Thách thức biến 74 triệu người ủng hộ thành khách hàng của ông Trump

14/03/2021 08:53 AM | Xã hội

Nhiều cử tri trung thành ủng hộ Cựu Tổng thống Trump chẳng có tiền vào những khách sạn xa xỉ của ông để hỗ trợ mùa dịch.

Theo hãng tin Bloomberg, khoảng 74 triệu người đã bỏ phiếu cho ông Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020, thế nhưng lại chẳng có mấy cử tri đủ tiền mua những sản phẩm hay dịch vụ của vị tỷ phú này mùa dịch.

Việc tái tranh cử thất bại không là vấn đề lớn với Cựu Tổng thống Trump khi vị tỷ phú này hoàn toàn có thể tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024. Tuy nhiên, với hàng loạt kiện cáo và đế chế kinh doanh cần vận hành trong mùa dịch, việc những người ủng hộ không mua hàng là cả một vấn đề lớn.

Chủ một mỏ đá ở Texas từng bỏ phiếu cho Trump nói rằng bà chẳng quan tâm đến việc thuê phòng tại khách sạn của ông, trong khi một nông dân chăn cừu ở Montana, cùng là người ủng hộ Trump, thì quá nghèo để nộp tiền cho các câu lạc bộ golf của tỷ phú này.

Thách thức biến 74 triệu người ủng hộ thành khách hàng của ông Trump - Ảnh 1.

Một vũ công tại Alabama từng quyên góp đầu tiên cho chiến dịch tranh cử của Trump thì nói rằng chưa mua bất cứ thứ gì từ đế chế kinh doanh của ông vài năm trở lại đây.

Các cuộc phỏng vấn của hãng tin Bloomberg đã hé lộ một thực tại đầy áp lực cho đế chế kinh doanh mang tên Trump khi đại dịch Covid-19 khiến hàng loạt nhà hàng, khách sạn, văn phòng của ông vắng khách. Đó là chưa kể đến những cuộc chiến kiện cáo, luận tội của các chính trị gia đối lập.

Điều khá trớ trêu là hàng triệu người Mỹ muốn Cựu Tổng thống Trump tại nhiệm thêm 4 năm nữa nhưng lại chẳng quan tâm mấy đến đế chế kinh doanh của ông. Thu hút cử tri bỏ phiếu có lẽ dễ dàng hơn việc muốn họ rút hầu bao.

Theo Bloomberg, nhiều người nghèo muốn trải nghiệm cảm giác trong các khách sạn, văn phòng cao cấp của Trump nhưng không có tiền trong khi những người giàu thì lại chẳng hứng thú. Các cuộc phỏng vấn đều cho thấy cử tri ủng hộ Trump không thấy lý do gì để chuyển từ bỏ phiếu sang rút hầu bao chi tiền cho Cựu tổng thống.

Rõ ràng, nếu muốn cứu vãn đế chế kinh doanh đang chịu nhiều áp lực, Cựu Tổng thống Trump cần nhiều chiến dịch quảng cáo hơn nữa.

"Dù tôi là người ủng hộ Trump nhưng điều đó không có nghĩa là tôi phải hỗ trợ cho công việc kinh doanh của ông ấy", Chủ mỏ đá Brenda Edwards tại Texas nói.

Quay về với thực tại

Người con trai thứ của Trump là Eric Trump hiện đang điều hành tập đoàn Trump Organization tự tin cho biết sẽ biến 74 triệu lá phiếu cử tri ủng hộ cha mình thành khách hàng. Điều này nghe cũng đúng khi có rất nhiều người hâm mộ tỷ phú Trump sau nhiệm kỳ 4 năm của ông.

Thách thức biến 74 triệu người ủng hộ thành khách hàng của ông Trump - Ảnh 2.

Thế nhưng, đế chế kinh doanh của tỷ phú Trump xoay quanh những đối tượng khách hàng rất khác so với những cử tri bầu cho ông. Thành phần chủ yếu ủng hộ Cựu Tổng thống Trump là những người ít bằng cấp vùng nông thôn phản đối tự do thương mại do mất việc làm, nhưng công việc kinh doanh của ông lại nhắm đến tầng lớp thượng lưu giàu có.

"Tôi sẽ không trở thành khách hàng của ông ấy vì không thuộc tầng lớp đó. Tôi sẽ chẳng bao giờ thuê phòng ở một khách sạn hạng sang cả", Chủ trang trại chăn cừu Jack Murnion tại Montana, vốn là người ủng hộ Trump nói.

Đế chế kinh doanh của tỷ phú Trump có nguồn thu rất lớn từ cho thuê văn phòng, khách sạn hay các hoạt động của sân golf, vốn quá đắt đỏ cho phần lớn người Mỹ và cũng đang chịu sức ép vì dịch bệnh. Tập đoàn Trump đã từng có kế hoạch xây dựng chuỗi khách sạn tầm trung vào năm 2017 nhưng buộc phải hủy bỏ 2 năm sau đó.

"Hình ảnh của ông ấy thường gắn với những thứ xa xỉ hơn là các thương hiệu bình dân", ông Elie Hirschfeld, một người bạn và đối tác lâu năm của ông Trump cho biết.

Kể từ khi lên làm Tổng thống Mỹ, công việc kinh doanh của tỷ phú Trump có vẻ đi xuống khi doanh thu sụt giảm. Báo cáo năm 2020 cho thấy những con số tệ hại khi mảng bất động sản, du lịch chịu tổn hại do dịch bệnh. Khu nghỉ dưỡng chơi golf của ông, một trong những mảng kinh doanh đóng góp doanh thu chủ chốt chỉ mang về 44,2 triệu USD năm ngoái, thấp hơn nhiều so với hơn 70 triệu USD doanh thu của năm 2019.

Khách sạn Washington vốn là điểm đến thường xuyên của Đảng Cộng hòa khi ông Trump còn làm Tổng thống thì doanh thu cũng giảm đến 63% trong khoảng 2019-2020.

Điểm sáng duy nhất trong báo cáo tài chính của đế chế Trump là mảng thương mại điện tử khi doanh thu bùng nổ từ 107.186 USD năm 2017 lên gần 2 triệu USD năm 2020. Mảng kinh doanh này chủ yếu bán các đồ lưu niệm bình dân, vừa túi tiền của những người ủng hộ Cựu Tổng thống hơn là những phòng khách sạn cao cấp. Những thứ như vòng cổ thú cưng giá 15 USD hay áo khoác có tên Trump giá 80 USD đều dễ hút hàng.

Thách thức biến 74 triệu người ủng hộ thành khách hàng của ông Trump - Ảnh 3.

Khởi đầu mới

Sau khi thất bại trong việc tái tranh cử, đế chế kinh doanh của Trump bắt đầu đã có những chuyển biến để vực dậy. Nhiều chuyên gia nhận định vị tỷ phú này sẽ khởi động một nền tảng truyền thông mới, tận dụng sự ủng hộ của các cử tri hiện vẫn còn cao. Ngoài ra việc có khả năng tranh cử tiếp vào năm 2024 khiến ông Trump vẫn thu hút được sự quan tâm của xã hội, giúp đế chế kinh doanh được quảng cáo miễn phí.

Trong một bài phỏng vấn, Eric Trump từng cho biết rất nhiều cử tri ủng hộ là khách hàng của họ. Theo người con trai thứ, đế chế kinh doanh này đại diện cho ông Trump và vị Cựu Tổng thống này đã hy sinh quá nhiều lợi ích để đứng lên vì nước Mỹ.

"Tôi nghĩ mọi người trân trọng cha tôi vì điều đó", Eric Trump cho biết.

Anh Lonnie Hardy là một trong những người ủng hộ đầu tiên của Cựu Tổng thống Trump đã mua cuốn sách "Nghệ thuật đàm phán" cùng 4 chai rượu của thương hiệu Trump khi đến thăm Texas vào năm 2020. Dẫu vậy a vẫn không vào nghỉ trong các khách sạn xa xỉ mang tên ông.

"Tôi là một người ủng hộ trung thành của ông ấy bởi những đóng góp của ông cho đất nước. Thế nhưng những khách sạn và sân golf xa xỉ không phải thứ tôi cùng nhiều người Mỹ quan tâm, nó không phải thứ chúng tôi hay dùng hàng ngày", anh Lonnie nói.

Đồng quan điểm, anh Larry Taylor ở Alabama là một người ủng hộ Trump cho biết mình không mua thứ gì của ông trong 5 năm qua nhưng sẵn sàng ký hợp đồng cáp truyền hình cho chương trình mới của vị tỷ phú này nếu có.

Trái ngược lại, chủ trang trại chăn cừu Murnion ở Montana thì lại chẳng muốn ký hợp đồng cáp truyền hình nào nếu nó có giá quá 10 USD/tháng vì thế là quá xa xỉ so với cuộc sống của anh.

"Nếu chúng tôi tiêu tiền hoang phí như vậy thì đã chẳng sống nổi ở đất nước này. Cuộc sống ở Mỹ cũng khắc nghiệt lắm chứ", anh Murnion than thở.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM