” và nỗi băn khoăn: “Du lịch trở lại, có tính quay lại làm HDV nữa không?”

21/12/2020 07:14 AM | Sống

Qua ba đợt dịch Covid-19, đa phần hướng dẫn viên đều phải đi tìm một nghề nghiệp mới để mưu sinh trước khi quay trở lại nghiệp “cầm cờ”.

Vì Covid-19, tình hình du lịch tại Thái Lan thay đổi rõ rệt. Vắng khách, thu nhập không có, Đỗ Hữu Bảng, sinh năm 1989, là hướng dẫn viên cho một công ty du lịch tại Thái Lan phải trở về Việt Nam loay hoay đủ nghề để tồn tại. Vì có con nhỏ, cả hai vợ chồng bán sữa cho một trường học để kiếm thêm. 

Sau đó, Bảng làm đầu bếp chính cho quán TukTuk Bangkok mang đậm chất ẩm thực Thái. Sẵn có vốn hiểu biết văn hóa và ẩm thực nước bạn, hai hướng dẫn viên Tân và Bảng chạy vay vốn và hùng hạp tiền tiết kiệm để mở quán như một cứu cánh mưu sinh và cũng là khởi nghiệp mùa dịch. Tiền bán cũng vừa đủ trả tiền mặt bằng, nhưng cả hai rất vui và gọi đó là “trong cái khó ló cái khôn”. 

.
Hướng dẫn viên, sự thích nghi “bình thường mới” và nỗi băn khoăn: “Du lịch trở lại, có tính quay lại làm HDV nữa không?” - Ảnh 1.

Hướng dẫn viên Đỗ Hữu Bảng làm đầu bếp chính cho quán TukTuk Bangkok trên đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: NVCC.

Với vốn tiếng Anh từ quá trình học tập và làm hướng dẫn viên cho khách nước ngoài vào Việt Nam trong 4 năm, Trần Mạnh Thế, đã nhanh chóng tìm cho mình một công việc bán thời gian.

Trợ giảng tiếng Anh là một công việc vừa sức tuy mức lương không cao nhưng Thế chấp nhận vì để có tiền trang trải cuộc sống trong khi chưa thể quay lại với nghề. Anh xem đây là một bước đệm để trở thành giáo viên tiếng Anh chính thức. Thế cho biết bản thân vẫn đủ sống vì có khoản tiết kiệm từ công việc hướng dẫn viên du lịch.

Hướng dẫn viên, sự thích nghi “bình thường mới” và nỗi băn khoăn: “Du lịch trở lại, có tính quay lại làm HDV nữa không?” - Ảnh 2.

Trần Mạnh Thế trong một lần đón khách tàu biển trước mùa dịch. Ảnh: NVCC

Việc đi dạy chủ yếu buổi tối. Đối tượng học là người đi làm và sinh viên. Anh có thể rèn luyện kỹ năng nghe nói tiếng Anh cùng học viên. Điều này đáp ứng được nguyện vọng của anh, trong khi nhiều đồng nghiệp hướng dẫn viên e sợ việc thất nghiệp kéo dài do Covid-19 sẽ khiến họ bị “đơ” trong giao tiếp, không thuần thục như trước đó. Trong giai đoạn này, được giao tiếp với những người nước ngoài còn làm việc ở Việt Nam để trao dồi ngoại ngữ là một điều may mắn, Thế nói.  

“Nếu du lịch quay lại, tôi vẫn đi tour nhưng không nhiều như trước nữa, chủ yếu vào cuối tuần. Vẫn đi vì đam mê chứ không xem nó là một nghề chính. Hướng đi mới là trở thành một giáo viên tiếng Anh”, Thế bộc bạch. 

Với sự giúp đỡ của một người bạn, anh Nguyễn Tấn Tài, sinh năm 1979, bắt đầu chạy ô tô công nghệ từ tháng mùa dịch đầu tiên. Hai người chạy chung một tài khoản chiếc xe bốn chỗ đã đăng ký với số tiền 9 triệu. Để trang trải sinh hoạt phí, cả hai vợ chồng rất tiết kiệm vì thời gian này vợ anh cũng mất việc do Covid-19. Anh vừa chạy xe vừa cố gắng tránh bị cảnh sát giao thông phạt do sai phạm giao thông. 

Một ngày làm việc của anh bắt đầu từ 6-7h sáng và kết thúc tầm 23h. Có khi anh phải hủy những lần đồng nghiệp gọi uống cà phê vì phải ngồi đợi khách hoặc phải chạy xe về bãi hay tìm chỗ đậu an toàn để không bị phạt, sau đó mới tiện ghé quán. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu và có khi giận anh, thậm chí nhiều người cho rằng anh chạy Grabcar trong thời điểm này là vì có tiền mới mua xe. Những lúc ấy, anh im lặng cười trừ vì không biết giải thích thế nào.

Chạy xe được một thời gian, giữa tháng 7, anh ra Phú Quốc làm hướng dẫn cho các đoàn khách từ Sài Gòn hay các nơi khác đổ về. Chủ yếu là tour đi trong ngày và tour 3 hoặc 4 ngày. Không chỉ có mình anh mà còn có nhiều đồng nghiệp khác cũng ra đảo mưu sinh, nên lượng tour của anh không quá dày. Thời gian đầu, anh tạm ở nhà nghỉ tại trung tâm thị trấn Dương Đông, tiền thuê 1 tháng tính ra tầm 3 triệu. Đa phần ai cũng phải đặt cọc trước 50%, nếu tiết kiệm chi phí thì mang theo xe máy, còn không thì thuê xe trên đảo để đi lại với giá 150.000 – 200.000 đồng/ngày. 

Để có tour đi, ngoài việc nhờ đồng nghiệp giới thiệu, bản thân anh và một vài đồng nghiệp phải đi chào các công ty du lịch trên đảo. Tài cho biết, trong thời điểm khó khăn này, có gì làm nấy, nhận được sự giúp đỡ của ai cũng đều quý giá và đáng trân trọng. 

Tuy nhiên, đến cuối tháng, cũng là lúc mùa dịch thứ hai nhen nhóm bùng phát, mọi việc càng trở nên tệ. Phú Quốc bắt đầu ít khách và khá nhiều đoàn bị hủy, khiến Tài và các đồng nghiệp nao núng. Có người muốn ở lại chờ tình hình lắng xuống. Riêng anh quyết định trở về thành phố vì anh không thể bỏ gia đình lúc này. Mùa dịch thứ hai đến bất ngờ, tiền nông cũng sắp cạn, khó khăn chồng chất khó khăn. Anh quay về với việc chạy Grabcar có hôm có khách lèo tèo, có hôm không có ai đặt cước. Anh nghĩ thời buổi này chạy Grabcar có lẽ quá xa xỉ với nhiều người, đa phần họ tự đi xe máy hoặc đặt grabbike.  

Vào nghề khá muộn so với nhiều đồng nghiệp trẻ, có khi anh tự vấn bản thân: “Liệu có phải mình chọn du lịch là một sai lầm”, rồi có khi chính anh cũng không trả lời được câu hỏi của một người nào đó bất chợt: “Du lịch trở lại, có tính quay lại làm hướng dẫn viên nữa không?”...

Thanh Thu

Cùng chuyên mục
XEM