Người Trung Quốc ngày càng quay lưng với tiếng Anh

11/11/2013 11:20 AM |

Các trung tâm tiếng Anh hoang mang.

Nội dung nổi bật:

- Trình độ tiếng Anh của người dân Trung Quốc nhìn chung có tăng nhưng hãy còn chậm, hiện đang xếp sau Việt Nam và Indonesia.

- Vì sao người Trung Quốc ngày càng quay lưng với tiếng Anh?

(i) Kinh tế phát triển, các công ty nội địa ngày một trưởng thành, cơ hội việc làm phong phú mà không yêu cầu bằng tiếng Anh.

(ii) Nhiều người cho rằng "cơn sốt tiếng Tây" đang khiến thế hệ 8X, 9X "quên" tiếng mẹ đẻ.

- ... Và quay lưng thế nào?

(i) Một số trường Đại học bãi bỏ môn tiếng Anh trong kỳ thi đầu vào.

(ii) Nhiều cơ quan giáo dục đề xuất hạ thấp trọng số môn tiếng Anh trong thi cử.

- Rõ ràng, đây là tín hiệu không mấy tích cực cho các tập đoàn giáo dục, trung tâm giảng dạy tiếng Anh trên đất nước này.


Marina Wang khi còn là nhân viên của một công ty Anh Quốc tại Hàng Châu, Trung Quốc phải sử dụng tiếng Anh hàng ngày. Nhưng từ khi chuyển về làm cho một ngân hàng nội địa ở Hồ Bắc, vốn tiếng Anh của cô dần "trở về mo". Dù tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh nhưng Wang cũng chẳng buồn sử dụng nó nữa, cô chia sẻ: "Công việc mới của tôi lương ổn định hơn, lại được sống gần bố mẹ. Tiếng Anh nay đã không còn cần thiết vì tôi chỉ phải giao tiếp với khách hàng trong nước là chính."

Câu chuyện của Wang chỉ là một ví dụ nhỏ trong cuộc tranh luận chưa có hồi kết tại Trung Quốc về việc dạy và học tiếng Anh trên đất nước này.

Trả lại "đất" cho tiếng mẹ đẻ

Tờ China Daily thống kê vài năm gần đây Trung Quốc có 400 triệu người học tiếng Anh. Năm 2011, giá trị thị trường đào tạo tiếng Anh tại nước này lên tới 46,3 tỷ NDT (7,5 tỷ USD) (theo số liệu của Beijing Zhongzhilin Information Technology Ltd.).

Nhưng nền kinh tế Trung Quốc ngày một trưởng thành, lượng người tiêu dùng trở nên đông đảo, các công ty trong nước đua nhau mọc lên khai thác nhu cầu, vô vàn cơ hội việc làm mới xuất hiện mà không đòi hỏi bằng tiếng Anh.

Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng lên tiếng chỉ trích kỹ năng tiếng mẹ đẻ của thế hệ 8X, 9X ngày càng bị xói mòn tại nhà trường quá chú trọng vào môn tiếng Anh. Đầu tháng 10, tờ báo Hoàn Cầu của nước này còn đăng bài xã luận nói rằng: "Đã đến lúc Trung Quốc phải "hạ nhiệt" "cơn sốt tiếng Tây" để đảo ngược xu thế quá ư coi trọng việc dạy và học tiếng Anh cho lớp trẻ."

"Dẹp" tiếng Anh khỏi kỳ thi đại học

"Vị thế của tiếng Anh tại Trung Quốc đang thay đổi", David Graddol, nhà tư vấn giáo dục Hong Kong, tác giả nhiều cuốn sách nói về tiếng Anh tại Trung Quốc cho biết, "Trước đây, học sinh học tiếng Anh chủ yếu để vượt qua kỳ thi đại học. Điều này mai sau sẽ không còn như trước nhưng nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Anh vẫn có thể tăng".

Đầu năm 2013, một số trường Đại học tại Trung Quốc đã bãi bỏ môn tiếng Anh khỏi kỳ thi tuyển sinh đầu vào, điển hình như khoa cơ khí của Đại học công nghệ Bắc Kinh.

Tháng trước, một số cơ quan giáo dục tại Bắc Kinh còn đề xuất giảm tải trọng số điểm tiếng Anh trong các kỳ thi công cộng trên cả nước, bao gồm thi Đại học. Các tỉnh khác như Sơn Đông, Giang Tô cũng đang xem xét sửa đổi.

Xuming Wang, cựu phát ngôn viên của Bộ Giáo Dục Trung Quốc còn kêu gọi chấm dứt giảng dạy tiếng Anh ở trẻ nhỏ, thay vào đó là tăng thời lượng học tiếng mẹ đẻ.

Đã "tẩy chay" lại còn học kém

Tổ chức giáo dục lớn nhất thế giới EF Education First vừa công bố nghiên cứu cho thấy chỉ số trình độ tiếng Anh của thí sinh Trung Quốc đã tăng hơn một chút so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn xếp sau các nước như Việt Nam, Nga, Indonesia... Trình độ tiếng Anh của người dân Việt Nam và Indonesia tăng nhanh hơn Trung Quốc với mức +3,2% trong vòng sáu năm qua.


Chenjia Xu, nhân viên văn phòng người Thượng Hải, hàng tháng chi những 1.400 NDT (230 USD) để học thêm tiếng Anh. Anh cho biết: "Trình độ tiếng Anh của người Trung Quốc đang được cải thiện nhưng vẫn còn rất chậm. Ở trường giáo viên chỉ dạy cách đánh vần, dùng ngữ pháp nhưng không bao giờ nói một câu tiếng Anh với học sinh."

Những thay đổi nhỏ nhất cũng có tác dụng cải thiện trình độ giao tiếp tiếng Anh của học sinh Trung Quốc. Linqi Tang, giám đốc văn phòng Hội Đồng Anh tại Bắc Kinh cho rằng khi áp lực thi cử giảm xuống, giáo viên tiếng Anh sẽ "rảnh tay" hơn và xây dựng được những tiết học đi sâu vào giao tiếp chứ không phải các bài kiểm tra.

Giới kinh doanh hoang mang

Các công ty giảng dạy, gia sư tiếng Anh có tiếng tại Trung Quốc như Zurich, EF Education First và New Oriental đang theo dõi chặt chẽ cuộc tranh luận nói trên. Louis Hsieh, chủ tịch New Oriental phát biểu trong một cuộc họp với các nhà đầu tư: "Việc giảm bớt tầm quan trọng của tiếng Anh, nâng cao hệ số điểm tiếng Trung Quốc và Toán trong kỳ thi đại học rõ ràng không hề có lợi cho tập đoàn". Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định việc thay đổi sẽ không ảnh hưởng quá nhiều lên kết quả kinh doanh vì "Tiếng Anh sẽ mở rộng cơ hội việc làm, làm sao người ta có thể tìm được việc nếu không biết nói tiếng Anh?"

Thùy An

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM