Người khởi nghiệp công nghệ đầu tiên ở Việt Nam: Nếu bạn chưa biết tái sử dụng trí tuệ tiền nhân, thì đừng nói chuyện sáng tạo thứ gì thay đổi thế giới!

02/12/2020 10:40 AM | Kinh doanh

Theo ông Paul Nguyễn Hưng – Founder và CEO Goody Group, chúng ta làm cái gì đó tốt và hiệu quả hơn cái cũ đã là sáng tạo, không nhất thiết phải phát minh gì đó ‘kinh thiên động địa’. Hơn nữa, nếu bạn chưa biết sử dụng kiến thức của người đi trước, thì đừng nói đến việc tạo ra cái gì đó chưa ai làm.

Ông Paul Nguyễn Hưng – Founder và CEO Goody Group
Ông Paul Nguyễn Hưng – Founder và CEO Goody Group

Nếu nói rằng, ông Paul Nguyễn Hưng – Founder và CEO Goody Group chính là ngành khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam chẳng có gì ngoa. Cách đây khoảng hơn 15 năm, khi mà internet là một cái gì đó vẫn còn xa xỉ với hầu hết người dân Việt Nam, ông Paul Nguyễn Hưng - tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học máy tính của trường Đại học Fullerton California, đã đứng ra thành lập VON – một trong những công ty khởi nghiệp trong mảng công nghệ đầu tiên tại Việt Nam.

Trong khoảng 2004 đến khoảng 2008, VON là một trong những niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ khi đi xin việc. VON lúc đó đã tạo ra website tìm việc online đầu tiên của Việt Nam là kiemviec.com, website tổng hợp tin tức đầu tiên như Báo Mới bây giờ - timnhanh.com.vn, mạng xã hội đầu tiên của người Việt – yume.vn… Thậm chí, timnhanh.com.vn từng được DFJ VinaCapital đầu tư và trở thành startup công nghệ đầu tiên của Việt Nam thành công kêu gọi vốn. VNG (tiền thân là VinaGame) ra đời sau VON khoảng vài năm, chỉ chuyên về game.

Lúc công ty đang trên đà phát triển, đột nhiên khủng hoảng tài chính 2008 – 2009 nổ ra, VON sau đó tiêu hết tiền và không thể gọi thêm vốn. Thế nên, ông Paul Nguyễn Hưng đành phải thu hẹp quy mô doanh nghiệp, sa thải nhân sự và phát triển cầm chừng. Đến năm 2013, ông đã bán VON với 2 site chính HRVietnam.com cùng kiemviec.com cho Tập đoàn CareerBuilder đến từ Mỹ, bán yume.vn cho MJ Group.

Sau khi bán hết công ty tại Việt Nam, ông Paul Nguyễn Hưng đã quay trở lại Mỹ. Đột nhiên, năm nay ông lần nữa tái xuất thương trường Việt Nam với Goody Group cùng thương hiệu Star Kompucha. Mặc dù đã lớn tuổi và tái khởi nghiệp trong điều kiện không thuận lợi khi Covid-19 vẫn hoành hành khắp nơi, song doanh nhân lão làng này vẫn hết sức hào hứng.

Với kinh nghiệm vài chục năm khởi nghiệp, khi nhìn vào thị trường khởi nghiệp Việt Nam hiện tại cũng như nghe thông tin trên báo đài, ông Paul Nguyễn Hưng cảm thấy có gì đó đang sai sai – nhất là khi người ta nói về đổi mới – sáng tạo.

Founder Goody cho rằng, đổi mới sáng tạo là một khái niệm hết sức trừu tượng và ông không biết miêu tả cụ thể như thế nào. Với ông, làm gì đó mà tốt hơn và hữu hiệu hơn là sáng tạo. Như đi đường, nếu bị kẹt xe chúng ta sẽ đổi đường chứ chúng ta sẽ không đứng lại. Mỗi hoàn cảnh công ty hay cá nhân đều cần những đổi mới và sáng tạo khác nhau, câu hỏi ở đây là làm gì để tốt hơn chứ không phải làm gì và cho ai?

Người khởi nghiệp công nghệ đầu tiên ở Việt Nam: Nếu bạn chưa biết tái sử dụng trí tuệ tiền nhân, thì đừng nói chuyện sáng tạo thứ gì thay đổi thế giới! - Ảnh 1.

Năm 2013, VON - kiemviec.com đã được bán cho CareerBuilder.

"Những gì Steve Jobs tạo ra cho Apple có đóng góp tri thức của hàng triệu người đi trước. Bill Gates cũng thế, để tạo nên đế chế Microsoft ông ấy cũng phải học hỏi từ trí tuệ của nhiều thế hệ trước. Đối với tôi, sáng tạo tức là luôn học hỏi những gì đã có của loài người, tái sử dụng trí tuệ của người đi trước.

Còn nói rằng, sáng tạo là phải làm gì đó mà thế giới không có hoặc chưa ai làm chưa hẳn đúng. Theo tôi, những việc nhỏ như tái sử dụng trí tuệ của tiền nhân mà chúng ta chưa làm được, thì đừng nghĩ tới những cái lớn lao như tạo ra ý tưởng gì đó ‘kinh thiên động địa’ nhằm thay đổi thế giới.

Sáng tạo là dựa vào thực tế cuộc sống, cải thiện được đời sống của người dân, khách hàng. Hơn nữa, làm sao bạn có thể chắc chắn, ý tưởng hoặc phát minh của mình chưa xuất hiện, biết đâu đã có một người trong vài tỷ người trên hành tinh này đã thực hiện và đã thất bại mà chúng ta không biết.

Thế nên, tôi chỉ muốn nói rằng, các bạn trẻ hãy khởi nghiệp thật đơn giản và phù hợp với bản thân mình, đừng ép mình quá không hay. Khi mình thấy một ý tưởng hay, hãy làm khác đi một chút, chỉ đừng ăn cắp hoặc copy 100% ý tưởng của người khác. Tôi khuyến khích các bạn trẻ nên học hỏi, rồi mới sáng tạo hay hơn và phù hợp hơn cái cũ", ông Paul Nguyễn Hưng khuyến nghị.

Tuy nhiên, chúng ta phải phân biệt rõ ràng giữa copy và học hỏi rồi sáng tạo. Ăn cắp logo, màu sắc thương hiệu là không tốt. Chúng ta học hỏi cái hay của người khác sau đó cải tiến hay hơn/phù hợp hơn thì được gọi là sáng tạo.

Việc kiemviec.com ra đời cũng hết sức tình cờ. Thời điểm 2003 là lúc công ty vệ sinh các tòa nhà cao tầng Huy Bảo của ông mở rộng khá nhanh, nên thường xuyên phải tuyển nhân viên với số lượng lớn – nhiều nhất là các sinh viên làm việc bán thời gian.

Lúc đó, doanh nghiệp muốn tuyển người hiệu quả và nhanh chóng, chỉ có 1 giải pháp là đăng tin ở chuyên mục rao vặt của báo Tuổi Trẻ hoặc Thanh Niên và chi phí rất đắt. Ngược lại, sinh viên ra trường muốn đi tìm việc làm, thường phải đến các trung tâm môi giới tuyển dụng để tìm kiếm và ghi chép lại những vị trí phù hợp, sau đó mang đơn xin việc bằng giấy gửi qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến gửi ở công ty/nhà máy. Nói chung, cả nhà tuyển dụng lẫn ứng cử viên phải mất rất nhiều công sức, tiền bạc để có thể tìm được nhân sự/vị trí phù hợp.

Trong khi, tại Mỹ - từ những năm 1995, các website tuyển dụng online như CareerBuilder đã rất phổ biến, trở thành mô hình thành công trên thị trường. Thế nên, kiemviec.com đã ra đời, mục tiêu đầu tiên là để phục vụ nhu cầu tuyển dụng của Huy Bảo một cách hiệu quả - rẻ tiền hơn và ý định lúc đó là sẽ vĩnh viễn không lấy tiền của nhà tuyển dụng lẫn người tìm việc, nhằm khuyến khích họ tham gia vào mạng lưới của kiemviec.com.

"Tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa, sáng tạo thực ra không cần quá thông minh, chỉ cần chúng ta làm điều tốt hơn cho xã hội là đủ; bởi trên thế giới này chỉ có vài người giống Albert Einstein – phát minh ra những thứ mà thế giới này chưa có. Những ‘kỳ lân’ công nghệ trên thế giới như Uber hay Grab cũng không tạo ra mô hình gì đó quá khác biệt.

Họ đơn giản chỉ thấy một nguồn lực xã hội rất lớn là xe ô tô đang bị lãng phí, khi nhiều người mua nó và chỉ dùng 3 giờ/ngày. Trong khi giá taxi rất đắt, do hãng phải trả lương cho tài xế và chỗ đậu xe. Các founder tạo ra Uber/Grab để có thể sử dụng ô tô tư nhân trong 24 giờ và giúp mọi người sử dụng dịch vụ vận chuyển ô tô với giá rẻ hơn taxi. Việc Grab/Uber thay đổi cung cách vận hành của xe ô tô riêng, giúp mọi người tiết kiệm hơn chính là sáng tạo", ông Paul Nguyễn Hưng nêu cụ thể.

Trong vài chục năm khởi nghiệp với nhiều lĩnh vực khác nhau, bắt đầu từ ngành vệ sinh các tòa nhà văn phòng, tới công nghệ và bây giờ là thực phẩm; ông Paul Nguyễn Hưng chưa từng bắt ép bản thân mình phải tạo ra ý tưởng hoặc mô hình kinh doanh gì đó quá hoành tráng hoặc đặc biệt.

Người khởi nghiệp công nghệ đầu tiên ở Việt Nam: Nếu bạn chưa biết tái sử dụng trí tuệ tiền nhân, thì đừng nói chuyện sáng tạo thứ gì thay đổi thế giới! - Ảnh 2.

Ông Paul Nguyễn Hưng đang giới thiệu sản phẩm Star Kompucha cho quan khách trong Shark Tank Forum 2020.

Theo ông, sản phẩm Star Kompucha của công ty ông chẳng có gì gọi là đổi mới sáng tạo. Kompucha – trà lên men là thức uống đã có 2.000 năm lịch sử. Cách đây khoảng 50 năm, người Mỹ bắt đầu nghiên cứu loại thức uống cổ xưa này và kết quả cho thấy, nó rất tốt cho sức khỏe nên kompucha được nhân rộng. Hiện tại, đây là thức uống phổ biến tại Mỹ và nhiều nước châu Âu.

Cách đây khoảng 10 năm, cũng có nhiều gia đình tại châu Á và Việt Nam đã thử làm kompucha, song nó lại không hề phổ biến tại đây như phương Tây. Tại sao lại thế? Sau khi tìm được câu trả lời, ông đã mang Star Kompucha về Việt Nam để phổ cập thức uống này hơn cho người Việt. Ông chỉ đơn giản giải quyết vấn đề: khiến kompucha, thức uống rất tốt cho sức khỏe, trở thành sản phẩm được sử dụng rộng rãi hơn tại Việt Nam.

Thêm nữa, sáng tạo không chỉ cần thiết lúc bắt đầu khởi nghiệp, mà nó phải diễn ra thường xuyên trong suốt quá trình phát triển doanh nghiệp sau này. Để kinh doanh có hiệu quả tốt, chúng ta thỉnh thoảng phải nhìn xem doanh nghiệp mình đang như thế nào, nó có đang sản xuất/vận hành phù hợp với nhu cầu của thị trường và nó cần những thay đổi gì để phù hợp hơn. Thế nên, đổi mới – sáng tạo là điều các founder startup – doanh nghiệp phải làm liên tục chứ không phải đợi Covid-19 đến mới làm.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM