Sếp Shopee tiết lộ lợi thế của việc ‘sinh sau đẻ muộn’: ‘Đánh’ vào điểm lồ lộ nhưng không ai nhận ra, giúp ‘đứa trẻ’ 4 tuổi trở thành mối lo của hàng loạt đối thủ

27/12/2019 13:43 PM | Kinh doanh

Đối với một nền tảng thương mại điện từ chưa tròn 4 năm tuổi, Shopee dường như đang làm mọi việc khá tốt trong thị trường có tính cạnh tranh cao như hiện nay.

Kể từ khi ra mắt năm 2015, Shopee đã trở thành trang web thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á. Báo cáo gần đây của iPrice cho thấy ứng dụng di động của Shopee được xếp hạng hàng đầu về số lượt tải xuống và lượng người dùng hoạt động hàng tháng trong khu vực.

Vậy bí quyết thành công của Shopee là gì? Theo Zhou Junjie, COO của Shopee, một trong số đó là "sinh sau đẻ muộn".

Zhou cho biết trong cuộc phỏng vấn với SCMP: "Hồi đầu năm 2015, chúng tôi nhận thấy thương mại điện tử là một ngành công nghiệp đã có một số người chơi lớn tham gia. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển và nhiều lĩnh vực chưa được họ khai thác tốt".

Thời điểm đó, đa số đều chỉ tập trung vào website và coi đó là nền tảng chính. Trong khi đó, Shopee lại thực hiện một chiến lược khác ngay từ đầu bằng việc tung ra ứng dụng trên di động để tận dụng lượng người tiêu dùng sử dụng smartphone cao ở Đông Nam Á.

Zhou nói: "Đó là một trong những lợi thế của việc xuất hiện muộn so với các đối thủ, bởi bạn có thể nhìn thấy bức tranh hoàn thiện hơn, phát hiện ra xu hướng và làm khác đi để khai thác xu hướng đó".

Shopee là một trong số các người chơi, bao gồm Lazada và Tokopedia, chú ý đến thị trường thương mại điện tử trị giá hàng tỷ USD đang phát triển nhanh ở Đông Nam Á, vốn được thúc đẩy bằng sự gia tăng của việc thanh toán kỹ thuật số của 100 triệu người dùng internet của khu vực.

Shopee được điều hành bởi công ty công nghệ SEA có trụ sở tại Singapore. Đây là đơn vị nổi tiếng khắp Đông Nam Á với việc vận hành, tạo ra PC và trò chơi di động dưới thương hiệu Garena trước khi tham gia mảng thương mại điện tử.

Theo Zhou, sự đặt cược của công ty thuở ban đầu đã được đền đáp: Hơn 90% giao dịch của Shopee đến từ ứng dụng di động. Ngoài ra, một chiến lược quan trọng khác mà Shopee sử dụng để chinh phục các thị trường khác nhau là nội địa hóa và tùy chỉnh ứng dụng cho từng thị trường cụ thể.

Thay vì làm 1 ứng dụng chung cho tất cả, Shopee lại làm ứng dụng độc lập ở mỗi thị trường khác nhau. Điều này cho phép công ty giới thiệu tính năng dành riêng cho 7 thị trường mà họ đang hoạt động là Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam và Philippines.

Ví dụ, tại Indonesia, Shopee đã ra mắt một mảng riêng cho các sản phẩm và dịch vụ Hồi giáo để phục vụ đối tượng theo Hồi giáo. Còn ở Thái Lan hay Việt Nam, nơi những người nổi tiếng và KOL ảnh hưởng nhiều đến thói quen mua hàng của người tiêu dùng, Shopee giới thiệu các cửa hàng trực tuyến bán sản phẩm do các ngôi sao quảng cáo và đại diện.

Zhou nói: "Tuy cùng trong Đông Nam Á nhưng mỗi quốc gia lại rất khác nhau, từ ngôn ngữ đến tiền tệ và thậm chí là cả sức mua. Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện vấn đề tùy chỉnh ở mỗi quốc gia".

Giống các đối thủ, Shopee cũng rất chú ý đến xu hướng mua sắm "shoppertainment" bắt nguồn từ Trung Quốc. Dựa trên kinh nghiệm trong lĩnh vực game, SEA đã tích hợp tính năng trò chuyện trong ứng dụng của mình để thu hút người mua tốt hơn và thúc đẩy mua sắm trong nền tảng.

Shopee vận hành nơi mua bán dành cho khách hàng với khách hàng (C2C), cũng như thị trường cho các thương hiệu để bán trực tiếp cho người tiêu dùng được gọi là Shopee Mall.

Bằng cách tham gia các nền tảng như Shopee hay Lazada, những người bán thường nhận được sự hỗ trợ tốt hơn, đặc biệt là trong thanh toán và logistics cũng như khai thác cơ sở người dùng có sẵn của nền tảng. Đổi lại, Shopee kiếm tiền bằng cách chạy quảng cáo và tính phí dịch vụ.

Dù có kết quả đầy hứa hẹn trong ngành thương mại điện tử nhưng Shopee vẫn đang cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ như Lazada, công ty đã nhận được tổng vốn đầu tư trị giá 4 tỷ USD từ Alibaba năm ngoái. Trong khi Shopee có thể đang dẫn đầu về lượt truy cập và tải xuống ở Đông Nam Á, Lazada tiếp tục có lượng người dùng hoạt động hàng tháng nhiều nhất tại các thị trường Malaysia, Thái Lan và Philippines.

Tuy vậy, Zhou tỏ ra không quá lo lắng: "Cạnh tranh không phải là điều xấu mà cho thấy có nhiều sự quan tâm đến thị trường và tiềm năng tăng trưởng của nó. Hiệu quả của việc mở rộng quy mô kinh doanh sẽ giúp chúng tôi nổi bật hơn trong tương lai".

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM