Hàng loạt các quôc gia phát triển đang phải vật lộn để tăng ... lạm phát lên, nhưng vẫn bất lực

27/02/2016 11:06 AM |

Lãi suất âm trước đây chỉ được coi là một thử nghiệm trong lý thuyết của các nhà kinh tế học, nhưng giờ đây chúng đã trở thành hiện thực khi hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới tăng cường nới lỏng chính sách tiền tệ.

Các ngân hàng trung ương trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, Nhật Bản, Thụy Điển, Đan Mạch và Thụy Sĩ đều đã đưa các mức lãi suất ngắn hạn của mình xuống dưới 0% trong nỗ lực làm yếu đồng nội tệ và đấu tranh với các áp lực chống lạm phát.

Nhưng lãi suất âm có vẻ không mang lại hiệu quả trên thực tế như những gì được suy diễn theo lý thuyết.

Làm sao để nhận biết điều đó?

Thứ nhất, người ta vẫn đang mua các loại trái phiếu chính phủ do các nước này phát hành cho dù mức lãi suất âm đồng nghĩa với việc họ sẽ lỗ vốn nếu giữ trái phiếu đến ngày đáo hạn.

Nguyen nhân là người dân vẫn phải đánh cuộc vào một hình thức giảm phát nào đó, và trong trường hợp này, họ vẫn tin tưởng vào trái phiếu chinh phủ.

Hơn nữa, gần như chẳng có bằng chứng rõ rệt nào từ lãi suất âm cho thấy chúng là giải pháp đúng đắn cho tình trạng giảm phát. Duy chỉ có trường hợp Thụy Điển, nơi bắt đầu áp dụng lãi suất âm từ đầu năm 2015, đã thấy tỉ lệ lạm phát gần đây tăng lên một chút.

Trong khi đó ở Thụy Sĩ, đất nước này cũng đưa ra mức lãi suất âm từ đầu năm 2015 nhưng hiện vẫn chìm trong giảm phát, với mức giá giảm gần 1,3% vào tháng 12/2015 so với cùng kỳ năm 2014.

Đối với những nền kinh tế lớn hơn như Nhật Bản và các nước trong nhóm Eurozone, lạm phát vẫn ở mức cực kỳ yếu bất chấp sự có mặt của chính sách lãi suất âm. Có rất ít dấu hiệu cho thấy một sự bùng nổ lạm phát sẽ diễn ra trong tương lai gần.

Lãi suất âm có thể có tác dụng nếu được đẩy xuống sâu hơn nữa so với mức hiện tại, nhưng nó cũng đồng nghĩa với rủi ro lớn hơn cho các ngân hàng.

Cho đến nay, các ngân hàng vẫn phải thắt lưng buộc bụng vì mức lãi suất thấp từ các khoản họ cho vay cũng khiến lợi nhuận bị thu hẹp lại.

Bên cạnh đó, như nhà kinh tế học Keynes đã viết vào những năm 30 của thế kỷ trước, khi lãi suất gần với mốc 0%, chính sách tiền tệ trở nên ít hiệu quả hơn nhiều với tư cách là một công cụ hồi phục nền kinh tế.

Khi bạn mắc phải bẫy thanh khoản, thì chính sách tài khóa hay chi tiêu chính phủ là một cách tốt hơn nhiều để vực dậy tăng trưởng kinh tế. Và đây chính là điều mà hiện nay các chuyên gia kinh tế đang nói đến.

Gần đây, cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Larry Summers đã viết rằng “các bước chuẩn bị cần phải bắt đầu bằng việc nhanh chóng áp dụng chính sách tài khóa”.

Adair Turner, người từng đứng đầu cơ quan Dịch vụ Tài chính Anh Quốc (FSA) vẫn luôn cho rằng ngân hàng trung ương nên in tiền cho chi tiêu chính phủ.

Trong cuốn sách “The Only Game in Town” của chuyên gia trong thị trường trái phiếu Mohamed el-Erian, ông cho rằng là các chính trị gia cần nỗ lực hơn nữa để vực dậy nền kinh tế, và sự đồng thuận với các ý kiến này dường như đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM