[NÓNG] Mỹ đàm phán nới lỏng trừng phạt dầu mỏ Venezuela sau khi thảo luận cấm nhập từ Nga

07/03/2022 12:17 PM | Xã hội

Động thái được thực hiện sau khi Mỹ và nhiều nước phương Tây xem xét cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga.

Mỹ nối lại đàm phán với Venezuela

Theo Reuters, các quan chức Mỹ và Venezuela đã thảo luận về khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt dầu mỏ đối với Venezuela. Tuy nhiên, các nguồn tin cho hay hai bên mới đạt được rất ít tiến triển trong các cuộc đàm phán song phương cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Venezuela trong nhiều năm qua.

Đây được cho là động thái mới nhất của Mỹ khi Washington tìm cách tách Nga khỏi một trong những đồng minh chủ chốt ở Nam Mỹ.

Cả hai bên đã tận dụng cuộc gặp hôm 5/3 tại Caracas để nói về nhiều vấn đề quan trọng.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin, hôm 6/3 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã xác nhận việc Washington và các đồng minh châu Âu đang xem xét các lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga.

Thông tin trên được đưa ra sau khi Nhà Trắng thảo luận với các ủy ban chủ chốt của Quốc hội Mỹ về kế hoạch cấm vận của nước này, Reuters cho biết.

Theo một nguồn thạo tin của Reuters, châu Âu vốn phụ thuộc nhiều vào Nga về dầu thô và khí đốt tự nhiên, tuy nhiên trong 24 giờ qua, châu lục này đã cởi mở hơn với các đề xuất cấm vận dầu mỏ Nga.

Các nguồn tin cho biết, một phái đoàn Mỹ do Juan Gonzalez - cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng về khu vực Mỹ Latinh - và Đại sứ James Story đã hội đàm tại cung điện Miraflores với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và Phó Tổng thống Delcy Rodriguez.

Các quan chức Mỹ coi cuộc gặp là cơ hội để đánh giá xem liệu Venezuela, một trong những đồng minh Mỹ Latinh thân cận nhất của Nga, có sẵn sàng tách khỏi Tổng thống Nga Vladimir Pu tới vấn đề cuộc tấn công Ukraine hay không - một nguồn tin ở Washington cho biết.

Washington cũng muốn tìm nguồn cung cấp dầu thay thế để lấp đầy khoảng trống nếu Mỹ quyết định "nói không" với ngành năng lượng của Moscow. Venezuela có thể tăng cường xuất khẩu dầu thô nếu Washington nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Thông tin Venezuela từ chối bình luận.

Việc Mỹ sẵn sàng kết nối lại sau nhiều năm tránh tiếp xúc như vậy dường như là một động lực cho tổng thống Maduro.

Chưa đạt được nhiều đồng thuận

Cuộc gặp diễn ra khi dòng tài chính quan trọng của Venezuela đối với Nga đang bị ràng buộc bởi các lệnh trừng phạt đối với Moscow sau cuộc tấn công quân sự của Nga ở Ukraine, mà ông Putin gọi là một "chiến dịch đặc biệt". Caracas đã tận dụng các cuộc đàm phán để thúc đẩy nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Trong những ngày gần đây, Venezuela đã yêu cầu Nga giải phóng số tiền thu được từ dầu mỏ tại một số ngân hàng Nga bị Mỹ đưa vào danh sách đen, đặc biệt là ngân hàng Promsvyazbank (PSB), nơi có tài khoản ngân hàng của công ty dầu khí quốc doanh PDVSA của Venezuela và Bộ Quốc phòng Venezuela.

Vào năm 2019, trong lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela, Evrofinance Mosnarbank, một ngân hàng được Venezuela sử dụng để giao dịch với Nga đã bị đưa vào danh sách đen, buộc PDVSA phải chuyển tài khoản thu tiền sang các ngân hàng khác.

Trong các cuộc đàm phán, Washington muốn đảm bảo Venezuela có các cuộc bầu cử tổng thống tự do, cải cách rộng rãi ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu của các công ty nước ngoài và muốn chính phủ Venezuela lên án cuộc tấn công vào Ukraine.

Đổi lại, các quan chức Mỹ sẵn sàng xem xét tạm thời cho phép Venezuela sử dụng hệ thống SWIFT, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính giữa các ngân hàng trên toàn thế giới, để chuyển tiền sang các tài khoản khác, một trong các nguồn tin cho biết.

Ông Maduro muốn dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu dầu của Venezuela, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với ông và các quan chức Venezuela khác và trả lại quyền kiểm soát của nhà nước đối với công ty con Citgo Petroleum của PDVSA tại Mỹ.

Việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt dầu mỏ có thể bắt đầu bằng việc cho phép các công ty bao gồm Chevron Corp của Mỹ, ONGC của Ấn Độ, Europeans Eni, Repsol và Maurel & Prom buôn bán dầu của Venezuela. Các công ty này đã đưa ra các yêu cầu riêng biệt với chính quyền của ông Biden, nhưng không có quyết định nào được đưa ra.

Các quan chức Mỹ đã đồng ý tổ chức cuộc họp tiếp theo nhưng không có ngày nào được ấn định.

Các trợ lý của lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido chỉ được thông báo về cuộc họp vào sáng 5/3. Ông Guaido đã được Mỹ và hàng chục quốc gia khác công nhận là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela sau khi các nước này bác bỏ kết quả cuộc bầu cử năm 2018 của ông Maduro.

Theo Tất Đạt

Cùng chuyên mục
XEM