Nguy cơ miền Bắc thiếu điện

08/05/2023 07:18 AM | Xã hội

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo khẩn gửi Bộ Công Thương liên quan việc cung ứng điện, đặc biệt trong các tháng hè năm 2023 do nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc.

Theo báo cáo của EVN, Tập đoàn đang đối mặt khả năng thiếu 4.900 MW điện ở miền Bắc trong bối cảnh thời tiết nắng nóng nhiều, ít mưa, nhiều hồ thuỷ điện lượng nước về rất thấp, đặc biệt nhiều hồ thuỷ điện ở khu vực phía Nam không cung ứng đủ điện như kế hoạch do mực nước trong hồ rất thấp.

Số liệu của các công ty thuỷ điện cho thấy, do tác động của El Nino, lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tiếp tục kém, lưu lượng nước chỉ bằng khoảng 70 - 90% so với trung bình các năm. Hiện sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn tới 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022.

EVN cũng cho biết, nguy cơ thiếu điện còn xuất phát từ việc giá than nhập khẩu và than trong nước tăng cao khiến các nhà máy điện càng phát điện càng lỗ nặng. Sản lượng điện tiêu thụ tăng cao, đặc biệt ở các thành phố lớn khiến việc bổ sung lượng than thiếu hụt gặp khó khăn và đã xảy ra tình trạng thiếu than tại các nhà máy trong một vài thời điểm.

Nguy cơ miền Bắc thiếu điện - Ảnh 1.

EVN lo thiếu hàng nghìn MW điện cho miền Bắc trong các tháng 5 và 6. Ảnh: Nguyễn Bằng

Số liệu của EVN cho thấy, từ tháng 4, lượng điện tiêu thụ ở miền Bắc và miền Trung tăng rất cao. Từ ngày 1 - 15/4, sản lượng trung bình đạt 792 triệu kWh/ngày (bằng 100,52% kế hoạch). Từ ngày 16 - 21/4, sản lượng trung bình đạt 823 triệu kWh/ngày (bằng 104,49% kế hoạch).

“Để đảm bảo cung ứng đủ điện, EVN đã phải huy động các tổ máy chạy dầu từ ngày 17/4. Trong đó ngày nhiều nhất đã huy động 2.498MW chạy dầu vào ngày 21/4. Đáng chú ý, trong tháng 5, 6, 7 trở đi, miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia có thể tăng cao hơn so với kế hoạch. Trong tình huống cực đoan ở miền Bắc, hệ thống điện sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được sản lượng điện tăng cao, công suất phát điện có thể thiếu hụt với số ước tính từ 1.600 - 4.900MW”, EVN cho hay.

Hồ Thuỷ điện Trị An cận mực nước chết

Công ty Thủy điện Trị An cho biết, do ảnh hưởng của El Nino, mùa khô kéo dài, lượng nước về hồ giảm sâu, đến ngày 7/5, mực nước theo cao trình của hồ Thủy điện Trị An chỉ còn lại 50,5 m, cao hơn mực nước chết vỏn vẹn 0,5 m. Theo lãnh đạo Công ty Thủy điện Trị An, đây là mực nước thấp nhất ở hồ Thủy điện Trị An trong hàng chục năm qua. Nước về hồ ít nhưng công ty vẫn vận hành 4 tổ máy nhờ cơ chế vận hành liên hồ thủy nhằm duy trì nguồn nước về hạ du. Mực nước dâng bình thường của hồ Trị An là 62 m.Thục Quyên

Theo EVN, việc cung cấp khí cho các nhà máy nhiệt điện chạy dầu cũng giảm so với các năm trước. Cùng với đó, khả năng phát điện của các nguồn điện gió trong các tháng 5, 6, 7 có thể thấp hơn năm 2022 do càng về cuối giai đoạn mùa khô, khả năng phát thường có xu hướng giảm.

Trong văn bản báo cáo Bộ Công Thương, EVN cho biết, hiện đã nhận được 27 hồ sơ đàm phán giá điện, trong đó có 5 chủ đầu tư thống nhất mức giá tạm bằng 50% khung giá phát điện do Bộ Công Thương phê duyệt và không hồi tố trong giai đoạn các bên tiếp tục đàm phán giá chính thức.

“Để bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm nay, nhất là khu vực phía Bắc, tập đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp vận hành cùng lúc như huy động tối ưu các nguồn thủy điện, kết hợp tăng truyền tải tối đa từ miền Trung ra miền Bắc cùng đó thực hiện đẩy mạnh tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải. Trong các tình huống cực đoan, Tập đoàn sẽ ngừng hoặc thực hiện giảm phụ tải”, EVN cho hay.

Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm: Khách hàng tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh

Để đảm bảo điện trong các tháng 5 và 6, Tập đoàn đã đàm phán với các nhà máy BOT, nhà máy điện độc lập để đảm bảo huy động tối ưu nhất công suất các nhà máy này vào hệ thống trong cao điểm mùa nắng nóng.

Cùng với đó, Tập đoàn có các giải pháp vận hành, bổ sung nguồn điện, đàm phán và ký các hợp đồng mua bán điện, tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải với các doanh nghiệp sử dụng điện lớn. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ đồng ý cho ngừng, giảm phụ tải trong các tình huống cực đoan.

EVN đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, tổ chức họp với các tập đoàn, tổng công ty, các đơn vị phát điện để bàn giải pháp khẩn cấp hỗ trợ EVN tháo gỡ khó khăn. Cùng đó, kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo PVN cung cấp khí ổn định, ưu tiên cấp khí cho phát điện.

Liên quan việc giảm gánh nặng cho ngành điện, mới đây EVN có văn bản gửi Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) liên quan việc cho phép các khách hàng sử dụng điện lớn, khách hàng tiêu thụ cuối cùng tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (VREM). Theo đó, EVN đề xuất cho phép các khách hàng đấu nối lưới cấp điện áp 110kV trở lên (các nhà máy sản xuất, các khu công nghiệp) mua điện trực tiếp trên thị trường điện thay vì phải mua điện theo biểu giá bán lẻ do Chính phủ quy định. Cụ thể, khách hàng có quyền chọn thời điểm mua điện theo mức giá chấp nhận được từ các đơn vị cấp điện mà không cần phải mua lại điện từ EVN như hiện nay và doanh nghiệp sẽ được lợi nếu mua và sử dụng điện nhiều vào giờ thấp điểm.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi: Cần cơ chế rõ ràng hơn phát triển ngành điện

Nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần là hoàn toàn có thể xảy ra khi các chính sách điều chỉnh, sửa đổi liên quan đến phát triển ngành điện đang chậm ban hành. Việc đến nay Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được phê duyệt sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc huy động nguồn lực của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai. Khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, các cơ chế rõ ràng hơn, các nguồn điện mới được huy động phát triển sẽ giúp giảm tải việc thiếu điện.


Phạm Tuyên

Từ khóa:  thiếu điện , evn
Cùng chuyên mục
XEM