Những thứ đáng để làm thường mất vài năm, nên đừng sống quá vội!

24/03/2016 14:08 PM | Kinh doanh

Bạn luôn muốn hoàn thành mục tiêu trong khoảng thời gian ngắn. Đó là tầm nhìn ngắn hạn.

Jeff Bezos, ông chủ Amazon từng nói: “Để những ý tưởng đột phát đâm hoa, kết trái, các công ty thường cần phải chờ đời từ 5-7 năm trời, và phần lớn các công ty đều không chờ được khoảng thời gian đó.”

Bạn không thể trở thành một nhà văn, nghệ sĩ, doanh nhân, nhà thiết kế hay thậm chí thợ gốm chỉ qua một đêm. Chẳng có điều gì là ngạc nhiên hay bất ngờ. Và cũng chẳng có gì là ngay lập tức.

Bất kỳ thành công nào cũng cần mất một khoảng thời gian nhất định. Cho dù bạn đi theo bất cứ ngành nghề nào, cách duy nhất để bạn đạt được “cột mốc cuộc đời” mình là cống hiến một số năm tuổi đời nhằm đạt được điều đó.

Bạn không cần phải đưa ra một khung thời gian dài hàng năm để đạt được mục tiêu. Nhưng bạn cần phải nghĩ xem đâu là khoảng thời gian cần thiết, bởi nếu quá kỳ vọng mọi thứ diễn ra nhanh chóng hơn thì chỉ khiến bạn thất vọng và kiệt sức.

Cần mất thời gian để học hỏi

Tôi cảm thấy như chúng ta đang dần mất tầm nhìn ở việc này. Tất cả chúng ta đều đo lường sự thành công hiện tại của mình, trước khi đạt được bất kỳ thành tựu gì, dựa trên sự thành công của những người có khởi đầu thuận lợi hơn, mất thời gian dài hàng năm trời làm việc.

Bạn là một doanh nhân. Liệu bạn đang đánh giá thành công của mình so với những doanh nhân bình thường khác? Hay là với những tỷ phú, những CEO của các công ty toàn cầu.

Bạn là một nhà văn. Liệu bạn đang so sánh bản thân với các nhà văn bình thường khác? Hay bạn cần so sánh với Hemingway, Ginsberg hay J.K. Rowling?

Vấn đề nằm ở chỗ, tất cả những người đó đã bỏ ra hàng năm trời để làm việc trước khi họ đạt được đỉnh cao của năng lực, kỹ năng và sự sáng tạo nhằm đạt được những thành tựu mà bạn đang ngưỡng mộ. Và bạn không thể chỉ mới bắt đầu, “vẫy cây đũa thần” và giỏi như họ được. Nên hãy học. Hoặc cố gắng mà học.

Cần mất thời gian để mọi thứ đi đúng quỹ đạo

Tôi từng nghe từ những nghệ sĩ, nhà văn hay những doanh nhân nói về những sản phẩm họ tạo ra, nhưng nó không hoàn hảo và họ chẳng biết cách nào để sửa trước khi tung ra thị trường. Và tôi thường nói với họ rằng: “Bạn sẽ không bao giờ, chẳng bao giờ khiến sản phẩm của mình hoàn hảo. Vì chẳng có cái gì hoàn hảo hết.”

Tất cả những việc bạn cần làm là ngày càng hoàn thiện. Không ngừng nâng cao. Và một trong những cách đơn giản nhất để làm điều đó là thiết lập cách thu thập thông tin phản hồi và cố gắng cải thiện dựa trên những phản hồi đó. Bạn lặp đi lặp lại quá trình này mỗi khi bạn sáng tạo ra một thứ gì đó; sớm hay muộn, bạn sẽ làm mọi thứ trở nên tốt hơn.

Và đương nhiên điều này cũng tốn thời gian. Để làm mọi thứ tốt hơn, lặp lại, sửa đổi và cải tiến cũng tốn thời gian.

Cần mất thời gian để tạo lập khách hàng riêng

Bạn không thể kỳ vọng tất cả mọi người đều nghe, đọc hay mua hàng của bạn ngay. Mọi việc trên cõi đời này chẳng thể diễn ra như vậy.

Chắc hản bạn đã biết đến nhóm Maroon 5, nhóm nhạc nổi đình nổi đám trong những năm gần đây. Nhưng bạn có biết nhóm thành lập từ năm 1994, thời kỳ thịnh hành của những nhóm nhạc Nam nhưng họ chẳng gặt hái được nhiều thành công.

Và phải đến 8 năm sau, khi trình làng Album đầu tay thì họ mới bắt đầu “được chú ý”. Nhưng để họ nổi đình nổi đám như hôm nay phải nỗ lực làm việc cật lực suốt 14 năm qua với rất nhiều hit, và đỉnh cao là sự tham gia của Adam Levine trong The Voice thì tên tuổi của họ mới phổ biến toàn cầu.

Nhờ hơn 22 năm trong nghề, họ đã xây dựng đội ngũ fan của mình từng người một. Và bạn không thể mong đợi một khi viết, tung ra một sản phẩm mới, đột nhiên được cả thế giới biết đến và được các đồng nghiệp hết lòng ca ngợi. Chắc chắn có việc đó xảy ra, nhưng đó chỉ là những trường hợp ngoại lệ - và họ chỉ là những ngoại lệ mà thôi.

CÂN MẤT THỜI GIAN ĐỂ CHỜ ĐỢI THÀNH CÔNG

Cuối cùng, tôi ghét những bài viết luôn nói với bạn biết những lý do đơn giản mà một vài người khác thành công – những thứ đó quả thật nhảm nhí, bởi lẽ chẳng có ai thành công đơn thuần bởi một lý do.

Nhưng tôi biết một lý do mà Amazon có thể sống sót qua thời kỳ khủng hoảng Dotcom. Không những sống mà họ còn phát triển vượt bậc. Jeff Bezos không nghĩ trong ngắn hạn. Ông không cố gắng phát triển siêu tốc ngay lập tức. Ông có thể chờ đợi thành công và làm việc vì nó.

Và bạn cũng có thể làm vậy!

Ngọc Quân

Cùng chuyên mục
XEM