Khó khăn ‘bủa vây’ ngành chip bán dẫn giai đoạn cuối năm

17/09/2022 08:39 AM | Kinh doanh

Nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ đang cảnh báo ngành công nghiệp bán dẫn có khả năng bước vào thời kỳ khó khăn hơn trong những tháng cuối năm 2022.

Các nhà sản xuất chip bán dẫn toàn cầu hiện đang phải đối mặt với không ít khó khăn, khi nhu cầu ngày càng thu hẹp và cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường giữa Mỹ - Trung đang ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực này.

Khó khăn ‘bủa vây’ ngành chip bán dẫn giai đoạn cuối năm - Ảnh 1.

Chip bán dẫn được coi là “xương sống” của ngành công nghệ cao. Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chip bán dẫn đã tăng trưởng bùng nổ trong thời kỳ đại dịch với số lượng đơn hàng kỷ lục, đẩy doanh số bán hàng và giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành lên mức cao mới. Điều này đã dẫn đến cuộc đua giữa các “ông lớn” trên toàn cầu nhằm tranh giành ảnh hưởng cũng như chiếm vị thế về thị phần, nhân lực và hơn hết là nguồn cung trong ngành. Bởi lẽ, chip bán dẫn được coi là “xương sống” của ngành công nghệ cao, nên cơ sở sản xuất chip đặt tại quốc gia nào, toàn bộ hệ sinh thái kinh tế đó sẽ được hỗ trợ rất lớn và gia tăng giá trị.

Thế nhưng gần đây, nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ đang cảnh báo ngành công nghiệp bán dẫn có khả năng bước vào thời kỳ khó khăn hơn trong những tháng cuối năm 2022.

Thực tế, cổ phiếu chất bán dẫn đã giảm mạnh khi nhiều công ty công nghệ nhận định nhu cầu cho mặt hàng này đang hạ nhiệt. Chỉ số chất bán dẫn Philadelphia đã giảm 11% trong 4 tuần qua, kém hơn mức giảm 7% của Nasdaq 100.

Các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu do lo ngại nguy cơ gián đoạn mới trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của ngành bán dẫn. Thị trường suy giảm một phần cũng do ảnh hưởng từ việc chính quyền Mỹ dự kiến sẽ mở rộng danh sách hạn chế xuất khẩu chip cho Trung Quốc, và Fed đã quyết định tăng lãi suất mạnh tay để ngăn chặn lạm phát.

Jason Benowitz, nhà quản lý quỹ cấp cao tại Roosevelt Investment Group ở New York, cho biết: “Có thể chu kỳ bán dẫn đang bắt đầu đảo chiều. Nếu suy thoái lan rộng và sâu hơn trong dài hạn, khả năng ngành công nghệ cũng sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn”.

Mới đây, một CEO cấp cao của Samsung nhận định, triển vọng của ngành sản xuất chip trong giai đoạn cuối năm là “ảm đạm” cũng như không có dấu hiệu phục hồi vào năm tới. Các nhà sản xuất chip đối thủ như SK Hynix Inc. và Micron Technology Inc cũng đưa ra dự báo doanh số suy yếu trong thời gian này.

Bên cạnh thị trường chip lao dốc, các nhà sản xuất như Samsung đều đang “mắc kẹt” trong thương chiến Mỹ - Trung. Sự tranh giành ảnh hưởng giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới đang đẩy các các nhà sản xuất chip vào thế phải cân đo đong đếm lợi ích vào hậu quả khi chọn đứng về phía bên nào.

Các công ty sử dụng chip trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc đang phải đối mặt với khó khăn khi Mỹ lên kế hoạch củng cố chuỗi cung ứng chip trong nước, đồng thời mở rộng lệnh hạn chế cung cấp chip AI cho Trung Quốc. Đầu tháng 8, tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật CHIPS & Science Act trị giá 280 tỷ USD, trong đó có gói 52,7 tỷ USD cho sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn.

Theo luật, các công ty muốn nhận tài trợ của nước này phải cam kết không được mở rộng sản xuất chip ở Trung Quốc trong thời hạn 10 năm. Vì vậy, các công ty trên toàn cầu buộc phải cân nhắc chuyển một số nhà máy của mình về Mỹ hay đầu tư tại Trung Quốc.

Hàng loạt hãng lớn khác như TSMC của Đài Loan hay Intel và Micron của Mỹ có hoạt động sản xuất tại Trung Quốc cũng đang chịu áp lực tương tự. Đầu tháng này, công ty Hàn Quốc SK Hynix cũng được cho là đang đánh giá các khoản đầu tư vào Trung Quốc.

Trong khi đó, Samsung đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy chip tiên tiến trị giá 17 tỷ USD ở Taylor, Texas, dự kiến khởi công cuối năm nay. Kyung Kyehyun, người đứng đầu Bộ phận giải pháp thiết bị của Samsung, nơi giám sát hoạt động bán dẫn của công ty, tin tưởng “nhà máy mới sẽ thu hút các khách hàng mới với quan hệ đối tác chặt chẽ hơn”, đồng thời cho biết thêm “công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào Mỹ”.

Theo giới chuyên gia, áp lực sẽ tiếp tục gia tăng thời gian tới nếu Liên minh chip Fab4 hình thành. Đây là tổ chức tập hợp các đồng minh của Mỹ gồm Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản, ra đời với mục đích phối hợp vấn đề chính sách về nghiên cứu và phát triển, trợ cấp và chuỗi cung ứng bán dẫn trong tương lai

Nhận định về liên minh này, Kyung cho biết ông hy vọng Hàn Quốc sẽ “tìm hiểu Trung Quốc trước tiên, và sau đó đàm phán với Mỹ”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, "Về lâu dài, sẽ khó khăn trong việc đưa thiết bị mới vào các trung tâm thương mại ở Trung Quốc".

Khó khăn có lẽ sẽ tiếp tục chồng chất lên ngành công nghiệp chip bán dẫn trong thời gian tới. Trong bối cảnh như vậy, việc giải quyết những vấn đề không hề mới này sẽ là bài toán đau đầu cho các công ty lớn nói riêng, và các quốc gia nói chung.

Theo Hồng Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM