Thu nhập nửa tỷ của 9X thiết kế thời trang cho doanh nhân có "số đo không hoàn hảo"

25/06/2015 10:13 AM |

Là một dân chuyên Toán thứ thiệt và có thế mạnh ở các môn học tự nhiên, nhưng thiết kế thời trang mới thực sự là đam mê mà 9X Nguyễn Thị Thảo quyết tâm theo đuổi.

Đam mê…là không ai muốn bỏ đi

Sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả và có phần kém may mắn so với bạn bè cùng trang lứa khi bố mẹ chia tay, Thảo đã sớm rèn luyện cho mình tính tự lập từ nhỏ.

Thảo học giỏi Toán và các môn khoa học tự nhiên. Gia đình luôn mong muốn sau này cô sẽ có một công việc tốt và ổn định như làm bác sĩ hay ngân hàng, mà không hề hay biết, năm lớp 4 Thảo đã biết lén lút xé áo cũ và tự tay khâu cho mình một chiếc áo mới.

Kể từ đó, Thảo nuôi ước mơ một ngày được học thiết kế thời trang dù biết là gia đình không đồng ý.

Năm lên lớp 10, Thảo thi đậu vào lớp chuyên Toán của một trường điểm ở quê và vẫn chuyên tâm học tốt khối A để làm yên lòng bố và bà nội. Nhưng cứ đến hè, cô lại xin bố cho đi học vẽ trên thành phố và cứ thế, cô đạp xe 12 cây số ròng rã suốt 3 năm.

Ngày thi đại học, cô giấu cả gia đình để đăng ký và thi đỗ khoa Thiết kế Thời trang trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Vì cô biết “gánh nặng gia đình giờ đây đang nằm cả trên vai khi bố ngày một yếu. Tôi đã quyết tâm phải làm cái gì đó khác biệt hơn là sự ổn định mà gia đình vẫn luôn mong mỏi, có như vậy tôi mới có thể kiếm thật nhiều tiền”, cô chia sẻ.

Những công việc đầu tiên

Ngày đầu nhập học, sáng làm thủ tục nhận lớp, chiều Thảo đi xin việc làm.

Trước khi chuyển sang bán hàng tại một shop thời trang với mức lương 250 nghìn đồng, cô từng làm gia sư với mức thù lao 100.000 đồng/buổi. Cô cho biết "thời gian này thực sự rất khó khăn. Có những tháng không may để mất đồ thì coi như không có lương. Đổi lại, tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm thực tế trong ngành kinh doanh thời trang: từ cách nắm bắt tâm lí, khả năng tài chính của khách hàng cho đến những chất liệu vải như nào thì hợp đối tượng nào, hoàn cảnh nào…”, những thứ mà theo cô, không thể học được ở trong trường.

Sau 3 tháng, cô tiếp tục chuyển đổi công việc và xin vào một shop bán đồ nam với mức lương lúc này đã được tăng lên là 1,5 triệu đồng do đã có kinh nghiệm. Mục đích của cô là muốn nghiên cứu thêm thị trường hàng may mặc dành cho nam giới.

Rất nhanh sau đó, nắm bắt được xu hướng thời trang thị trường, cô bắt đầu vẽ các mẫu thiết kế rồi bán cho các shop thời trang. Dù mới là sinh viên năm nhất, năm hai, Thảo đã có thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Đây có lẽ cũng đã là mức thu nhập mong ước của nhiều sinh viên đã tốt nghiệp.

Thành công… vì không theo số đông

Cứ như vậy, cho đến khi ra trường, Thảo đã có trong tay một số vốn kha khá.

Tuy nhiên, cô chưa vội mở cơ sở kinh doanh riêng mà tiếp tục xin giúp việc cho một số nhà thiết kế nổi tiếng. Nhờ đó, Thảo được tiếp xúc với thời trang cao cấp, được làm việc cùng với những nhân vật nổi tiếng trong giới showbiz.

Nhưng cũng sau khoảng thời gian này, Thảo đã thực sự quyết định được con đường đi phù hợp với bản thân.

Chỉnh sửa cho mẫu khi chụp hình Lookbook

Chỉnh sửa cho mẫu khi chụp hình Lookbook

Cô cũng từng tham gia thi một cuộc thi về Thiết kế thời trang trên truyền hình. Tuy không đạt giải cao nhưng cũng được nhiều người biết đến. Đã có nhiều công ty mời cô về làm với mức lương 30-40 triệu nhưng cô đều từ chối vì “cái nghề này bạc lắm. Nếu mình không tự kinh doanh và tận dụng chất xám của mình thì đến một lúc nào đó, khi không còn khai thác được nữa cũng sẽ bị đào thải thôi”.

Hiện tại,Thảo đã có cho mình một thương hiệu thời trang riêng, một cửa hàng trang phục bán sẵn trên một con phố lớn tại Hà Nội.

Cô cho biết “ Nếu như thị trường tập trung vào các dòng thời trang đại trà, đa số là hàng Trung Quốc, Hàn Quốc giá rẻ. Hoặc các nhà thiết kế tên tuổi tập trung vào đối tượng những người nổi tiếng, dáng đẹp, thì tôi khai thác đối tượng khách hàng riêng, là những doanh nhân có số đo không hoàn hảo. Họ là những người có tiền, luôn muốn mặc đẹp nhưng lại chưa biết cách”.

Với đối tượng khách hàng này, họ không yêu cầu thiết kế quá cầu kì hay phải của những nhà thiết kế nổi tiếng nên giá thành mỗi sản phẩm thường không quá cao, chỉ từ 2 đến 5 triệu. Tuy nhiên, nếu đã ưng í họ rồi thì số lượng sản phẩm, số lượng đơn hàng mới là cái đáng kể”, cô chia sẻ.

Không chỉ tự kinh doanh hàng may sẵn, nhận thiết kế cho các khách hàng đơn lẻ mà Thảo còn nhận cung cấp sản phẩm thương hiệu của mình cho các shop thời trang.

Có những tháng, đơn đặt hàng quá nhiều khiến xưởng may gần chục nhân công của cô kết hợp cùng 2 xưởng gia công khác may ngày, may đêm cũng không xuể, nhất là mặt hàng trang phục mùa đông. “ Tôi cũng không nghĩ có lúc tôi có thể có được thu nhập lên đến 400-500 triệu đồng từ những đơn hàng”, cô vui vẻ bộc bạch.

“Nhưng hoạt động kinh doanh là một vòng chuyển động không ngừng, nhất là nguồn vốn. Tôi không bao giờ cho phép mình ngủ quên và hưởng thụ mà luôn luôn phải đầu tư quay vòng. Bạn biết đấy, thiết kế thời trang không giống như may mặc đơn thuần, nó hoàn toàn phụ thuộc vào tinh thần sáng tạo. Những lúc không thể sáng tạo, tôi chẳng kiếm ra được đồng nào”, cô cười nói.

Ngoài kinh doanh, Thảo còn tham gia giảng dạy về thiết kế thời trang cho những đối tượng yêu thời trang và đam mê kinh doanh thời trang như mình. “Tôi rất vui vì có thể chia sẻ những kiến thức vô cùng thiết thực dựa trên kinh nghiệm thực tế của bản thân, những thứ mà đảm bảo các bạn học ở bất kì trường nào cũng không thể có được”.

Học viên của Thảo đều là những bạn trẻ yêu thích thiết kế thời trang và ấp ủ kinh doanh thời trang như cô.

Học viên của Thảo đều là những bạn trẻ yêu thích thiết kế thời trang và ấp ủ kinh doanh thời trang như cô.

G.Hiền

Cùng chuyên mục
XEM