Ngành gỗ một năm nhìn lại

02/01/2019 18:33 PM | Kinh doanh

Xuất khẩu lâm sản năm 2018 ước đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chính thức vượt qua thủy sản (9 tỷ USD), trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong ngành nông nghiệp. Giá trị xuất siêu lâm sản cả năm đạt tới 7 tỷ USD, đứng đầu các ngành kinh tế xuất khẩu của Việt Nam. Chưa bao giờ, ngành gỗ Việt Nam đạt thành tích ấn tượng như thế, dẫu 2018 là năm thị trường thế giới có nhiều diễn biến phức tạp

Những khung pháp lý mới

Năm 2018 là cột mốc thời gian quan trọng với ngành chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản bởi môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi. Ngày 19/10/2018, tại Brussels, Việt Nam và Ủy ban Châu Âu đã ký Hiệp định VPA/FLEGT. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau khi được phê chuẩn theo quy định pháp luật của mỗi bên. Dưới tác động của Hiệp định này, Việt Nam tiến hành xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) toàn diện và tin cậy nhằm kiểm soát trong suốt chuỗi cung, đảm bảo gỗ nhập khẩu và gỗ trong nước phải được khai thác, kinh doanh… tuân thủ quy định pháp luật của nước khai thác.

Ngành gỗ một năm nhìn lại - Ảnh 1.

Ngày 12/11, Quốc hội cũng đã chính thức phê chuẩn Hiệp định CPTPP, sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, chính thức mở ra các thị trường mới mà lâu nay mức thuế nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Nam còn khá cao như Canada, Mexico, Peru… Không dừng lại ở đó, Việt Nam cũng đang kỳ vọng kí kết cả hai hiệp định EVFTA vào quý I/2019. Hiện, EVFTA này đã tách thành 2 Hiệp định riêng biệt, một Hiệp định Đầu tư và một Hiệp định Thương mại.

Sự ra đời của Hiệp định CPTPP và sắp tới là EVFTA sẽ tiếp thêm sức mạnh cho ngành chế biến gỗ Việt Nam. Trước đó, luật Lâm nghiệp mới cũng được ban hành. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo ra những thay đổi căn bản trong toàn bộ chuỗi cung, gồm cả thị trường nội địa và xuất khẩu, góp phần hình thành ngành kinh tế lâm nghiệp bền vững cho Việt Nam.

Theo định hướng của chính phủ, trong 10 năm tới ngành Chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất xuất khẩu của Việt Nam. Đây là thuận lợi về mặt chính sách rất đáng quý cho ngành.

Thành quả vượt hơn kỳ vọng

Chính nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước, kết hợp với nỗ lực của DN cũng như các tổ chức ngành nghề, chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả ấn tượng trong năm 2018. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2018 ước đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017. Như vậy, chế biến gỗ chính thức vượt qua thủy sản (xuất khẩu đạt 9 tỷ USD), trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong ngành nông nghiệp. Giá trị xuất siêu lâm sản cả năm đạt tới 7 tỷ USD, đứng đầu các ngành kinh tế xuất khẩu của Việt Nam.

Doanh số top 100 DN có doanh thu ấn tượng của ngành năm nay tăng 16.3% so với top 100 năm 2017, đạt khoảng 4,085 tỷ USD. Phân tích số liệu 11 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) của doanh nghiệp FDI đạt 3,548 tỷ USD, tăng 9,54% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của cả nước. Phần còn lại, hơn 55% thuộc về DN trong nước. Kim ngạch xuất khẩu G&SPG sang hầu hết các thị trường chủ lực đều đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp mạnh mẽ vào tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 44% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG, thị trường lớn thứ 2 là Nhật Bản – chiếm 13%, tiếp theo là thị trường Trung quốc, Hàn quốc, Anh, Úc, Canada, Pháp…

Ở chiều ngược lại, giá trị kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2018 cũng tăng 6,27% so với năm 2017, đạt khoảng 2,317 tỷ USD. Phân tích số liệu 11 tháng năm 2018, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 596 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường cung ứng nguyên liệu chủ yếu cho Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ lần lượt chiếm 19% và 14% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ cả nước. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Campuchia giảm 51,69% và Thái Lan giảm 12,26% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là các thị trường Malaysia, Chile, Brazil, Đức...

Theo Tổng cục lâm nghiệp, sản lượng khai thác gỗ rừng năm 2018 đạt khoảng 27,5 triệu m3. Trong đó, khai thác từ rừng trồng tập trung 18,5 triệu m3, tăng 3% so với 2017, khai thác từ cây trồng phân tán và cây cao su tái canh khoảng 9 triệu m3 gỗ. Nguồn nguyên liệu bản địa này đã đáp ứng phần lớn nhu cầu sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh cho DN và góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Nhiều cơ hội lẫn thách thức cho năm mới

Sự phát triển doanh nghiệp trong năm 2018, ngoài việc phát triển về diện và chất như một số điển hình nêu trên, còn có đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ. Theo thống kê chưa đầy dủ, trong năm 2018 có khoảng 65 DN đầu tư chính thức vào Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc có 23 DN.    

Ngoài những lợi thế vốn có, ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ Trung hiện nay khiến Việt Nam mặc nhiên đã là một trong 5 trung tâm sản xuất đồ nội thất lớn trên thế giới. Điều khác biệt với các nước là Việt Nam hình thành tự nhiên theo kiểu tự phát và bắt chước, chứ không quy hoạch trước thành các khu công nghiệp theo thế mạnh của từng địa phương.

Ví như Trung Quốc, Sùng Châu thuộc tỉnh Tứ Xuyên có thế mạnh về trồng rừng, đi đôi với việc phát triển các nhà máy chế biến trung gian như ván ép, MDF, PB, phụ kiện … cung cấp cho cả nước với hơn 3000 đại lý. Quảng Châu và Phật Sơn thuộc tỉnh Quảng đông có thế mạnh về sản xuất, đã tập trung các khu công nghiệp lớn để liên kết tổ chức sản xuất thành chuỗi cung ứng lớn và các khu vực giới thiệu sản phẩm theo kiểu outlet mall. Còn huyện Pazhou (Bà Châu) thuộc thành phố Quảng Châu có thế mạnh về thương mại và giao thương quốc tế thị tổ chức trung tâm triển lãm đủ lớn để phục vụ cho các ngành kinh tế…

Ngành gỗ một năm nhìn lại - Ảnh 2.

Tiềm năng xuất khẩu của ngành còn rất lớn một khi sự lan tỏa rộng của Trung tâm đồ nội thất phát huy hiệu quả. Ngành gỗ không chỉ xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ mà còn có thể xuất khẩu cả máy móc, công cụ. phụ liệu… Ví dụ, năm 2018, Nhà máy Cơ khí Hồng ký đã thâm nhập các thị trường Nhật, Đức, Thái Lan, Indonesia, Myanmar để bước đầu xuất khẩu máy móc chế biến gỗ.

Doanh số tuy còn khiêm tốn, chỉ mới đạt khoảng 1 triệu USD, nhưng tăng 100% so với năm trước. Dầu màu của công ty O7 cũng đã xuất khẩu sang thị trường Campuchia đạt doanh số 3,5 triệu USD, tăng 10% so với năm trước. Đây là nỗ lực của các DN Việt trong việc đưa sản phẩm ra Thế giới. Do vậy,trong năm 2019, thiết nghĩ Nhà Nước cần tập trung đầu tư tại TP.HCM một trung tâm triển lãm quốc gia để phục vụ cho tất cả các ngành kinh tế.

Theo các chuyên gia trong ngành, lợi thế nhiều nhưng thách thức mà ngành phải đối mặt chắc chắn cũng sẽ không ít. Do vậy, bản thân từng DN phải luôn nỗ lực, giữ vững và phát huy thành tích. Trong đó, cần chú ý không tiếp tay cho các DN Trung Quốc về những hành vi lẩn tránh thuế để tránh bị vạ lây, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh toàn ngành mà chúng ta khó khăn gầy dựng hơn 20 năm qua. Để nâng cao hình ảnh của ngành, về nguyên liệu cần loại bỏ ra khỏi chuỗi cung những nguồn gỗ tự nhiên không minh bạch từ Campuchia và Congo. Không sử dụng và quảng bá gỗ từ rừng tự nhiên có nguồn gốc không minh bạch…

Mục tiêu của ngành chế biến gỗ năm 2019 có thể đạt đến con số 10,5 tỷ USD, cùng nhau quyết tâm làm được những điều này, tôi tin, chúng ta sẽ sớm thành công.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM