Thị trường tài chính toàn cầu trong cơn khủng hoảng Covid-19 – Góc nhìn từ sự sụp đổ của quỹ LTCM năm 1998

17/03/2020 14:47 PM | Kinh doanh

Cuộc khủng hoảng lần này được đánh giá sẽ nặng nề và gây ra tác động lâu dài hơn rất nhiều với nền kinh tế toàn cầu khi so sánh với 2 cuộc khủng hoảng năm 1998 và 2008, ít nhất cho tới khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

Cuộc khủng hoảng ở các thị trường tài chính gây ra bởi corona virus được đánh giá là nguy hiểm hơn bao giờ hết, kể cả khi được so sánh với khủng hoảng tài chính năm 2008 hay chuẩn xác hơn là sự sụp đổ của quỹ LTCM năm 1998.

Thị trường tài chính toàn cầu trong cơn khủng hoảng Covid-19 – Góc nhìn từ sự sụp đổ của quỹ LTCM năm 1998 - Ảnh 1.

Khủng hoảng tài chính hiện này được so sánh với cuộc khủng hoảng LTCM năm 1998 hay khủng hoảng năm 2008, nhưng nghiêm trọng hơn (Ảnh: ZeroHedge)


Sự khởi đầu của khủng hoảng tài chính năm nay có thể được bắt đầu từ Mỹ, khi chỉ số Công nghiệp Dow Jones kết thúc quãng thời gian dài nhất lịch sử - kéo dài 11 năm, duy trì thị trường bò tót (ám chỉ thị trường tăng trưởng theo thời gian). 

So với đỉnh cao cuối tháng 12 năm ngoái, thị trường Dow Jones đã mất 24,6% giá trị, làm những lo ngại về khủng hoảng kinh tế thực sự hiện hữu. Các cổ phiếu thay nhau giảm giá, giá dầu giảm cùng với lãi suất chính phủ Mỹ xuống thấp kỷ lục trong khi giá vàng tiếp tục tăng cao khi cả thế giới tiếp tục phải đối mặt với việc virus corona lan rộng ra tới châu Âu và Mỹ - những khu vực tỏ ra bàng quan nhất với dịch bệnh nguy hiểm này.

Thị trường tài chính toàn cầu trong cơn khủng hoảng Covid-19 – Góc nhìn từ sự sụp đổ của quỹ LTCM năm 1998 - Ảnh 2.

Các chỉ số quan trọng của chứng khoán Mỹ chứng kiến sự suy giảm rất mạnh, sau khi dịch Covid-19 lan rộng ở Hoa Kỳ và châu Âu. (Ảnh: TradingView)

Chỉ cách đây 1 tháng, thị trường Mỹ và các nước châu Âu vẫn duy trì sự tự mãn đáng sợ, khi họ cho rằng corona chỉ là một loại cảm cúm thông thường, và dịch cúm này sẽ chỉ giới hạn ở Trung Quốc đồng thời cũng nhanh chóng bị dập tắt. 

Chỉ tuần trước, Tổng Thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn coi thường dịch cúm này đến mức đăng Twitter so sánh Covid – 19 với dịch cúm mùa ở Mỹ; ở châu Âu, người dân thậm chí chủ quan đến mức không đeo khẩu trang và vẫn tụ tập nơi đông người, dù cho dịch bệnh đã có dấu hiệu bùng phát nhiều ngày trước đó. 

Chính vì sự chủ quan này đã dẫn đến việc dịch lây lan rất nhanh ở Pháp, Italia và Mỹ; điều này đã khiến các nhà đầu tư trở nên cực kỳ hoảng loạn, gây ra sự kiện thứ Hai đen tối lần đầu tiên sau hơn 30 năm cũng như một ngày thứ Năm khủng hoảng sau đó ít ngày. Mặc dù các Ngân hàng TW của Mỹ, Canada hay châu Âu đều đưa ra những biện pháp cụ thể, song điều này lại càng làm cho thị trường trở nên tồi tệ hơn.

Thị trường tài chính toàn cầu trong cơn khủng hoảng Covid-19 – Góc nhìn từ sự sụp đổ của quỹ LTCM năm 1998 - Ảnh 3.

Phát biểu vô cùng chủ quan của Tổng thống Mỹ.

Ngay sau đó, ông Trump đã công bố gói hỗ trợ và miễn thuế trong 3 tháng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Mỹ, nhưng tình hình cũng chưa được cải thiện nhiều.

Các nhà đầu tư và chuyên gia trên toàn thế giới đang tìm kiếm và so sánh cuộc khủng hoảng lần này với những cuộc khủng hoảng đình đám trước đó, trong đó điển hình là LTCM năm 1998, khiến FED buộc phải ra tay để ngăn chặn sự sụp đổ theo dây chuyền; hay sự sụp đổ của ngân hàng Lehmann Brother năm 2008 kéo theo việc phá sản hàng loạt các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính khác.

Quỹ LTCM là quỹ đầu tư phòng hộ (Hedge Fund) nổi tiếng những năm 90s, được điều hành bởi hai nhà kinh tế học đạt giải Nobel là Myron S. Scholes và Robert C. Merton (được biết đến qua mô hình định giá nổi tiếng Black – Scholes – Merton) với vốn ban đầu là 1,25 tỷ USD. 

Năm 1998, quỹ này đã chịu ảnh hưởng nặng nề dẫn đến việc phá sản sau đó, do đặt cược sai vào sự biến động (volatility) trên thị trường tài chính (quỹ này đặt cược vào việc biến động sẽ giảm xuống, tuy nhiên thực tế thì biến động lại tăng lên do khủng hoảng tài chính), cũng như đầu tư vào trái phiếu của Nga thất bại, do chính phủ nước này mất khả năng chi trả 281 tỷ rúp (13,5 tỷ USD theo tỷ giá năm 1998) trái phiếu. 

Việc Nga mất khả năng chi trả cho trái phiếu khiến không chỉ LTCM mà thị trường tài chính toàn cầu cũng chịu ảnh hưởng; FED đã phải ra tay khi cùng rất nhiều ngân hàng bơm thêm 3,6 tỷ USD cho LTCM, giúp giảm tác động của việc quỹ này phá sản.

Thị trường tài chính toàn cầu trong cơn khủng hoảng Covid-19 – Góc nhìn từ sự sụp đổ của quỹ LTCM năm 1998 - Ảnh 4.

Sự sụt giảm kinh hoàng của quỹ LTCM trước khi quỹ này phá sản (Theo Roger Lowenstein, When Genius Failed: The Rise and Fall of Long-Term Capital Management).


Một trong những sai lầm của LTCM ở chỗ, họ đã không tính toán tới yếu tố thanh khoản của thị trường. Ngày nay, thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ - một trong những thị trường quan trọng bậc nhất của thị trường tài chính toàn cầu, đang gặp phải vấn đề về thanh khoản qua chỉ số về độ sâu (market – depth – chỉ số này cho thấy khả năng mua bán trên thị trường mà không làm giá biến động quá mạnh, thể hiện qua thanh khoản thị trường) của thị trường, khi chỉ số này đã rơi xuống mức tương đương năm 2008. 

Tình trạng này xảy ra do lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm sâu: tại một thời điểm trong tuần qua, toàn bộ đường cong lãi suất trái phiểu chính phủ Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử đều ở mức dưới 1%, cho thấy triển vọng của kinh tế thế giới ngày một xấu đi. 

Việc thanh khoản của thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ bốc hơi gây ra nguy hiểm cho thị trường nợ trị giá tới 50 nghìn tỷ đô la, cũng như gây tác động xấu tới hàng nghìn tỷ đô la liên kết với trái phiếu của nước này.

Thị trường tài chính toàn cầu trong cơn khủng hoảng Covid-19 – Góc nhìn từ sự sụp đổ của quỹ LTCM năm 1998 - Ảnh 5.

Chỉ số về độ sâu của thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ 30 năm đã giảm xuống mức tương đương năm 2008, cho thấy vấn đề về thanh khoản của thị trường này (Ảnh: JP Morgan và Bloomberg)

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu tình trạng hiện tại không chấm dứt, nhiều quỹ sẽ phá sản và phải bán tháo nhiều tài sản cho các chủ nợ, giống như LTCM trước đây. Điều này sẽ gây ra hiệu ứng domino như năm 2008, khi hàng loạt ngân hàng, các quỹ sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ khủng hoảng và thị trường tài chính sẽ tiếp tục chìm trong chuỗi ngày giảm giá.

Thị trường tài chính toàn cầu trong cơn khủng hoảng Covid-19 – Góc nhìn từ sự sụp đổ của quỹ LTCM năm 1998 - Ảnh 6.

Toàn bộ đường cong lãi suất trái phiếu của Mỹ giảm xuống dưới 1% lần đầu tiên trong lịch sử (Ảnh: Business Insider)

Sự chủ quan của chính phủ nhiều nước phương Tây với dịch bệnh lần này, cùng với việc Covid-19 vẫn chưa có thuốc đặc trị đã và đang gây ra thiệt hại nặng nề cho các nước. Cuộc khủng hoảng lần này được đánh giá sẽ nặng nề và gây ra tác động lâu dài hơn rất nhiều với nền kinh tế toàn cầu khi so sánh với 2 cuộc khủng hoảng năm 1998 và 2008, ít nhất cho tới khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

Thị trường tài chính toàn cầu trong cơn khủng hoảng Covid-19 – Góc nhìn từ sự sụp đổ của quỹ LTCM năm 1998 - Ảnh 7.

Tiến Đạt

Cùng chuyên mục
XEM