Những áng văn "không mẫu": Đừng chỉ trích văn chương bằng những ngôn từ xấu xí

24/07/2021 10:30 AM | Sống

"Sóng" của Võ Lập Phúc có thể khác "Sóng" của cộng đồng mạng, nhưng đừng nhấn chìm nhau trong những ngôn từ chỉ trích nặng nề.

Thế hệ đội tuyển Văn của hàng chục năm về trước thường bước vào các buổi phê bình văn học đầu tiên bằng một câu trích dẫn kinh điển: “Văn học là nhân học.” Câu nói nổi tiếng ấy của nhà văn M.Gorki đã đi cùng với không biết bao nhiêu thế hệ học trò trong các bài thi học sinh giỏi, những đoạn bình văn, giải nghĩa văn chương. Vì Văn học là nhân học, học làm văn là học làm người. Bước vào thế giới của văn chương đòi hỏi mỗi người phải bao dung hơn, thấu đáo hơn, quan sát và lắng nghe nhiều hơn. Vì phải nhìn đời và sống cuộc đời như vậy, những người đến với môn Văn bằng cả tình yêu mới thực sự cảm nhận được niềm vui của con người, nỗi đau của thời cuộc hay cả thế giới sống động trong văn chương. 

Nhìn nhận văn chương, dưới mọi hình thức, cần một sự thấu hiểu và cái nhìn rộng mở hơn là phán xét, chưa nói tới thù ghét hay đả kích. Như cách mạng xã hội đang đổ ụp xuống đầu cựu thủ khoa khối D14 năm 2020 Võ Lập Phúc.

Bài Văn ngay khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã vấp phải những chỉ trích từ rất đông người dùng mạng xã hội, đi cùng với các bài phân tích từ nhiều người yêu thích môn Văn về sự lạm dụng kỹ thuật, lạm dụng từ ngữ làm mất đi vẻ đẹp chân phương của bài thơ Sóng. Song song với những ý kiến góp ý tích cực là không ít các phản hồi mang ngôn ngữ đả kích, thù ghét, công kích cá nhân người viết. Một mặt, tôi có cùng chung quan điểm với những phản hồi tích cực khi nhận thấy sự thừa thãi trong ngôn từ dẫn đến các câu văn bùng nhùng, không sáng ý cùng với việc đẩy vấn đề đi quá xa, lạm dụng kỹ thuật viết không cần thiết. Nhưng ở một mặt khác, bài phân tích là sự thách thức với những cách hiểu truyền thống mà Văn học, cũng như nhiều môn học hay vấn đề xã hội khác, đang đặt ra cho chúng ta.

Văn học là một trải nghiệm cá nhân. Người học Văn nhìn những giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật, trong đó có cả ngôn từ theo những hình dung khác nhau. Với những điều khác biệt, chúng ta có xu hướng kháng cự lại trước khi có thể chấp nhận hay yêu thích. “Sóng” của Võ Lập Phúc không giống như phần lớn cách nhìn nhận “Sóng” của phần đông mọi người qua những bài giảng của giáo viên phổ thông. Hệ thống ngôn từ, cấu trúc bài viết, cách diễn giải của Phúc khác so với những nhìn nhận thông thường của chúng ta về “Sóng” của Xuân Quỳnh.

Người ta từng dè dặt cho những bài văn điểm 10 cũng vì sự khác biệt về quan điểm khi đánh giá cảm nhận chủ quan của người khác. Bài phân tích này có thể hay, có thể dở, có thể khó hiểu trong mắt người này, dễ hiểu trong mắt người kia (hoặc không có ai). Việc quy chụp một bài văn bằng những ngôn ngữ chỉ trích nặng nề, không đặt mình vào vị trí của người viết sẽ chỉ khiến bạn mắc kẹt trong những ngôn ngữ văn chương mà bạn vẫn thường phàn nàn rằng “rập khuôn, văn mẫu, giáo điều”.

 Những áng văn không mẫu: Đừng chỉ trích văn chương bằng những ngôn từ xấu xí - Ảnh 1.

Trong một thử nghiệm xã hội trong series “100 Humans” trên Netflix, người ta có hỏi điều gì/chi tiết gì tạo nên vẻ đẹp của một con người? Câu trả lời không nằm ở mắt, miệng, nụ cười… nó nằm ở “sự quen thuộc”. Chúng ta yêu thích sự quen thuộc, dễ rung cảm với những áng văn quen thuộc, chấp nhận những thứ ngôn ngữ đã trở đi trở lại rất nhiều lần. Trước văn chương, con người cũng đầy nghịch lý. Bạn mong muốn thoát khỏi “văn mẫu” nhưng cũng dè dặt trước những sự thay đổi quá đột ngột.

Nếu không chỉ trích nặng nề, thử đọc lại bài văn trên một lần nữa, chẳng lẽ không có điều gì mới mẻ bạn có thể học được? Tôi cũng không cảm được hết những suy nghĩ của cậu sinh viên năm 2 ấy nhưng tôi biết được rằng, có những thứ trong bài phân tích đó mình có thể học được và những điều mình có thể cải thiện, khi đặt bản thân trong một vị thế văn chương như vậy. “Một nồi lẩu thập cẩm”, “một thứ hổ lốn”... như các bạn nói, nhưng nếu thử nhìn sâu vào bên trong - tôi dám chắc bạn vẫn thấy lấp lánh những điều tươi đẹp.

 Những áng văn không mẫu: Đừng chỉ trích văn chương bằng những ngôn từ xấu xí - Ảnh 2.

Một cô giáo dạy văn trẻ từng nói với tôi rằng, ngôn ngữ là sinh ngữ. Ngôn ngữ được sinh ra từ đời sống sử dụng hàng ngày. Chỉ 10 năm trở lại đây thôi, không ai biết “thấu cảm” hay “an yên” là gì. “Thấu cảm” ra đời, theo tôi nhớ không nhầm, từ một cuốn sách của tác giả Đặng Hoàng Giang và được đưa vào đề thi văn. Còn an yên? Có lẽ chỉ vì nó nghe thật đẹp khi cả “an” và “yên” đều có cùng sắc thái. Có rất nhiều từ lạ, thậm chí chưa từng thấy bao giờ xuất hiện trong bài phân tích của Võ Lập Phúc. Đó là một “bữa tiệc” ngồn ngộn, ngon hay dở tùy người cảm nhận, nhưng chắc chắn sẽ gieo vào đầu người đọc những ý niệm mới. Đừng đả kích những từ ngữ bạn cho rằng “cao siêu, hoa mỹ” ấy vì không biết một ngày nào đó, có thể bạn thấy mình đã vô tình đưa nó vào bài viết của mình.

Khi bắt đầu đọc Shakespeare, hoặc gần gũi hơn là Ray Bradbury với 451 độ F, Frankz Kafka với Vụ án hay Vladimir Nabokov với Lolita, tôi cũng mất thời gian để hiểu hết những ngôn từ phức tạp, các tầng sau ý nghĩa và những quan điểm triết học, phản địa đàng, những Kafkaesque. Tôi không có ý so sánh những đại văn hào với một cậu sinh viên về mặt văn chương, chất lượng nội dung hay giá trị nghệ thuật. Điều quan trọng là ở cách chúng ta tiếp nhận. Tôi đã từng từ chối tiếp nhận. Tôi đã từng bỏ Bắt Trẻ Đồng Xanh chỉ sau vài trang nhưng lại cố gắng đọc để cuối. Bạn biết gì không? Tôi vẫn không thấy Bắt Trẻ Đồng Xanh hay, nhưng ít nhất, tôi đã chấp nhận nhìn nhận một bài văn hay một bài phân tích không phiến diện, để không phải bình luận rằng, “đáng sợ quá, đọc vài dòng thôi đã không muốn đọc tiếp.”

 Những áng văn không mẫu: Đừng chỉ trích văn chương bằng những ngôn từ xấu xí - Ảnh 3.

Bạn không thể võ đoán và vô lý khi mới đọc vài dòng đã áp đặt cả một quan điểm đáng sợ lên bài văn vài trang của một người được. 

Suy cho cùng, tôi cũng không cảm nhận được cái hay của bài văn Phúc viết nhưng tôi hiểu cảm giác của một người viết nhận rất nhiều sự chỉ trích. Đối diện với văn chương, đừng để những thứ xấu xa nhất trong ngôn từ nhấn chìm bạn, để rồi không thể ngẩng đầu nhìn văn chương như một tấm gương phản ánh con người. Chê bai Võ Lập Phúc một cách độc đoán không khiến bạn viết hay hơn nhưng chắc chắn sẽ khiến bạn xấu xí hơn.

 Những áng văn không mẫu: Đừng chỉ trích văn chương bằng những ngôn từ xấu xí - Ảnh 4.

Và đọc những bài phân tích như vậy, tôi thấy có động lực hơn để tìm về những thứ văn chương đơn giản, thay vì ngồi chỉ trích một cậu sinh viên 19 tuổi viết ra một câu chuyện “Sóng” của mình chứ không phải của “Sóng” trong lòng mạng xã hội. Tôi nhớ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ và lá thư ông gửi cho Xuân Quỳnh.

"Quỳnh thương yêu,

Em gắng đi về bằng máy bay cho khoẻ, không mua gì cũng được. Về với anh và con, về với nhà ta đi thôi. Về với phố Huế chật hẹp, với nhà trẻ nơi ta đón Mí, với quán cà phê Nguyễn Công Trứ, nơi ta uống cà phê 2 hào buổi sáng với những gã giáo viên còm, những người công nhân lam lũ và những tay thợ làm đạo cụ sân khấu, về với những con đường chúng ta vẫn đi, những công việc, với cái thành phố nghèo, nơi người ta sống rất khổ mà vẫn luôn tìm cách để sống cho thanh thản trong nỗi khổ ấy, sống thanh thản và yên tĩnh.

...

Nếu chúng ta là kẻ không có tài chí lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người.”

Vậy thôi.

 Những áng văn không mẫu: Đừng chỉ trích văn chương bằng những ngôn từ xấu xí - Ảnh 5.

Minh Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM