Phẩm chất lãnh đạo vượt khủng hoảng

23/09/2013 12:30 PM | Nghề nghiệp

Phẩm chất và năng lực của nhà lãnh đạo hơn lúc nào hết được thể hiện chính là vào thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn, khủng hoảng.

Một nhà lãnh đạo tài năng vẫn luôn biết cách tập hợp đội ngũ để dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua giông bão, hướng tới tương lai.

Tinh thần lạc quan

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tinh thần lạc quan luôn là chất xúc tác quan trọng giúp con người thăng hoa, vượt qua nghịch cảnh. Đối với nhà lãnh đạo doanh nghiệp, sự lạc quan của họ trong lúc khó khăn giúp đội ngũ nhân viên của họ giữ vững được tinh thần, tạo ra môi trường làm việc cởi mở và khí thế ngay giữa thời điểm khó khăn.

Tinh thần lạc quan này trong một số thời điểm không nhất thiết phải là sự lạc quan mà người lãnh đạo thực sự có được, bởi hơn ai hết họ thấu hiểu những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải, thậm chí đôi lúc họ phải một mình gặm nhấm nỗi cô đơn, lo lắng trong sâu thẳm tâm hồn mà không thể chia sẻ với ai.

Nhưng điều tối thiểu là người lãnh đạo trong mọi hoàn cảnh luôn phải thể hiện được sự lạc quan ra bên ngoài, bởi lãnh đạo chính là khả năng gây ảnh hưởng, trong khi doanh nghiệp khó khăn, người lãnh đạo không được phép tạo ra ảnh hưởng tiêu cực tới nhân viên, sự lo lắng, cáu gắt mà lãnh đạo thể hiện cộng thêm tâm lý đám đông lan toả rất có thể sẽ đẩy khó khăn thực tế của doanh nghiệp đi xa hơn.

Vì vậy giữ vững được tinh thần, luôn thể hiện sự lạc quan vừa là trách nhiệm và cũng là nghệ thuật của người lãnh đạo trong mọi thời điểm.

Chính trực dám nhìn thẳng vào sự thực

Trong số rất nhiều phẩm chất của nhà lãnh đạo giúp họ dành được sự kính phục của nhân viên thì sự chính trực có lẽ là một trong những phẩm chất quan trọng nhất. Nhà lãnh đạo đơn giản cũng là con người, họ không phải là thần thánh để có thể một mình vực dậy doanh nghiệp, họ cần đội ngũ để cùng nhau vượt qua khủng hoảng.

Do vậy thay vì để nhân viên lờ mờ, đoán già đoán non dễ tạo ra bầu không khí không tốt, nhà lãnh đạo cần trao đổi, chia sẻ thẳng thắn các khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, kể cả các khó khăn, sai lầm do quyết định của chính mình gây ra. Điều này chỉ càng làm cho nhân viên thêm tôn trọng, yêu quý và tin tưởng hơn vào người lãnh đạo, từ đó họ đồng cảm, thấu hiểu được các vấn đề của doanh nghiệp để sẵn lòng cùng gánh vác trách nhiệm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Nhưng sự chia sẻ khó khăn này liệu có đi ngược lại với tinh thần lạc quan mà người lãnh đạo luôn phải thể hiện không? Câu trả lời là không. Bởi lạc quan không có nghĩa là chủ quan, một thái độ nghiêm túc, cầu thị và đúng mực là đặc biệt cần thiết để dung hoà các mối quan hệ nội bộ và cân bằng tâm thế cho chính nhà lãnh đạo.

Cũng có người sẽ đặt ra câu hỏi việc chia sẻ cho nhân viên biết các khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt có thể gây lo ngại cho nhân viên và tác động khiến họ rời bỏ doanh nghiệp không? Câu trả lời đơn giản lại là một câu hỏi, bạn có muốn giữ những nhân viên như vậy không? Những người ở lại mới thực sự là những người bạn cần nhất.

Dám thay đổi

Khi doanh nghiệp gặp khó khăn hay phá sản, trong hầu hết trường hợp là do sự kết hợp từ các yếu tố bên ngoài như khủng hoảng kinh tế, thị trường khó khăn…, kết hợp với các vấn đề nội tại, sự yếu kém của chính doanh nghiệp có dịp được bộc lộ, phát tác vào cùng thời điểm ấy để cộng hưởng lẫn nhau, gây ra các hệ quả xấu cho doanh nghiệp.

Vì vậy bên cạnh sự chính trực, dám nhìn thẳng vào sự thực để chia sẻ với nhân viên, thì một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và bản lĩnh cần phải biết chớp lấy thời cơ trong khủng hoảng, dám thay đổi để tạo ra cú huých giúp doanh nghiệp bứt phá và phát triển trong tương lai.

Khó khăn, khủng hoảng chính là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc, đánh giá lại năng lực cốt lõi giúp xác lập lại tầm nhìn và xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn. Thị trường khó khăn, việc làm ít đi cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thời gian rà soát, nâng cao năng lực quản trị nội bộ, đào tạo và phát triển đội ngũ nhân sự, chuẩn bị cho chu kỳ phát triển mới khi khủng hoảng qua đi.


Nhiều bài học và kinh nghiệm lãnh đạo, quản trị vượt khủng hoảng sẽ tiếp tục được các Doanh nhân và chuyên gia hàng đầu Việt Nam trao đổi, chia sẻ tại chương trình thường niên “Ngày Nhân sự Việt Nam -  HRDay 2013” do EduViet Corporation, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia HN) và Diễn đàn Nhân sự VN HRLink.vn đồng tổ chức.

Năm thứ 5 được tổ chức, chủ đề chính xuyên suốt của Vietnam HRDay 2013 là “Quản trị nhân sự vượt khủng hoảng” với hai phần “Vượt khủng hoảng” và “Hướng tới tương lai” bao gồm tổng cộng 8 room chuyên đề đang là các vấn đề nóng mà các doanh nghiệp, doanh nhân và giới nhân sự quan tâm trong bối cảnh hiện nay.

Sự kiện diễn ra tại Hà Nội vào ngày 03/11/2013 với 1.200 CEOs, CPOs…tham dự và tại Tp.Hồ Chí Minh vào ngày 10/11/2013 với 1.000 CEOs, CPOs…tham dự.

Chi tiết chương trình xin vui lòng truy cập tại website: www.HRDay.vn

 

                                                                             

cucpth

Cùng chuyên mục
XEM