Lấy ví dụ san hô ở Hòn Mun Nha Trang bị ‘tẩy trắng’, chủ tịch Vietravel thẳng thắn: Du lịch Việt Nam cần tái cấu trúc và chuyên nghiệp hơn nữa

17/06/2022 15:06 PM | Kinh doanh

Theo chủ tịch Vietravel, dù là một trong ba mũi nhọn của nền kinh tế nhưng ngành du lịch Việt Nam mới chỉ theo kiểu "đụng đâu làm đó", cần tái cấu trúc và chuyên nghiệp hơn nữa.

"Gần đây nhất, người ta la toáng lên toàn bộ nền san hô ở Hòn Mun, Nha Trang bị nhuộm trắng, điều này đã được kêu 20 năm nay rồi, nhưng có một ngày họ chợt nhận thấy thì đã muộn", Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cảm thán trong talkshow The Next Power do VnExpress thực hiện.

Trước đó, như báo chí đưa tin, hàng trăm m2 san hô ở quanh đảo Hòn Mun - vùng lõi Khu bảo tồn vịnh Nha Trang (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bị "tẩy trắng" nghiêm trọng. Tình trạng san hô chết trắng đáy biển không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái nơi đây, khiến hàng loạt sinh vật biển biến mất vì thiếu chỗ trú ngụ, mà còn đe dọa các hoạt động du lịch nói chung tại vịnh Nha Trang-một trong 29 vịnh biển đẹp nhất thế giới.

"Đó là vấn đề của sự nhận thức. Đầu tư thì không có trong khi khai thác Hòn Mun đến kiệt quệ. Hòn Mun là vườn sinh cảnh quốc gia nhưng chúng ta khai thác biển, du lịch ở đó đến mức tàn phá. Bản chất câu chuyện là chúng ta vãn chưa đánh giá đúng du lịch", vị chủ tịch với gần 30 năm kinh nghiệm trong ngành thẳng thắn nhận xét.

Lấy ví dụ san hô ở Hòn Mun Nha Trang bị ‘tẩy trắng’, chủ tịch Vietravel thẳng thắn: Du lịch Việt Nam cần tái cấu trúc và chuyên nghiệp hơn nữa - Ảnh 1.

Lấy ví dụ san hô ở Hòn Mun Nha Trang bị ‘tẩy trắng’, chủ tịch Vietravel thẳng thắn: Du lịch Việt Nam cần tái cấu trúc và chuyên nghiệp hơn nữa - Ảnh 2.

Hình ảnh Hòn Mun trong quá khứ và hiện tại. Ảnh: M.T.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, ngành du lịch cần tái cấu trúc lại, phải chuyên nghiệp hơn nữa bởi đã đến lúc xã hội hoạt động theo dây chuyền và phân hóa sâu sắc, đồng nghĩa chỉ những người chuyên nghiệp mới có việc. Trong khi đó, ngành du lịch Việt Nam, dưới con mắt của ông, vẫn khá "năng mưa", hoạt động theo ý thích nhiều hơn.

"Du lịch cần phải thực chất, phục vụ nhu cầu con người. Du lịch thể hiện độ văn minh của một xã hội, sự phát triển của một nền kinh tế và sự ưu việt của một nền văn hóa dân tộc. Cho nên nếu ta đối xử với du lịch hời hợt thì coi như ta loại bỏ tất cả những yếu tố kia

Chủ tịch Vietravel cho biết du lịch, cùng với nông nghiệp và công nghệ thông tin, được xác định là 3 ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng trong khi nông nghiệp được hưởng nhiều chính sách ưu đãi kể cả về tài chính lẫn tài nguyên, công nghệ thông tin được đầu tư lớn thì nông nghiệp lại là câu chuyện khác, câu chuyện của một ngành kinh tế "chưa được đối xử đúng như tính chất của nó".

Nhiều số liệu thống kê trước đây đã chỉ ra mức độ chi ngân sách dành cho ngành du lịch Việt Nam chỉ đạt 1,4% tổng chi ngân sách, so với mức của Malaysia là 1,77%, Thái Lan là 2,77%, Philippines là 6,08% và Singapore là 10,25%.

Xét về mặt con số cụ thể, đầu tư cho quảng bá du lịch của Việt Nam còn ở mức rất khiêm tốn, khoảng 2 triệu USD/năm vào năm 2017. Con số này chỉ bằng 2,9% sự đầu tư của Thái Lan, 2,5% của Singapore, 1,9% của Malaysia.

"Tôi hay nói đùa trong 3 ông đầu rau, ông du lịch là yếu nhất, trông to khỏe thế thôi nhưng không có gì. Với thị trường mà mức đầu tư xúc tiến chỉ vài triệu USD mỗi năm, trong khi nước xung quanh vài trăm triệu USD, thì mặc dù du lịch chúng ta có lên bảng xếp hạng trên thế giới, có tăng một số bậc, nhưng bản chất chúng ta nhìn thấy cũng chưa phải là căn cơ, bền vững, chúng ta vẫn ăn xổi ở thì".

"Giờ này nhiều địa điểm bị khai thác hết, nhưng cũng có những địa điểm du lịch quy hoạch ở thành phố hoang vẫn chưa được khai thác, và nguồn nhân lực hiện thiếu đến cỡ nào. Nhìn chung, đánh giá lại, chúng ta vẫn chưa coi du lịch là ngành công nghiệp không khói mà chỉ dụng đâu làm đấy thôi", chủ tịch Vietravel thẳng thắn nhận xét.

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM