Hàn Quốc: Không phẫu thuật thẩm mỹ đồng nghĩa với thất nghiệp và lạc hậu

15/12/2015 14:56 PM |

Ước tính rằng khoảng 1/5 đàn ông đến 1/3 phụ nữ tại Seoul đã phẫu thuật thẩm mỹ.

“Nếu muốn có khuôn mặt xinh đẹp hơn, hãy tới Seoul”. Đó là lời chia sẻ của phóng viên Patricia Marx của tờ New Yorker sau chuyến công tác dài ngày tại Seoul, Hàn Quốc. Marx đã thực sự bất ngờ về nền công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc và càng bất ngờ hơn khi biết lý do phẫu thuật thẩm mỹ trở nên phổ biến tới vậy tại quốc gia này.

Tại Hàn Quốc xuất hiện một số lượng nhiều không tưởng phụ nữ và cả nam giới có vẻ ngoài giống như những hoàng tử, công chúa. Những lời dặn dò từ người thân họ hàng rằng: “Cháu sẽ xinh đẹp hơn nếu có chiếc cằm thon gọn” được xem là hết sức bình thường.

Quốc gia này đã chi không ít tiền bạc để chỉnh sửa các bộ phận trên cơ thể từ mũi, mắt cho tới cằm. Một số ước tính dưới đây sẽ thực sự khiến bạn “sốc” (lưu ý là những thông kê dưới đây không chắc chắn tuyệt đối do dữ liệu không được ghi chép chính thức):

- Một bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ có thể đón khoảng 10.000 bệnh nhân mỗi năm (cả trong và ngoài nước).

- Hàn Quốc là đất nước này có tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ trên đầu người cao nhất trên thế giới.

- Ước tính rằng khoảng 1/5 - 1/3 phụ nữ tại Seoul đã động chạm tới dao kéo.

- 15 – 20% khách hàng phẫu thuật thẩm mỹ là nam giới.

Trên thực tế các nhà ga tàu điện ngầm ở Seoul tràn lan những tấm biển quảng cáo cỡ lớn về các trung tâm và bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ. Đa phần đều sử dụng những hình ảnh so sánh khách hàng trước và sau phẫu thuật với những từ thu hút như: Khuôn mặt nhỏ mơ ước, chiếc mũi huyền diệu… Thậm chí, có riêng những trung tâm thẩm mỹ dành để "phục hồi nhan sắc" cho các bà mẹ trẻ.

Đối với các bậc cha mẹ Hàn quốc, món quà tặng trong lễ tốt nghiệp trung học để chuẩn bị bước vào đại học của con cái phổ biến nhất là... phẫu thuật nâng mũi hoặc bổ mí. Món quà "sắc đẹp" này có giá từ 1.000 - 3.000 USD với hy vọng con cái họ sẽ có vẻ ngoài hoàn hảo sau này.

“Khi 19 tuổi, tất cả các cô gái trẻ đều đi phẫu thuật thẩm mỹ. Nếu không làm như vậy, một vài năm sau đó, tất cả bạn bè của bạn sẽ đều trông xinh đẹp hơn còn bạn thì không. Tôi muốn phẫu thuật thẩm mỹ khi còn trẻ để có thể sống với khuôn mặt mới lâu nhất có thể”, là lời chia sẻ của một cô gái trẻ vừa làm phẫu thuật bổ mí.

Ngoài bổ mí, phẫu thuật cho khuôn mặt nhỏ lại cũng là yêu cầu phổ biến từ nhiều bệnh nhân. Khi được hỏi lý do, đa phần trả lời rằng: “Người Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung đều tự ti vì khuôn mặt quá to. Đây là lý do tại sao trong những bức ảnh chụp cả nhóm, một cô gái sẽ cố gắng đứng xa đằng sau để trông khuôn mặt được nhỏ nhắn hơn. Chính vì vậy, phẫu thuật cho khuôn mặt nhỏ lại là yêu cầu hết sức phổ biến”.

Ngoài ra, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Yonsei Seoul cho biết: “Một yếu tố quan trọng đó là quan niệm văn hóa đối lập của người Hàn Quốc với phương tây. Tại Hàn Quốc, những yếu tố bên ngoài như quần áo, cử chỉ và vẻ ngoài lấn át hẳn những vấn đề bên trong như suy nghĩ và cảm xúc. Nói chung, tại Hàn Quốc, chúng tôi không quan tâm xem bạn nghĩ gì về bản thân. Suy nghĩ của người khác về bạn mới là quan trọng”.

Ví dụ, nếu một đứa trẻ Mỹ 10 tuổi bẩm sinh có năng khiếu âm nhạc thay vì bóng đá, chúng sẽ không bị ép buộc phải đi theo sự nghiệp bóng đá. Nhưng tại Hàn Quốc, đa phần mọi người cho rằng nếu nỗ lực cố gắng bạn có thể cải thiện bản thân tức và vì vậy họ vẫn cố lái những đứa trẻ của mình chơi bóng”. Vì vậy, người Hàn Quốc quan niệm bạn không chỉ lớn lên có thể trở thành David Beckham mà thậm chí có thể có cả ngoại hình giống ngôi sao này.

Điều đáng nói là việc phẫu thuật thẩm mỹ thậm chí được sự đồng tình và khuyến khích của các bậc phụ huynh Hàn Quốc. Stelle Ahn – một sinh viên cho biết: “Em chưa bao giờ nghĩ tới việc phẫu thuật thẩm mỹ cho tới khi bố mẹ nói với em rằng: Mắt của con giống bố mẹ vì vậy chúng ta đã nhờ tới bác sỹ thẩm mỹ để giúp con trở nên xinh đẹp hơn”.

Thậm chí cha của em nói rằng: “Xinh đẹp là một lợi thế to lớn đối với mọi cô gái. Ví dụ, khi phỏng vấn xin việc, trong 2 người phụ nữ có trình độ chuyên môn như nhau, dĩ nhiên người có ngoại hình trội hơn sẽ được chọn lựa”.

Thực tế với gần một nửa dân số Hàn Quốc sống tại Seoul, thành phố này trở nên đông đúc và cạnh tranh hơn bao giờ hết. Hơn nữa, kể từ khi các công ty yêu cầu phải đính kèm ảnh chân dung vào hồ sơ xin việc thì vẻ ngoài càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, hiện tại Ahn nói rằng cô cảm thấy rất hối tiếc: “Đây không phải là em, dường như em bị mất đi chính mình”.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM