Nhà đầu tư Bỉ chọn một tỉnh Đông Bắc Bộ để 'gửi vàng': Xây liên tiếp 2 khu công nghiệp 400 triệu USD, vừa khánh thành Tổ hợp văn phòng 5 triệu USD
Các khu công nghiệp của nhà đầu tư Bỉ tại đây được định hướng phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, hiện đại theo tiêu chuẩn của Việt Nam và EU.
Tổ hợp văn phòng Dịch vụ Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong
Ngày 2/4, trong khuôn khổ chuyến thăm tỉnh Quảng Ninh, Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde dự lễ khai trương Tổ hợp văn phòng Dịch vụ Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Tổ hợp văn phòng Dịch vụ Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong do DEEP C và Tập đoàn Hateco đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh có tổng mức đầu tư 5 triệu USD. Sau 14 tháng thi công, toàn bộ các hạng mục xây dựng đã hoàn thành. Đây là mô hình văn phòng được xây dựng và triển khai theo tiêu chí bền vững, nhằm giảm phát thải khí CO2 tới môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về công trình xanh.
Cũng theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua các nhà đầu tư của Vương quốc Bỉ cùng với các đối tác đang triển khai 3 dự án tại Quảng Ninh. Trong đó có 2 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, bao gồm: Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Nam Tiền Phong. Tổng diện tích quy hoạch của các dự án là gần 1.700 ha với tổng vốn đầu tư trên 400 triệu USD.
Đây là các khu công nghiệp được định hướng phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, hiện đại theo tiêu chuẩn của Việt Nam và EU. Đến thời điểm hiện tại, 2 khu công nghiệp này đã thu hút được gần 3 tỷ USD vốn đầu tư. Tỉnh Quảng Ninh cũng đang hỗ trợ nhà đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp và thu hút các dự án đầu tư thứ cấp.
Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe cho rằng Quảng Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế lớn, tạo ra cơ hội hợp tác mới giữa các nước châu Âu nói chung và Vương quốc Bỉ nói riêng, nhất là lĩnh vực cảng biển, logistics, du lịch…
Bỉ hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam trong EU. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Bỉ trong ASEAN .
Năm 2024, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Bỉ đạt 4,45 tỷ USD, tăng gần 16% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sang Bỉ đạt 3,78 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm trước; nhập khẩu từ Bỉ đạt 671,8 triệu USD, tăng 9,2%. Năm 2024, Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang Bỉ với mức thặng dư thương mại đạt 3,1 tỷ USD, cao hơn mức 2,6 tỷ USD của năm 2023.
Quảng Ninh hiện thu hút được hơn 200 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư trên 16 tỷ USD, trong đó có nhiều nhà đầu tư đến từ EU.